Đề nghị phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư 4 dự án giao thông lớn

Tác giả: Vũ Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 28/03/2023 17:57

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đề nghị phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư 4 dự án giao thông lớn  - Ảnh 1.

Tuyến La Sơn - Hòa Liên hiện đang khai thác với 2 làn xe

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền tiếp tục giao vốn chuẩn bị đầu tư một số dự án đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án (6,042 tỷ đồng) cho 4 dự án. 

Đầu tiên là dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên (1,173 tỷ đồng), mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh để đồng bộ quy mô toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thứ hai, dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn TP.Cà Mau đến Năm Căn, tỉnh Cà Mau (1,856 tỷ đồng), mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe để đồng bộ quy mô toàn tuyến (nền đường 20,5m).

Thứ ba, dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau (1,313 tỷ đồng), cải tạo mở rộng 2 làn xe hoàn chỉnh (đang khai thác 2 làn xe nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp).

Thứ tư, dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ TP.Bạc Liêu - Cà Mau (1,7 tỷ đồng), mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe để đồng bộ quy mô toàn tuyến (nền đường 20,5m).

"Hiện nay, 4 dự án trên đang được đề xuất sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện nên cần sớm hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để có thể triển khai ngay sau khi được bố trí vốn", Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT cũng đề nghị điều hòa 44 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã giao chi tiết cho dự án tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng (không còn nhu cầu sử dụng) để bổ sung cho dự án cải tạo trụ sở làm việc cơ quan Bộ GTVT (cần bổ sung vốn để hoàn thiện được dự án đầu tư theo nhu cầu tối thiểu).

Đối với số vốn 3.744 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án (sau khi đã phân bổ bổ sung 6,042 tỷ đồng vốn chuẩn bị đầu tư cho 4 dự án nêu trên), Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền không điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT để bảo đảm khả năng cân đối vốn khi quyết định chủ trương đầu tư, cũng như bảo đảm nguồn vốn phân bổ cho các dự án sau khi được quyết định chủ trương đầu tư.

Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng; Vốn đối ứng cho 3 dự án ODA mới (Mở rộng một số cầu, hầm trên QL1; Tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến bố trí 1.864 tỷ đồng); Đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, dự kiến bố trí 700 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, các dự án đang nêu trên đều là các dự án có ý nghĩa quan trọng, có tính động lực, lan tỏa; việc chưa được bố trí vốn hoặc chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư do có lý do khách quan.

Cụ thể, đối với phần ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả, Bộ GTVT cho rằng, việc bố trí vốn là cần thiết và phù hợp quy định nhưng hiện nay chưa được Bộ KH&ĐT thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch trung hạn.

Đối với 3 dự án ODA, Bộ GTVT đã lập đề xuất dự án nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất do thủ tục sử dụng vốn ODA phức tạp, cần nhiều thời gian để xử lý từ các bộ, ngành liên quan.

Cuối cùng, dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, Bộ GTVT đánh giá, đấy là dự án có ý nghĩa hết sức cấp thiết và quan trọng để tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt nhưng đến nay vẫn khó khăn, chưa thỏa thuận được vị trí đấu nối với phía Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận