Bỏ chấp thuận luồng tuyến để phát triển minh bạch

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 20/12/2015 16:44

Trước đây, muốn mở một tuyến mới, doanh nghiệp phải làm các thủ tục xin phép hai đầu bến và được sự chấp thuận của sở GTVT hai tỉnh, thành phố. Thông tư 60 của Bộ GTVT ra đời, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 bãi bỏ quy định này; theo đó, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thời gian, cân đối lượng phương tiện, nhu cầu hành khách để khai thác tuyến mới. Dưới đây là ghi nhận một số ý kiến của các địa phương xung quanh vấn đề bỏ chấp thuận luồng tuyến.

Bỏ chấp thuận luồng tuyến cơ quan quản lý sẽ không nắm được thực trạng hoạt động của doanh nghiệp

nguyen hong linh

Nguyễn Hoàng Linh

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Theo Thông tư số 60 cho phép bỏ quy định chấp thuận tuyến vận tải khách cố định, các sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe, các doanh nghiệp căn cứ trên biểu đồ để biết được tuyến, chuyến xe nào còn trống để đăng ký hoạt động chứ không cần phải xin phép để được chấp thuận tuyến như hiện nay.

Căn cứ vào Thông tư này thì sở GTVT Hà Nội phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe, theo quy hoạch chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt, Sở GTVT phải bố trí luồng tuyến xe liên tỉnh vào hoạt động tại các bến xe trung tâm của thành phố như: Các tuyến theo QL1, QL1B vào bến xe Gia Lâm, các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, QL6 vào bến xe Yên Nghĩa, các tuyến theo hướng QL32, cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình, các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát.

Đến ngày 30/11 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng biểu đồ chạy xe tuyến xe vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến Hà Nội theo đúng quy hoạch chi tiết đã được Bộ GTVT phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức công khai rõ trên biểu đồ những giờ nào đã có đơn vị khai thác đăng ký, giờ nào còn trống để doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có nhu cầu chủ động lựa chọn khai thác tuyến; thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan, không để phát sinh tiêu cực…

Đồng thời, các đơn vị chức năng của Sở cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm túc biểu đồ chạy xe, luồng tuyến vận tải hành khách. Khi không có nhu cầu khai thác các “lốt” xe đã được chấp thuận phải có báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý tuyến, không được tự ý chuyển nhượng “lốt” xe.

Một vấn đề hết sức khó khăn cho công tác quản lý nhà nước là nếu bỏ chấp thuận tuyến, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn không nắm được thực trạng số lượng, sản lượng hoạt động vận tải của địa phương quản lý. Doanh nghiệp vận tải và bến xe đều không bị ràng buộc bằng bất cứ chế tài nào nếu bỏ chấp thuận tuyến.

Đặc biệt, chế tài xử lý vi phạm của đơn vị khai thác bến xe chưa đủ, chưa có tính răn đe cao, không thể dừng hoạt động của bến xe có nhiều vi phạm, chỉ có chế tài điều chuyển luồng tuyến sang bến khác khi bến xe vi phạm và việc xử lý vi phạm cũng không thực hiện được nếu các đơn vị vận tải và bến xe thỏa thuận với nhau.

Tạo sự cạnh tranh lành mạnh

Mac Quang Gieng

Ông Mạc Quang Giếng

Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh

Sở GTVT Quảng Ninh đang triển khai các điều kiện tốt nhất để thực hiện Thông tư 60. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 đơn vị, hoạt động vận tải trên 148 tuyến (127 tuyến liên tỉnh, 21 tuyến nội tỉnh), 657 phương tiện (186 xe nội tỉnh, 471 xe liên tỉnh).

Để chuẩn bị cho việc lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định theo Thông tư 60, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo Sở GTVT triển khai công tác thực hiện Thông tư 60. Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, các phòng, ban chức năng của Sở cùng với Ban ATGT tỉnh đã tập trung rà soát lại các tuyến, bến xe và các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện nghiêm hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh.

Khi Thông tư số 60 đi vào thực tế, Sở GTVT chỉ thực hiện công tác hậu kiểm thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định, các doanh nghiệp phải chấp hành theo đúng các điều kiện, chất lượng dịch vụ mà đơn vị đăng ký khai thác, nếu không sẽ bị Sở GTVT xử lý theo quy định.

Doanh nghiệp được chủ động hơn

Bui Huy Quang

Ông Bùi Huy Quang

Trưởng phòng Vận tải và ATGT - Sở GTVT Thái Bình

Thông tư đi vào cuộc sống sẽ có những thuận tiện nhất định, tuy nhiên khi thực hiện bước đầu có bỡ ngỡ, trên cơ sở định lượng cần tính toán cho hợp lý. Về phía Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị vận tải, bến xe triển khai thực hiện các nội dung theo quy định, thông qua các kênh tuyên truyền để triển khai đến doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, chủ xe, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ xe để nắm bắt các quy định của Thông tư.

Thông tư ra đời sẽ tạo thuận lợi cho Sở GTVT trong việc bỏ chấp thuận tuyến, đặc biệt phải chú trọng điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, đạo đức người lái xe và sức khỏe để đảm bảo khi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng phải thắt chặt quản lý được phù hiệu; cần chắc chắn trong việc hậu kiểm, đầu bến đi - đến cần phải minh bạch, phần mềm chuẩn, đưa công nghệ thông tin vào quản lý thiết bị giám sát hành trình; chấn chỉnh xem xét xử lý nghiêm từng xe vi phạm, nếu cố tình sẽ thu hồi phù hiệu.

Nhiều quy định trong ngành GTVT đã “cới trói” cho doanh nghiệp

Thông tư ra đời đã “cởi trói”, giúp các doanh nghiêp vận tải bớt đi thủ tục không cần thiết. Họ có thể chủ động về thời gian, cân đối lượng phương tiện, xem xét nhu cầu hành khách để khai thác tuyến mới. Thành công thứ hai trong quy định mới là sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT để loại bỏ cơ chế “xin - cho”. 

Ong Le Trung Tinh - chu tich HHVT HKLT& DL TPHCM

Ông Lê Trung Tính 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Liên tỉnh & Du lịch TP.HCM

Hiện nay, Hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đang có kiến nghị về quy định tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại Điều 45. Chỉ tính riêng số doanh nghiệp hoạt động tại Hiệp hội Vận tải Hành khách Liên tỉnh & Du lịch TP. HCM đã có tổng cộng 12.000 xe khách nhưng chỉ có khoảng 2.000 xe hoạt động tuyến cố định, còn lại là 10.000 xe hoạt động theo hợp đồng và xe du lịch. Như vậy, chỉ cần đặt giả thiết, trong 01 ngày có 7.000 xe hoạt động thì thời điểm này Sở GTVT sẽ nhận được 7.000 hợp đồng, như vậy ai sẽ là người thụ lý và xử lý những hợp đồng này. Bên cạnh đó, chưa tính đến nhu cầu của người dân sử dụng xe hợp đồng trong trường hợp đột xuất như thuê xe vào ban đêm hoặc thay đổi lộ trình. Trong khi đó, các nhà xe đều có gắn thiết bị giám sát hành trình, các dữ liệu từ thiết bị này đều được truy xuất về Tổng Cục ĐBVN và Sở GTVT các tỉnh. Như vậy, muốn biết hoạt động của các xe hợp đồng này thì chỉ cần kiểm tra thông qua thiết bị đó. Quy định này không chỉ rườm rà mà còn lãng phí nguồn nhân lực để kiểm soát các hồ sơ hợp đồng của doanh nghiệp. Vậy nên, quy định mới là cần thiết và tất yếu để phát triển kinh doanh vận tải.

Ý kiến của bạn

Bình luận