Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 01/08/2023 11:25

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương rà soát, triển khai các thủ tục thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng sau khi Ban QLDA Thăng Long hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục, hồ sơ, tờ trình theo quy định.

Chậm hoàn thiện thủ tục cao tốc PPP Dầu Giây - Tân Phú, chưa đủ cơ sở thẩm định - Ảnh 1.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 8.365 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ GTVT giao Ban QLDA Thăng Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào tháng 9/20222. 

Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Bộ GTVT và Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị Ban QLDA Thăng Long rà soát các nội dung tồn tại, tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn chỉnh hồ sơ dự án.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2023, Ban QLDA Thăng Long mới trình Cục Đường cao tốc Việt Nam thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi là rất chậm so với kế hoạch thực hiện dự án; nhiều thủ tục chưa hoàn thiện nên chưa đủ cơ sở để thẩm định dự án.

Để khắc phục các nội dung còn tồn tại, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện rà soát ý kiến góp ý của các Vụ, Cục thuộc Bộ GTVT. Đồng thời chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, cập nhật, hoàn chỉnh thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Ban QLDA Thăng Long khẩn trương tiến hành rà soát ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai và nội dung yêu cầu của Bộ GTVT, chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, luận chứng sự phù hợp với quy hoạch và quy định tại các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là đối với quy mô công trình tại những vị trí giao cắt đường địa phương có yêu cầu tĩnh không lớn.

"Trường hợp chưa phù hợp, Ban QLDA Thăng Long đề xuất hướng xử lý bảo đảm phù hợp với quy hoạch, bố trí hợp lý, đúng nhu cầu, hiện trạng khai thác, đúng yêu cầu của các cấp đường khác nhau được quy định tại các tiêu chuẩn kỹ thuật", kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu rõ và yêu cầu, Ban QLDA Thăng Long khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục còn thiếu trong bước lập dự án đầu tư bao gồm: Thoả thuận với địa phương về mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; thẩm tra dự án; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo kết quả tiếp thu ý kiến về tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP,… hoàn thiện hồ sơ dự án đầy đủ thành phần theo quy định (văn bản pháp lý, hồ sơ khảo sát, thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, báo cáo thẩm tra, các phụ lục khác có liên quan,…), trình Cục Đường cao tốc Việt Nam để thẩm định theo quy định.

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng yêu cầu Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, rà soát các quy định về tĩnh không đường chui dân sinh, báo cáo Bộ GTVT các bất cập trong việc xác định tĩnh không đường chui (nếu có) và đề xuất hướng giải quyết.

Đối với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu khẩn trương rà soát, triển khai các thủ tục thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng sau khi Ban QLDA Thăng Long hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục, hồ sơ, tờ trình theo quy định. Đồng thời theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban QLDA Thăng Long đối với dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, báo cáo Bộ GTVT trong trường hợp Ban QLDA Thăng Long không hoàn chỉnh hồ sơ dự án đúng hạn.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 60,24km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú tỉnh Đồng Nai. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 8.365,65 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.065,651 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dự án có điểm đầu giao với QL1 tại khoảng Km1829+500 trùng với điểm cuối cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối (Km60+243.83), vượt qua vị trí giao cắt với QL20 (tại khoảng Km69+400 - QL20) khoảng 200m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Ý kiến của bạn

Bình luận