Mua bán bảo hiểm xe máy, ôtô trên đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG |
Lý do là bảo hiểm siêu rẻ đó không có giá trị pháp lý hoặc không đủ khi không có bảo hiểm khác đi kèm.
Mua bảo hiểm lề đường để đối phó
Hiện đi dọc các tuyến đường ở TP.HCM như 3 Tháng 2 (Q.10), xa lộ Hà Nội (Q.Thủ Đức), Điện Biên Phủ (Q.3)..., người đi đường dễ dàng nhìn thấy hàng trăm điểm chào bán bảo hiểm xe máy giá rẻ. Giá thành chỉ dao động từ 10.000-35.000 đồng/xe máy/năm bảo hiểm. Chỉ một đoạn đường ngắn tầm 3km trên xa lộ Hà Nội, có cả chục điểm bán bảo hiểm giá rẻ.
Tại một điểm bán ngay chân cầu Sài Gòn (hướng từ trung tâm TP về Q.2), người bán khẳng định các công ty bảo hiểm đều bán giá 55.000-66.000 đồng/năm bảo hiểm. "Ở đây, em bán giá khuyến mãi để cạnh tranh nên rẻ bèo, anh chị mua đi kẻo hết", người bán mời nhưng khi được hỏi bảo hiểm của công ty nào, giá trị bồi thường ra sao thì người này lờ đi, không trả lời.
Nhiều người dân vẫn vô tư ghé mua mà không quan tâm đến giá trị của tờ giấy bảo hiểm này như thế nào. Anh Nguyễn Minh Thành - một người mua bảo hiểm - cho biết vì thấy giá bảo hiểm lề đường rẻ nên mua để đối phó khi bị công an kiểm tra. Trước đây, anh mua bảo hiểm của các công ty uy tín với giá hơn 60.000 đồng/năm, nhưng đến lúc xảy ra tai nạn thì công ty bảo hiểm thờ ơ, từ chối hỗ trợ.
"Tôi làm hồ sơ báo tai nạn. Chờ mòn mỏi không thấy phản hồi, liên hệ thì được trả lời lẽ ra khi xảy ra tai nạn phải báo ngay để công ty họ cử người xuống xác nhận hiện trường. Còn cảnh sát giao thông đã xử lý xong, công ty từ chối giải quyết bồi thường. Công ty bán bảo hiểm mà lại trả lời vô trách nhiệm, mập mờ như vậy thì mua bảo hiểm của họ làm gì" - anh Thành nói.
Cẩn thận "tiền mất tật mang"
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt rất nhiều trường hợp không có bảo hiểm xe máy hoặc sử dụng bảo hiểm xe máy không có giá trị pháp lý. Mức phạt cụ thể là phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng/trường hợp vi phạm.
Vị này phân tích: Người dân mua bảo hiểm giá rẻ không nên chủ quan, bởi vì thực tế bảo hiểm giá rẻ chỉ là chiêu trò câu khách của một số điểm bán. Loại bảo hiểm mà người dân mua với giá 10.000-35.000 đồng là bảo hiểm cho người ngồi trên phương tiện.
Bảo hiểm này chỉ có giá trị khi đi kèm với bảo hiểm xe máy, không dùng thay thế bảo hiểm xe máy. Khi bị kiểm tra, người dân xuất trình các loại bảo hiểm này vẫn bị xử phạt theo đúng quy định.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý, cảnh sát giao thông hay gặp trường hợp người dân mua phải bảo hiểm giả. Giấy bảo hiểm được in giống hệt bảo hiểm thật nhưng con dấu không rõ ràng hoặc tên công ty bảo hiểm là tên ảo. Thậm chí có những trường hợp làm giả tinh vi đã qua mắt được cảnh sát giao thông.
Tuy nhiên đến khi xảy ra tai nạn giao thông chết người, người dân làm hồ sơ gửi đến công ty bảo hiểm yêu cầu bồi thường mới ngã ngửa vì không phải đối tượng tham gia bảo hiểm của công ty. Do đó, người dân cần cân nhắc mua bảo hiểm tại các đại lý, công ty bán bảo hiểm uy tín, có hợp đồng bảo hiểm rõ ràng, đừng ham rẻ mà "tiền mất tật mang".
Phải siết thủ tục các công ty bảo hiểm
Ông Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - đánh giá nhiều trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, quy trình bồi thường nhiêu khê khiến người dân nản lòng. Cụ thể khi xảy ra tai nạn, người điều khiển xe máy phải báo cho cảnh sát giao thông đến lập biên bản, đồng thời báo cho đường dây nóng của công ty bảo hiểm về tai nạn.
Sau đó, người dân thu thập hồ sơ thông tin tai nạn, thiệt hại gây ra... gửi cho công ty bảo hiểm xem xét. Toàn bộ giấy tờ lại phải chờ chứng nhận của cảnh sát giao thông, công an địa phương, bệnh viện điều trị... mới được tiếp nhận. Có những trường hợp làm xong hồ sơ phải mất mấy năm trời vẫn không được bồi thường.
Cũng do vậy, khi xảy ra tai nạn, người dân thường chọn cách tự bồi thường, tự thương lượng chứ không đi làm thủ tục bảo hiểm mất thời gian. Nhờ đó, các công ty bảo hiểm cũng ít phải tham gia bồi thường.
Để quản lý vấn đề này, theo ông Thắng, các bộ ngành cần phải có quy định cụ thể về việc bồi thường bảo hiểm, đơn giản bớt thủ tục bồi thường. Nếu người dân được đảm bảo quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, họ sẽ chủ động mua bảo hiểm đầy đủ.
Lý giải tâm lý mua bảo hiểm lề đường chỉ để đối phó, vị cán bộ PC08 cũng cho rằng có lý do các công ty bảo hiểm còn lơ là với việc bồi thường khi xảy ra tai nạn. Quy trình nhận bồi thường của người mua bảo hiểm nhiêu khê, nhiều thủ tục.
Trong khi mức phạt tiền không có bảo hiểm xe máy chỉ tầm 100.000 đồng/trường hợp, dẫn đến người dân không mặn mà tham gia bảo hiểm xe máy, nảy sinh tâm lý mua để đối phó. Trước thực trạng này, Nhà nước cần phải có chính sách quản lý lại thị trường bảo hiểm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.