Bộ GTVT yêu cầu xử lý ngay vướng mắc đầu tư hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường sắt 14/04/2023 15:09

Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp về các vướng mắc trong công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.

Bộ GTVT yêu cầu xử lý ngay vướng mắc đầu tư hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thông báo kết luận cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu là đưa các dự án vào khai thác hiệu quả nhằm nâng cao năng lực thông qua, đồng nhất tải trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, phần lớn các hạng mục công trình đã hoàn thành thi công và bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) khai thác hiệu quả.

Theo Bộ GTVT, đối với dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh hiện còn 2 gói thầu chưa hoàn thành do vướng mắc về mặt bằng và khó khăn trong công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC liên quan đến hệ thống tín hiệu liên khóa SSI đã được đầu tư theo công nghệ của ALSTOM, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các ga mở mới, đặt thêm đường (Chợ Tía, Bình Lục, Cát Đằng, Yên Lý và Nghi Long).

Để hoàn thành dự án đảm bảo mục tiêu đề ra, Bộ GTVT yêu cầu đối với ga Chợ Tía, Ban QLDA Đường sắt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Hà Nội, huyện Thường Tín để đẩy nhanh công tác GPMB; đồng thời báo cáo Bộ GTVT về gia hạn thời gian bố trí vốn để đảm bảo thực hiện hoàn thành dự án.

Về hệ thống thông tin, tín hiệu, thông báo nêu rõ, các bên thống nhất đánh giá hệ thống tín hiệu điện khí tập trung liên khóa điện tử SSI, điều khiển chạy tàu tập trung CTC được ALSTOM xây dựng cho đoạn Hà Nội - Vinh là hệ thống hiện đại, tính an toàn cao.

Tuy nhiên, trong điều kiện khai thác của ĐSVN (đường đơn, chưa được bảo vệ toàn tuyến, có nhiều xung đột), Tổng công ty ĐSVN chưa phát huy hết hiệu quả của hệ thống, chức năng điều khiển chạy tàu tập trung chưa được sử dụng.

Tổng công ty ĐSVN đã đề xuất với điều kiện hạ tầng của ĐSVN, khả năng làm chủ công nghệ và thuận lợi cho công tác vận hành, bảo trì thì hệ thống tín hiệu điện khí tập trung liên khóa rơ le, đóng đường bán tự động là phù hợp với đặc thù của hệ thống đường sắt quốc gia hiện hữu.

Bộ GTVT cho biết, hiện nay, việc đầu tư hệ thống tín hiệu cho các ga mới, ga mở thêm đường trong đoạn Hà Nội - Vinh đang gặp nhiều khó khăn. Phương án tiếp tục sử dụng hệ thống tín hiệu điện khí tập trung liên khóa điện tử SSI theo dự án được phê duyệt đã tổ chức lựa chọn nhà thầu không thành công, chi phí cao. Ban QLDA Đường sắt đã tham khảo ý kiến các đơn vị, chuyên gia về thông tin tín hiệu, đề xuất giải pháp sử dụng hệ thống tín hiệu điện khí tập trung liên khóa rơ le đóng đường bán tự động cho các ga mở mới, ga đặt thêm đường và các ga lân cận sử dụng chung tủ SSI.

Phương án này đã được các bên tham gia cuộc họp thống nhất vì tính khả thi, chi phí đầu tư và khả năng làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay còn vướng mắc về thiết bị chuyển đổi để kết nối tín hiệu đóng đường giữa ga sử dụng liên khóa rơ le (tín hiệu tương tự) và ga sử dụng liên khóa điện tử SSI (tín hiệu số, điều khiển qua phần mềm) và ngược lại mới đang được nghiên cứu, thử nghiệm.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Đường sắt tiếp tục làm việc với các bên liên quan (Công ty CP TTTH Hà Nội, các chuyên gia Trung Quốc, Việt Nam) để xem xét, đánh giá chính xác khả năng thành công về thiết bị chuyển đổi làm cơ sở đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, trong đó lập luận rõ cơ sở, lý do điều chỉnh.

Về các nội dung khác, Bộ GTVT giao Cục ĐSVN chủ trì phối hợp với Vụ KH-CN&MT, Tổng công ty ĐSVN tham mưu Bộ GTVT cho phép thử nghiệm tại hiện trường thiết bị kết nối tín hiệu đóng đường giữa tín hiệu số (công nghệ SSI) sang tín hiệu tương tự (công nghệ rơle) và ngược lại theo như báo cáo của Ban QLDA Đường sắt để từng bước làm chủ công nghệ, phát huy nội lực phát triển công nghiêp đường sắt.

"Ban QLDA Đường sắt chủ trì phối hợp với Cục QLĐTXD đề xuất điều chỉnh các gói thầu để triển khai thực hiện và đưa công trình vào khai thác sớm nhất, đảm bảo hiệu quả dự án. Trong quá trình lập hồ sơ mời thầu cần phải đảm bảo các gói thầu không bị ràng buộc các điều kiện làm hạn chế tính cạnh tranh, sự tham gia của các nhà thầu", Bộ GTVT chỉ đạo và yêu cầu, Ban QLDA Đường sắt phối hợp với Tổng công ty ĐSVN bàn giao các hạng mục công trình hoàn thành thi công để quản lý và đưa vào khai thác các hạng mục có đủ điều kiện.
Ý kiến của bạn

Bình luận