Bộ GTVT đề nghị sửa quy định về hành vi chuyển nhượng thầu

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 29/03/2023 10:22

Theo Bộ GTVT, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

Bộ GTVT đề nghị sửa quy định về hành vi chuyển nhượng thầu - Ảnh 1.

Bộ GTVT, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện (ảnh minh họa)

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT về việc tham gia ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT tham gia, đóng góp ý kiến. Theo đó, hầu hết các ý kiến đã được Bộ KH&ĐT tiếp thu đưa vào dự thảo Luật.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện, Bộ GTVT nhận thấy còn một số nội dung của dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn và đạt hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, về nhà thầu phụ, theo khoản 27 Điều 4, khái niệm: Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn, phi tư vấn và dịch vụ liên quan của gói thầu, công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu.

Theo Bộ GTVT, khái niệm "dịch vụ liên quan của gói thầu" có phạm vi rộng và nội hàm chưa rõ, có thể phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực khác nhưng đối với ngành GTVT, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình cũng là nhà thầu phụ. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc đối với quy định về hành vi chuyển nhượng thầu.

Để việc thực hiện, quản lý nhà thầu phụ tuân thủ đúng quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét bổ sung quy định loại trừ tại khoản 27 Điều 4 của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không là nhà thầu phụ.

Đề cập đến quy định về chuyển nhượng thầu, Bộ GTVT cho biết, pháp luật xây dựng và pháp luật đấu thầu đều quy định thống nhất, cho phép nhà thầu chính được ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một hoặc một số công việc thuộc gói thầu (không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện).

Theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu, theo đó ngay từ bước dự thầu, nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.

Thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành GTVT, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu.

Tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ; hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác; khi đó có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.

Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

"Để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu", Văn bản nêu rõ.

Ý kiến của bạn

Bình luận