Bộ GTVT kiến nghị giao Lạng Sơn làm cơ quan chủ quản đầu tư QL4B

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 04/11/2022 15:10

Giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan chủ quản sẽ phát huy được tính tự chủ, huy động nguồn lực của địa phương để quản lý, điều hành dự án.

Bộ GTVT kiến nghị giao Lạng Sơn làm cơ quan chủ quản đầu tư QL4B - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 QL4B (tỉnh Lạng Sơn).

Đầu tư dự án đang rất cấp thiết, cấp bách

Bộ GTVT cho biết, QL4B thuộc đường vành đai 1 nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, có vai trò quan trọng đối với hệ thống giao thông khu vực, phát triển KT-XH các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh; kết nối tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với các cảng biển khu vực Quảng Ninh.

Theo Bộ GTVT, với quy mô hiện đang khai thác (đường cấp IV miền núi), QL4B không đáp ứng được nhu cầu vận tải hiện tại và tương lai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, dự án đầu tư QL4B đoạn Km18 - Km80 đã được đưa vào danh mục dự án đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Vì vậy, việc sớm triển khai đầu tư đoạn tuyến, bảo đảm tiến độ yêu cầu của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là rất cần thiết, cấp bách.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản 910 ngày 12/10/2022, ý kiến của Bộ KH&ĐT tại Văn bản 4122 ngày 20/6/2022, để triển khai dự án cần điều chuyển chức năng QL4B đoạn Km18 - Km80 từ quốc lộ thành đường địa phương và điều chuyển quản lý tài sản từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, đoạn Km18 - Km80 quốc lộ 4B không có đường song hành, nếu điều chuyển thành đường địa phương sẽ mất tính liên tục, không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

Đồng thời, việc điều chuyển chức năng, tài sản của toàn bộ QL4B sẽ mất nhiều thời gian do Bộ GTVT phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tối thiểu 5 tháng.

Đồng thời, Bộ Tài chính phải thực hiện điều chuyển tài sản, dẫn đến không bảo đảm tiến độ dự án theo yêu cầu của Chương trình (giải ngân toàn bộ vốn bố trí cho dự án trong năm 2023). Ngoài ra, trường hợp nếu điều chuyển thành đường địa phương, đoạn tuyến QL4B không còn là quốc lộ nên chưa phù hợp với tên dự án trong danh mục Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (nâng cấp đoạn Km18-Km80 QL4B) nên phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tên gọi dự án.

Đề xuất lựa chọn phương án tối ưu

Theo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho Bộ GTVT hạn chế, chưa thể cân đối bố trí đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động huy động ngân sách địa phương phối hợp với nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH để thực hiện đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một số dự án giao thông đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh là cấp quyết định đầu tư/cơ quan chủ quản để triển khai đầu tư như: UBND tỉnh Tuyên Quang là cấp quyết định đầu tư dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ nguồn ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương; UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP.Hải Phòng quyết định đầu tư QL10 qua địa bàn; UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt bằng vốn ngân sách địa phương; UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu thuộc địa phận tỉnh Sơn La.

Vì vậy, việc giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan chủ quản sẽ phát huy được tính tự chủ, huy động nguồn lực của địa phương để quản lý, điều hành dự án; tạo thuận lợi trong công tác GPMB, rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư, gắn trách nhiệm của địa phương với công tác triển khai dự án; huy động, tận dụng và phát huy năng lực của Trung ương và địa phương để triển khai dự án, thúc đẩy giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023, tạo tiền đề cho phát triển KT-XH các năm tiếp theo.

Về công tác quản lý, bảo trì, QL4B hiện đang do Bộ GTVT quản lý, trường hợp Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan chủ quản, Bộ GTVT sẽ bàn giao nguyên trạng (không thực hiện bàn giao tài sản) QL4B đoạn Km18 - Km80 để UBND tỉnh Lạng Sơn quản lý, đầu tư trong thời gian đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận lại để quản lý khai thác.

Đồng thời, với vai trò là Bộ quản lý công trình chuyên ngành (khoản 4 Điều 3 Luật Xây dựng), Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn; hỗ trợ kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án nâng cấp QL4B đoạn Km18 - Km80.

Từ các phân tích ở trên và thực tiễn triển khai một số dự án trong thời gian qua, để bảo đảm chủ trương đẩy mạnh phân cấp, huy động nguồn lực của địa phương thực hiện đầu tư các quốc lộ, gắn trách nhiệm của địa phương với công tác GPMB, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư QL4B đoạn Km18 - Km80.

"Bộ GTVT sẽ bàn giao nguyên trạng quốc lộ 4B đoạn Km18 - Km80 cho tỉnh Lạng Sơn vận hành, quản lý, khai thác trong thời gian đầu tư (không thực hiện bàn giao tài sản). Sau khi hoàn thành đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận lại để quản lý khai thác", Bộ GTVT nêu rõ.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã lấy ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh Lạng Sơn, đến ngày 01/11/2022, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Lạng Sơn (sao gửi kèm theo); Bộ Tài chính chưa có ý kiến. Cụ thể như sau:

Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Văn bản 7774 ngày 31/10/2022): Trong bối cảnh khó có thể quyết định chuyển đoạn tuyến trên thành đường địa phương, không thể thực hiện thủ tục chuyển giao tài sản về địa phương quản lý nên việc Bộ GTVT kiến nghị tạm bàn giao cho địa phương quản lý trong giai đoạn thực hiện đầu tư và sau khi đầu tư xong bàn giao lại Bộ GTVT vận hành, quản lý, bảo trì là phù hợp với thực tiễn (mặc dù hiện nay chưa có quy định về việc tàm bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ) cũng như phù hợp với một số trường hợp các dự án giao thông đường bộ trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương đầu tư như Bộ GTVT đã đề cập.

Ý kiến của UBND tỉnh Lạng Sơn (Văn bản 1276 ngày 24/10/2022): UBND tỉnh Lạng Sơn nhất trí với nội dung dự thảo và kiến nghị của Bộ GTVT về việc giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B; Bộ GTVT sẽ bàn giao nguyên trạng Quốc lộ 4B đoạn Km18 - Km80 cho tỉnh Lạng Sơn vận hành, quản lý, khai thác trong thời gian đầu tư (không thực hiện bàn giao tài sản). Sau khi hoàn thành đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ bàn giao lại cho Bộ GTVT để quản lý, khai thác theo quy định.