Bảo vệ hành lang đường sắt: Bình Dương làm được, TP.HCM kêu khó

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/07/2022 20:05

Bảo vệ hành lang đường sắt là vấn đề không dễ giải quyết, nhưng tỉnh Bình Dương đã có những cách làm khá hiệu quả.

 

Ngành đường sắt cần nhiều thay đổi để phát triển và đảm bảo ATGT

Ngành đường sắt cần nhiều thay đổi để phát triển và đảm bảo ATGT

Ngày 22/7 tại TP.HCM, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đánh giá tổng kết các chính sách pháp luật đường sắt nhằm đảm bảo ATGT. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã dự hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty Đường sắt Sài Gòn cho biết: Hiện trách nhiệm cắm mốc bảo vệ hành lang đường sắt (HLĐS) là thuộc địa phương. Tuy nhiên, trong phạm vi của công ty quản lý chưa có địa phương nào triển khai, dẫn đến hàng loạt vụ vi phạm HLĐS (xây dựng nhà cửa, công trình dân dụng khác).

Nếu sau này nhà nước cắm mốc, giải tỏa sẽ gây lãng phí xã hội, bức xúc cho người dân. Đồng thời, việc chậm triển khai và giải toả HLĐS dẫn đến hiện tượng tái lấn chiếm hoặc bỏ trống, cỏ cây mọc gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh... Đặc biệt lãng phí nguồn tài nguyên là những khu đất vàng trong đô thị.

"Các vụ việc lấn chiếm này đều được công ty báo cáo lần lượt cho cấp xã (phường), huyện, tỉnh. Tuy nhiên hầu như không được giải quyết một cách quyết liệt, dẫn đến ngày càng nhiều vụ việc vi phạm", ông Đảng nói.

Đơn vị cũng kiến nghị với Bộ GTVT, việc cắm mốc HLĐS hiện nay, địa phương đang trông chờ được bố trí vốn, triển khai cầm chừng vừa tốn công sức vừa không hiệu quả vì không có kinh phí để làm cọc. Do đó đơn vị mong muốn về sau sẽ giao đơn vị tư vấn thiết kế có đủ phương tiện, thiết bị...thực hiện hiệu quả hơn.

Để đảm bảo ATGT đường sắt, hệ thống hàng rào ngăn cách đường bộ hoặc đường gom có vai trò cực kỳ quan trọng. Hiện nhiều địa phương như TP.HCM, hệ thống rào chắn xuống cấp, không có nguồn kinh phí để sửa chữa. "Phải xử lý, kỷ luật một vài vụ điển hình, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm mới có thể xử lý dứt điểm tình trạng trên", ông Đảng nêu ý kiến.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM lại cho rằng, những năm qua, thành phố cũng đã chủ động phối hợp với ngành đường sắt đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm đảm bảo trật tự ATGT bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương. Trong đó bao gồm nâng cấp sửa chữa và mở rộng các đường ngang tại các vị trí nút cổ chai, khu vực có nguy cơ mất kết nối tín hiệu giao thông giữa đường bộ và đường sắt, bố trí gờ giảm tốc...

"Tuy nhiên, một số khu vực vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang như: họp chợ, buôn bán trong khu vực đường ngang, để đồ, kê bàn ghế ngồi, phơi quần áo, đổ xà bần, trồng cây...", vị đại diện Sở GTVT TP.HCM nói.

Cụ thể, đoạn đường sắt Km 1718+550 đến Km 1720+000 từ quận Bình Thạnh đến TP.Thủ Đức bị xâm lấn, các đoạn hàng rào bị tháo dỡ, đổ rác, xà bần. Tại đường ngang Hiệp Bình Km 1716+140, khu vực đường ngang Trần Văn Đang Km 1725+850 có tình trạng tụ tập buôn bán trong phạm vi đường sắt,...

Tại một số gác chắn có tình trạng nhân viên trực gác đóng đường ngang quá sớm làm cho các phương tiện đợi tàu kéo dài gây ùn tắc giao thông mỗi khi có tàu lưu thông qua. Chẳng hạn như khu vực đường ngang Tô Ngọc Vân Km 1713+273.

Ngoài ra, một số đường ngang trong phạm vi do các công ty đường sắt quản lý thường xảy ra hư hỏng nhưng việc khắc phục kéo dài ảnh hưởng đến tình hình giao thông của thành phố. Đặc biệt là tình trạng các hàng rào đường sắt đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng nhưng đến nay vẫn chưa được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khắc phục. Ví dụ như đoạn từ đường Linh Đông đến chùa U Đàm, đoạn từ ranh dự án cầu Bình Lợi đến cầu Hang....

Khác với TP.HCM, tỉnh Bình Dương lại có một số giải pháp bảo vệ hành lang an toàn đường sắt. Mặc dù cũng là địa bàn đô thị có nhiều khu công nghiệp, người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường sắt Bắc Nam rất đông nhưng để đảm bảo ATGT, Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng địa phương và ban ngành thường xuyên kiểm tra hành lang an toàn đường sắt. Qua đó, kịp thời phát hiện lối đi tự mở, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt để buôn bán, tập kết vật liệu và kịp thời tuyên truyền, vận động người dân.

Tại các vị trí đường ngang có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, Sở GTVT đã khảo sát, cùng với địa phương kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam mở rộng, đầu tư nâng cấp các đường ngang. Đến nay, trên địa bàn thành phố Dĩ An đã mở rộng đường ngang tại Km1711+750 (cầu Gió Bay), đường ngang tại chân cầu vượt Sóng Thần; Đầu tư hầm chui cho xe máy, xe thô sơ tại Km1709+040.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện trong quá trình lưu thông, hạn chế lưu thông qua đường ngang, UBND thành phố Dĩ An đã lập dự án Xây dựng đường trên kênh T4 (đoạn từ Km1705+016 đến Km1706+520).

Dự án sẽ nâng cấp tuyến đường bộ chạy song song với đường sắt, trong đó có dịch chuyển đường xe chạy ra xa hơn tim đường sắt hiện hữu. Đồng thời cải tạo lại hàng rào đường sắt bằng rào có kết cấu chịu lực. Hiện dự án đã được Bộ GTVT thống nhất phương án kỹ thuật, địa phương đang triển khai các bước tiếp theo. 

Ý kiến của bạn

Bình luận