Bộ GTVT yêu cầu xử lý nhà thầu dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 14/01/2022 16:08

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA85 đảm bảo thời gian phong tỏa thi công trong quá trình thi công 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

du an duong sat 7.000 ty dong
Thi công dự án đường sắt quan trọng, cấp bách vốn 7.000 tỷ đồng

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký cho biết, Bộ GTVT nhận được Văn bản 02 ngày 1/1/2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo nhanh về sự cố an toàn giao thông đường sắt quốc gia trong quá trình thi công dự án 7.000 tỷ đồng. 

Theo đó, Công ty CP 873 thi công cầu Km999+725 dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM làm kéo dài thời gian phong tỏa, chậm trả đường trong 7 giờ 17 phút gây ra chậm hành trình của 11 đoàn tàu từ 163 phút đến 437 phút làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của ngành Đường sắt.  

Để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn công trình trong quá trình thi công 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong đợt cao điểm chạy tàu Tết Nguyên đán 2022, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Đường sắt tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố kéo dài thời gian phong tỏa thi công cầu Km999+725, dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 20/1/2022.

"Ban QLDA Đường sắt đánh giá lại năng lực, khả năng tiếp tục triển khai thi công đối với Công ty CP 873 để xử lý theo quy định, báo cáo kết quả xử lý về Bộ GTVT trước ngày 20/1/2022. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để xử lý các vấn đề liên quan về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có)", Bộ GTVT chỉ đạo. 

Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Thanh tra của Cục Đường sắt Việt Nam để thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn trong quá trình thi công trên đường sắt đang khai thác theo các văn bảnchỉ đạo đã ban hành của Bộ GTVT.

"Lãnh đạo ban quản lý dự án phụ trách dự án, giám đốc ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT về đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và đáp ứng thời gian phong tỏa theo yêu cầu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam", Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Thông tin thêm với PV Tạp chí GTVT, ông Mai Minh Việt - Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự cố chậm trả đường là do công tác chuẩn bị của nhà thầu chưa kỹ lưỡng. Việc triển khai thi công diễn ra vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán và vào buổi tối nên gặp nhiều khó khăn.

"Ban Quản lý Dự án Đường sắt đã có phương án xử lý nhà thầu, tư vấn giám sát theo hướng điều chuyển khối lượng công việc sang nhà thầu khác và xem xét cấm đấu thầu các dự án của Ban; đồng thời xử lý các tập thể, cá nhân liên quan như tư vấn giám sát trưởng, tư vấn giám sát viên, chỉ huy thi công nhà thầu và sẽ báo cáo kết quả xử lý về Bộ GTVT trước ngày 20/1", ông Việt chia sẻ.

Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM có tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỷ đồng do Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư. Đây là một trong 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Ý kiến của bạn

Bình luận