Những điều cần biết về lộ trình mới cho niên hạn phương tiện đường sắt

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/01/2022 11:08

Theo Nghị định số 01/2022, lộ trình thực hiện niên hạn đầu máy, toa xe được kéo dài từ 2-5 năm.

img-bgt-2021-nhan-vien-don-dich-2-copy-1615888548-
img-bgt-2021-nhan-vien-don-dich-2-copy-1615888548-

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt. 

Theo đó, Nghị định số 01 sửa đổi Khoản 3 và bổ sung Khoản 6 Điều 18 về niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.

Cụ thể: Nghị định số 65/2018 quy định:

1- Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị niên hạn sử dụng không quá 40 năm;

2- Đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng niên hạn sử dụng không quá 45 năm.

Nghị định số 01/2022 quy định không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt quy định tại 1, 2 nêu ở trên đối với việc thực hiện cứu hộ cứu nạn; dồn dịch trong ga, cảng, trong depot, trong nội bộ nhà máy; điều chuyển giữa các ga, các depot; các đầu máy hơi nước kéo đoàn tàu du lịch; toa xe mặt võng chuyên vận tải phục vụ an ninh, quốc phòng và các loại phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

Phương tiện giao thông đường sắt quy định tại 1, 2 khi hết niên hạn sử dụng được chuyển thành phương tiện không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng.

Nghị định số 01/2022 cũng sửa đổi Điều 19 lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt.

Theo đó, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Nghị định 65/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, các doanh nghiệp vận tải đường sắt có lộ trình 3 năm để thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng. Do đó, theo quy định cũ, ngành Đường sắt sẽ phải thanh lý dần khoảng 60 đầu máy, gần 1.000  toa xe hàng và 500 toa xe khách (tính đến 31/12/2022) và phải huy động khoảng 6.822,8 tỷ đồng để đầu tư mới bù đắp các phương tiện phải loại bỏ theo quy định mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay. 

Do đó, thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn thực hiện Nghị định 65/2018 nhằm tháo gỡ khó khăn khi Tổng công ty chưa thể đầu tư thay thế phương tiện mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận