Toàn cảnh Khu đô thị lấn biển Đa Phước Đà Nẵng nhìn từ xa. Nằm ngay trước cửa biển thủ phủ miền Trung. |
Như Tạp chí GTVT đã đăng bài kỳ 1 "Ai "đỡ đầu" để Khu đô thị quốc tế Đa Phước "nghênh ngang" sai phạm?" sau khi bị dư luận 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng lên tiếng nghi ngờ sử dụng cát trộm ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) về để san lấp, xây dựng cho dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và bị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động.
Sau đó, dự án trên lại được Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho thi công trở lại với lý do chủ đầu tư là Công ty TNHH The Sunrise Bay "biện minh" nguồn cát nhà thầu thi công là Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam lấy từ huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) là... hợp lệ; đá khai thác từ các mỏ thuộc huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và huyện Đại Lộc (Quảng Nam).
Cụ thể, theo Báo Người lao động ngày 28 và 29/4/2017, Công ty Trung Nam đã "lập hồ sơ khống" đưa ra bằng chứng là Quyết định số 1193 ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (huyện Tây Giang). Quyết định do ông Huỳnh Khánh Toàn ký, cho phép Công ty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn (Công ty Tây Trường Sơn) khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến tháng 5-2019.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy quyết định trên bị làm giả bởi tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ ban hành quyết định cho phép khai thác cát ở Tây Giang. Quyết định cùng số, cùng ngày, cùng người ký trên chính xác là quyết định về việc gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá tại Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).
Đáng chú ý, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Công ty Tây Trường Sơn đã giải thể từ lâu, tính đến tháng 2-2017, doanh nghiệp trên đang nợ thuế hơn 2,3 tỉ đồng. Dù thế, ngày 20-9-2016, Công ty Trung Nam có ký hợp đồng với Công ty Tây Trường Sơn, mua cát san nền số lượng 1 triệu khối với giá 45 tỉ đồng. Phải chăng đây là một bản hợp đồng khống?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy văn bản cấp giấy phép để khai thác cát tại địa phương không có cát bị làm giả.
Chiều 28-4, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Nam khẳng định, tỉnh Quảng Nam không hề cấp bất kỳ một giấy phép khai thác cát nào trên địa bàn xã A Tiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Ông Thọ nhận định, rất có khả năng quyết định của ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã bị làm giả. Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam đã trình báo sự việc cho công an vào cuộc điều tra.
|
Sau khi nghe thông tin này, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang đã bất bình: Tây Giang làm gì có cát. Để xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn, chúng tôi phải xuống các huyện Đại Lộc, Điện Bàn hay thậm chí ở Đà Nẵng để mua từng xe cát thì lấy đâu ra mỏ cát mà bán. Và ngay sau đó, sáng 29/4/2017, huyện Tây Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng đề nghị chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc điều tra, xác minh các hợp đồng mua bán, vận chuyển cát của Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam – nhà thầu thi công dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Trong văn bản, chính ông Linh đã khẳng định, Tây Giang là một huyện miền núi, cách TP Đà Nẵng 120 km về phía Tây, nguồn tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng chủ yếu nằm dọc theo các sông suối nhưng trữ lượng rất ít, không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện. Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn huyện không có mỏ cát, UBND tỉnh Quảng Nam cũng không cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện. Thông tin huyện Tây Giang có mỏ cát cả triệu khối là không chính xác, làm ảnh hưởng uy tín của huyện.
Để “qua mặt” cơ quan chức năng, Công ty Trung Nam đã đưa ra bằng chứng là Quyết định số 1193 ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng (huyện Tây Giang). Quyết định do ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký, cho phép Công ty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến tháng 5-2019.
Để hợp thức hóa nguồn cát, Công ty Trung Nam ký hợp đồng số 27 ngày 20-9-2016 với Công ty Tây Trường Sơn, mua cát san nền số lượng 1 triệu khối với giá 45 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một điều lạ là Quyết định 1193 ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc gia hạn giấy phép khai thác cát ở khu vực xã A Tiêng lại có nhiều điểm "rập khuôn" Quyết định ngày 6-4-2015 của UBND tỉnh Quảng Nam, về việc gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá tại Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).
Khi so sánh giữa 2 Quyết định cùng một số, cùng ngày cấp, đều do ông Huỳnh Khánh Toàn ký, có nhiều dấu hiệu cho thấy văn bản gốc (gia hạn cho mỏ đá ở Nam Giang) đã bị chỉnh sửa một cách tinh vi.
Ví dụ: Tại điều 1, Quyết định 1193 gia hạn cho mỏ đá Khe Rọm (thị trấn Thạnh Mỹ) theo Quyết định số 1777/QĐ-UBND ngày 29-5-2009 thì Quyết định 1193 gia hạn mỏ cát ở A Tiêng được sửa thành “gia hạn theo Quyết định số 1777/QĐ-UBND ngày 29-11-2014".
Đáng chú ý, tại điều 1, cả 2 Quyết định đều trùng nội dung: “Diện tích khu vực được phép tiếp tục khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất là 5,57 ha được giới hạn bởi các điểm góc khép kín từ 1 đến 4, hệ tọa độ VN 2000, kinh tuyến trục 107045’ múi chiếu 30 xác định trên Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1/1.000 kèm theo…”.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao hai địa điểm là Khe Rọm ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) và A Tiêng (Tây Giang) cách nhau gần 100 km lại cùng tọa độ? Ngoài ra, không hiểu vì sao mà trong văn bản cấp phép khai thác cát ở huyện Tây Giang lại có chỗ đột nhiên nhảy sang huyện Nam Giang.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định ông chưa hề ký bất kỳ văn bản nào cho phép khai thác cát ở Tây Giang vì địa phương này hoàn toàn không có mỏ cát. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao cho Công an tỉnh điều tra vụ việc. Đây là họ giả mạo. Họ lấy râu ông này cắm cằm ông kia để ra một văn bản như vậy.
Các kỳ báo trên Báo điện tử Dân Việt ra ngày 24/4 "Nhà thầu dự án lấn biển Đa Phước lại tìm nguồn cát "khống"?, ra ngày 28/4 "Nhà thầu KĐT lấn biển Đa Phước “phù phép” nguồn cát khống ra sao?". Theo đó, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - khi được PV Dân Việt cung cấp tài liệu đã phải thốt lên: “Trong đời chưa bao giờ thấy văn bản này”. Ông Bhling Mia khẳng định, xã A Tiêng nằm ngày trung tâm huyện, mỏ cát 3 triệu khối thi công lúc nào, ở đâu, vị trí nào ông phải biết. “Tây Giang tôi nắm trong lòng bàn tay, sông suối ở đây cát để xây dựng còn chưa có, lấy đâu bán ra Đà Nẵng?”, ông nói.
Vị Chủ tịch huyện này cho rằng, quyết định này không có thật, vì dẫu cho UBND tỉnh cấp thì huyện phải biết vì nằm trên địa bàn, cơ quan tham mưu phải bắt đầu từ cấp huyện. "Chúng tôi làm đường nông thôn mới còn phải sang Nam Giang, xuống Đại Lộc hoặc sông Túy Loan của Đà Nẵng mua từng xe cát thì bây giờ nói Tây Giang có mỏ 3 triệu khối ai tin? Nói thật, tôi chả biết mặt mũi các nhà thầu, công ty thi công đô thị Đa Phước như thế nào mà dám nói nguồn cát 3 triệu khối ở Tây Giang. Có việc gì cứ đổ hết cho Tây Giang, nghe mà chua xót”, vị Chủ tịch nói.
Lần theo hồ sơ, cũng như Báo Người Lao động, PV Báo điện tử Dân Việt không thể tin nổi, nhà thầu KĐT lấn biển Đa Phước là Công ty Trung Nam lại có thể phù phép nguồn cát khống, đánh lừa dư luận một cách thô thiển như vậy. Theo tài liệu mà PV Dân Việt có được, QĐ 1193/QĐ/UBND của UBND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch Huỳnh Khánh Toàn ký, cho phép Công ty CP ĐT&XD Tây Trường Sơn Quảng Nam khai thác mỏ cát 3 triệu khối ở xã A Tiêng đến 5.2019.
Để hợp thức hóa nguồn cát, Công ty Trung Nam ký hợp đồng số 27 (20.9.2016) với Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam, mua cát san nền số lượng 1 triệu khối với giá 45 tỷ đồng. Vấn đề là tìm đâu ra mỏ cát ở xã A Tiêng để các bên hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ nhằm chứng minh được nguồn cát hợp lệ khi đổ ở KĐT lấn biển Đa Phước?
Điều tra của PV Dân Việt cho thấy cũng giống như Báo Người lao động, QĐ số 1193 thực chất là QĐ gia hạn giấy phép của một mỏ đá tại Khe Rọm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam). Đối chiếu 2 QĐ cùng có một số, cùng ngày cấp, đều do ông Huỳnh Khánh Toàn ký, có thể thấy QĐ gốc (gia hạn cho mỏ đá ở Nam Giang) đã được chỉnh sửa một cách tinh vi.
Như vậy, sau khi bị buộc phải tạm dừng thi công để chứng minh nguồn vật liệu, KĐT Sunrise Bay (KĐT lấn biển Đa Phước Đà Nẵng) mới đây đã được Sở Xây dựng cho phép thi công trở lại vì nguồn vật liệu hợp pháp khi dự án Đa Phước do nhà thầu thi công là Công ty Trung Nam lại tiếp tục “phù phép” nguồn cát khống ở Tây Giang (Quảng Nam).
UBND tỉnh Quảng Nam và ông Phó Chủ tịch Huỳnh Khánh Toàn nghĩ gì khi QĐ và chữ ký của chính ông bị “phù phép” như vậy? Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng nghĩ gì khi bị dự án Khu đô thị Đa Phước “qua mặt” 1 cách ngoạn mục? Và trách nhiệm của Sở Xây dựng Đà Nẵng sẽ đến đâu khi cho phép khu đô thị lấn biển này thi công trở lại khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng như thế?
Trước đó, liên quan đến dự án KĐT Đa Phước Đà Nẵng do nhà thầu Trung Nam lấy nguồn cát từ Cửa Đại (Hội An) xuất “bán chui” ra Đà Nẵng, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ việc đã được UBND tỉnh đã giao cho các ngành chức năng làm việc với các đơn vị. Bây giờ toàn bộ số cát đã xác định rồi là 4.300m3 và cơ quan điều tra đang mở rộng thêm. Số cát lậu nguồn gốc không phải là xuất xứ từ mỏ hợp pháp thì phải hoàn trả lại. Yêu cầu đơn vị mà xúc cát trộm đi ra ngoài Đà Nẵng chở về lại, còn bên Công ty Trung Nam mua cát không hợp pháp thì yêu cầu họ trả trở lại… Có hai phương án, nếu phương án kia mà không thực hiện được, cát mà đơn vị thu mua trong thực tế đã thi công, xây dựng công trình ngoài KĐT Đa Phước rồi mà không thu hồi lại được cát thì phải thu hồi bằng tiền. Số tiền đó, một là sung vào ngân sách Nhà nước, hai là nạo vét luồng Cửa Đại để phun cát về bờ biển Cửa Đại. Tỉnh quyết liệt sẽ thu hồi cát cho bằng được, phải làm chứ không có khả thi hay không.
Theo dân trong nghề từ các nhà thầu có thâm niên nhiều năm thì việc lấy cát ở huyện biên giới Tây Giang là không khả thi về bài toán kinh tế. Chưa nói Tây Giang không có mỏ cát, mà hiếm có đơn vị nào đi hơn 100km đường rừng để chở cát về lấp biển Đà Nẵng cả. Đó là một phi lý. Giới thạo tin cũng cho hay, trong hoàn cảnh Quảng Nam đang siết chặt cấp mới mỏ cát như hiện nay, việc khai thác cát lậu ở vùng lân cận như Đại Lộc, Hội An... rồi hợp thức hóa giấy tờ bằng một mỏ cát được cấp phép là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Phản hồi của lãnh đạo UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) rất bức xúc trước việc "phù phép" nguồn cát khống của nhà thầu thi công KĐT Đa Phước Đà Nẵng. Dư luận bất bình rằng, nếu để "chìm xuồng" vụ này cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình |
Theo bản tin thời sự 19h phát trên VTV1 tối 29/4/2017 cũng khẳng định thêm 1 lần nữa rằng, cát dùng thi công dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước có nguồn gốc bất minh. Theo đó, đã gần 1 tháng, dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước của Công ty TNHH The Sunrise Bay bị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đình chỉ thi công, vì đơn vị thi công chưa có đánh giá tác động môi trường và nghi tiêu thụ cát trái phép tại Dự án nạo vét biển Cửa Đại (Quảng Nam).
Ngày 21/4, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã cho thi công dự án trở lại, vì chủ đầu tư đã chứng minh được nguồn gốc của vật liệu. Theo đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH The Sunrise Bay, đã có hợp đồng với Công ty Trung Nam, thi công trọn gói dự án lấn biển này. Công ty Trung Nam mua cát phục vụ dự án, có xuất xứ từ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước do Công ty Trung Nam thi công, dự án này nghi tiêu thụ cát trái phép, đang trong quá trình điều tra. Đây là dự án được đơn vị thi công hợp đồng mua cát tại huyện Tây Giang, của tỉnh Quảng Nam.
Ghi nhận tại huyện biên giới Tây Giang - địa danh có tên trong hợp đồng xây dựng giữa Công ty TNHH The Sunrise Bay và Công ty Trung Nam, 90% diện tích huyện Tây Giang là núi cao, còn lại sông suối hẹp. Đi dọc hơn 70km sông A Vương, men theo đường Hồ Chí Minh, phóng viên không tìm thấy có một bãi cát nào.
Tại khu vực sông A Vương, đoạn đi ngang qua huyện Tây Giang, không có cát, chỉ toàn sỏi, đá. Việc Công ty Trung Nam mới đây cho rằng họ mua cát tại Tây Giang để san lấp dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Đà Nẵng, là một điều hoàn toàn phi thực tế.
Ngoài các công trình dân dụng của người dân, huyện Tây Giang có 15 dự án xây dựng đang thi công và đang cần gần 1.000 m3 cát. Theo ông Trần Minh Tạo - Giám đốc Ban quản lý dự án, hầu hết cát xây dựng các phục vụ dự án đều mua ở nơi khác về vì huyện Tây Giang không có cát xây dựng.
Trước thông tin Công ty Trung Nam mua cát tại huyện miền núi Tây Giang để lấn biển, lãnh đạo huyện rất bức xúc. Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy huyện Tây Giang, khẳng định Tây Giang không có mỏ cát và chính quyền địa phương chưa từng bán cát cho Công ty Trung Nam.
Hiện nay, nhiều công trình xây dựng tại huyện miền núi Tây Giang đang mua cát từ Đà Nẵng. Trong khi đó, Công ty Trung Nam lại mua cát từ huyện Tây Giang thi công dự án Khu đô thị Đa Phước liệu có qua mặt Sở Xây dựng Đà Nẵng hay hợp thức hóa số cát đã mua trái phép tại biển Cửa Đại là điều cần được làm sáng tỏ?.
Cả chủ đầu tư Công ty TNHH The Sunrise Bay và nhà thầu thi công Công ty CP Trung Nam đều... đùn đẩy trách nhiệm?
Ngay sau khi các báo, đài lên án chỉ trích, Công ty CP Trung Nam lập tức gửi thông cáo báo chí khẳng định không chịu trách nhiệm trước thông tin cho rằng Quyết định 1193 (ngày 6.4.2015) là giả mạo. Chủ đầu tư dự án – Công ty TNHH Sunrise Bay cũng... không chịu trách nhiệm trước tội vi phạm pháp luật tày đình này.
Cũng theo Dân Việt, công văn số 87/017 ký ngày 29.4 của Công ty CP Trung Nam trả lời báo chí khẳng định: …“Về thông tin trên báo cho rằng giấy phép khai thác cát số 1193 (ngày 6.4.2015) của UBND tỉnh Quảng Nam về “gia hạn giấy phép khai thác cát làm vật liệu thông thường và thuê đất tại khu vực xã A Tiêng, huyện Tây Giang” là giả. Thực hư việc này như thế nào không rõ, nhưng công ty CP Trung Nam chúng tôi xin khẳng định rằng chúng tôi không liên quan và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu như chúng tôi cố tình có hành vi làm giả quyết định này”.
Công ty Trung Nam đưa ra hợp đồng (số 27) ký với Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam, trong đó có điều khoản: "Bên B (tức Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam) phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của nguồn vật liệu cát khai thác và cung cấp (bán) cho bên A (tức Trung Nam). Chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng, trước pháp luật về nguồn cát khai thác".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam vừa giải thể đầu năm nay. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam – cũng cho biết: “7 - 8 năm nay không thấy công ty này hoạt động gì liên quan tới cát sỏi, vật liệu ở địa bàn huyện ngoài một ngôi nhà cho thuê nay đã xuống cấp”.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 29.4, ông Nguyễn Kiên Cường - TGĐ Công ty TNHH Sunrise Bay (chủ đầu tư KĐT Sunrise Bay) cũng ký một văn bản gửi đến báo chí, khẳng định việc thượng tôn pháp luật của mình trong quá trình thực hiện dự án.
Văn bản này cũng ghi rõ: Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu (Công ty CP Trung Nam – PV) ngay lập tức ngừng sử dụng nguồn cát liên quan đến xã A Tiêng (Tây Giang - Quảng Nam), đồng thời thay thế bằng nguồn cát khác hợp pháp mà nhà thầu chứng minh được cho dự án theo quy định tại Hợp đồng thi công số 002 ngày 11.8.2016.
Công văn được cho là để... khoả lấp, đùn đẩy trách nhiệm liên đới của chủ đầu tư Khu đô thị Đa Phước Đà Nẵng- Công ty TNHH The Sunrise Bay gửi đến các cơ quan báo đài sau khi bị... phanh phui nhà thầu lập hồ sơ khống "phù phép" nguồn cát khống để... hợp thức hoá thi công xây dựng Khu đô thị lấn biển lớn nhất Đà Nẵng này |
Theo tìm hiểu của Dân Việt xung quanh một Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6.4.2015 do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ký, điều lạ là có đến hai công ty liên quan tới cùng một QĐ này: Đó là Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam (Tây Giang, Quảng Nam) và Công ty CP Kim Toàn (huyện Nam Giang, Quảng Nam).
Để làm rõ sự trùng hợp này, PV Dân Việt đã tìm gặp đại diện UBDN tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam kiêm người phát ngôn tỉnh tỏ ra khá bất ngờ: “Làm gì có chuyện cùng một quyết định, một ngày ký, một người ký mà lại có hiệu lực cho cả hai đơn vị? Ở đây có chuyện giả mạo rồi đây. Tôi sẽ tra văn bản từ kho dữ liệu lưu trữ văn bản ra biết liền thôi…”.
Ngay sau đó, ông Quang vào máy tra lại Quyết định số 1193, thì đúng là văn bản này do Phó Chủ tịch Huỳnh Khánh Toàn ký đồng ý gia hạn cấp phép cho Công ty CP Kim Toàn khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và thuê đất tại khu vực mỏ đá Khe Rọm, thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang. Quyết định 1193 này không hề có dòng nào nhắc đến Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam.
“Nhìn QĐ số 1193 vậy là quá rõ ràng rồi. Ai giả mạo là biết ngay. UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh thêm về Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam” - ông Quang khẳng định.
Tiếp đó, ông Quang lại tiếp tục vào máy tra tiếp QĐ số 1777/QĐ-UBND tỉnh ký ngày 29.11.2014. Kết quả là ông Quang chỉ tìm thấy QĐ số 1777 do ông Đinh Văn Thu (khi đó là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam) ký ngày 6.6.2014 về việc Phê duyệt kế hoạch đấu thầu công trình trụ sở làm việc Hạt Kiểm lâm Nông Sơn. Cũng không hề có dòng nào nhắc tới Công ty Tây Trường Sơn Quảng Nam.
Trao đổi qua điện thoại với ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp ký QĐ 1193, ông Toàn cũng bỡ ngỡ trước vấn đề PV nêu. “Tôi đang đi công tác, sẽ cho cơ quan chức năng kiểm tra ngay” - ông Toàn nói.
Lại một câu hỏi nhức nhối mà dư luận đặt ra là, với việc dám ngang nhiên làm giả quyết định, giả con dấu, giả chữ ký của một chính quyền cấp tỉnh thì quả là tội tày đình (nghiêm trọng đến mức không chỉ cấu thành phạm tội dân sự mà thậm chí là tội hình sự), không thể có một ban ngành chức năng nào dám làm nếu không có sự "chống lưng"? Vậy, nhà thầu Khu đô thị Đa Phước suy cho cùng cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân- Công ty Trung Nam có "gan to" đến thế hay không nếu không có được một "thế lực" nào đó đủ mạnh đứng sau "mở đường"? Và liệu dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước Đà Nẵng sẽ phải đối diện với pháp luật nghiêm minh như thế nào dưới thời Chính phủ kiến tạo và hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.