"Biệt phủ" tiền tỷ không phép của Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Kon Tum

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Ý kiến 13/04/2017 14:43

Dư luận tỉnh Kon Tum đang hết sức phẫn nộ trước một "biệt phủ" bề thế của một “quan” tỉnh không phép trên khu đất nông nghiệp.

Theo phản ánh của người dân, PV Tạp chí GTVT đã tìm hiểu thực tế khu công trình được xây dựng tại địa chỉ thôn 2, xã Đắk Cấm, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 5 km. Qua đó được biết, các hạng mục công trình này xây dựng từ năm 2003, với diện tích 2.000m2, trong phần đất rộng 25,1 ha của hộ gia đình. Ông Phạm Thanh Hà xác nhận mình chính là chủ nhân của khu công trình trên.

Công trình được người dân địa phương gọi ở đây gọi là “dinh thự” hay "biệt phủ" bởi quy mô bề thế của nó. Đường dẫn từ "biệt phủ" ra Tỉnh lộ 671 bằng một con đường bê tông nhựa thẳng tắp dài hơn 500 mét. Bao quanh dinh thự là những cánh đồng lúa, hồ sen, và những cánh rừng cao su ngút ngàn.

kt3
Cái cổng kiên cố của khu dinh thự không phép

Bên trong, khu dinh thự được chia thành nhiều khu, với nhiều công trình khác nhau như nhà sàn gỗ, nhà thờ tự, hồ sen, nhà cho công nhân… Bên cạnh đó, có nhiều cây cảnh, cây xanh lớn nhiều người ôm không xuể được trồng theo hàng. Ấn tượng nhất trong khuôn viên này là căn nhà rộng lợp ngói đỏ, có nhiều cột bằng gỗ lớn được xây theo phong cách kim- cổ vừa cổ điển, vừa hiện đại nổi bên trên mặt hồ sen. Công trình được bảo vệ bởi cổng rào kiên cố, rộng lớn xây dựng bằng gạch, công phu với dây thép gai dài hàng ngàn mét.

kt12
Một góc bên trong sân khu dinh thự không phép

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là một công trình có giá trị, quy mô như vậy nhưng lại xây dựng không phép, đáng buồn thay hành vi sai phạm này lại là hành vi của một vị cán bộ cấp tỉnh, diễn ra công khai trong thời gian dài nhưng không có một ngành chức năng nào can thiệp, xử lý? Xác nhận là chủ nhân của công trình, ông Phạm Thanh Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết: Công trình này mỗi năm xây một ít, nên giờ hỏi giá trị bao nhiêu tiền thì cũng không thể biết được.

Qua tìm hiểu, công trình của hộ ông Hà được xây từ năm 2003, nhưng mãi đến ngày 19/8/2010, ông Phạm Thanh Hà (lúc này đương chức Chủ tịch UBND TP Kon Tum) mới làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000 m2 ở khu dinh thự này sang đất ở nông thôn. Số còn lại chuyển sang đất trồng cây lâu năm và được phòng Tài nguyên và Môi trường TP Kon Tum chấp thuận. Tuy nhiên, không hiểu sao, đến ngày 28//2010, ông Phan Văn Thế, lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP Kon Tum (hiện Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum) lại ra quyết định đồng ý cho ông Hà chuyển 1.000 m2 này sang sử dụng vào mục đích “đất ở tại đô thị”.

Trong khi đó, bà Võ Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Cấm, khẳng định khu vực đất ông Hà xây dựng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang thổ cư. Những hộ xây dựng nhà ở đây là trái phép. UBND xã đã kiến nghị cho chuyển đổi đất tại khu vực này sang đất ở nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Rãi bày về nguồn gốc đất, ông Hà thản nhiên, 25,1 ha đất nông nghiệp này nguyên thủy là của 11 hộ gia đình trong họ hàng, anh em cùng cơ quan cũ. Sau đó ông đã mua lại toàn bộ, đến ngày 24/5/2011, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 981537, trong đó có 2.000 m2 đất ở nông thôn. Tuy nhiên khi phóng viên mang số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đến Phòng Tài nguyên Môi trường TP Kon Tum để đối chiếu đến giờ vẫn không tìm ra được hồ sơ gốc.

kt2
Đứng từ xa nhìn vào một phần của dinh thự không phép

Ông Trần Đình Hưng, Phó phòng Quy hoạch đô thị TP Kon Tum cho biết, tùy từng khu vực mà việc xây nhà có thể phải xin giấy phép xây dựng hoặc không. “Tuy nhiên, việc xây dựng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất. Tức phải là đất ở thì mới được phép xây dựng nhà, nếu không phải là đất ở tức là xây dựng trái phép” – ông Hưng nói. 

Một người dân gần đó bức xúc cho rằng, quan chức vô tư xây trái phép dinh thự to lớn nhất nhì của tỉnh Kon Tum, trong nhiều năm thì không thấy cơ quan nào xử lý mà người dân chỉ cần xây nhà tạm để trú mưa, nắng khi đi làm rẫy lại bị cưỡng chế, phá bỏ.

Trường hợp trên đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của lòng dân đối với cán bộ Đảng viên. Hành vi vi phạm này làm giảm lòng tin của dân đối chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, vụ việc trên sớm được xử lý nghiêm trước pháp luật. Tất cả vì kỷ cương phép nước và lòng tin của nhân dân đối với pháp luật.

Ý kiến của bạn

Bình luận