Bỏ phiếu tín nhiệm khi có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp là quá cao

Tác giả: Trần Thanh (TH)

saosaosaosaosao
Chính trị 10/06/2015 11:28

Chiều 9/6, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến Luật Hoạt động giám sát.

152519963-32ce9
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lo ngại hoạt động giám sát không hiệu quả

Quy trách nhiệm hoạt động giám sát

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, thời gian qua việc thực hiện kết luận giám sát chưa cao. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội cũng như HĐND các cấp. “Nếu kết luận giám sát rồi lại để đấy thì giám sát cũng như không”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi đánh giá. Để đảm bảo hoạt động giám sát đạt hiệu quả, đại biểu đoàn Phú Yên đề nghị cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chất lượng giám sát và đơn vị thi hành kết luận giám sát.

Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cũng cho rằng "hoạt động giám sát hiệu quả chưa cao làm giảm lòng tin của cử tri. Lý do, chưa chỉ rõ tồn tại, chưa có quy định trách nhiệm người đứng đầu." Đại biểu nêu ví dụ như giám sát về vấn đề môi trường nhưng nhiều nơi còn ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Vấn đề thực phẩm bẩn có 3 bộ quản lý nhưng tình trạng này không có chuyển biến.  Do vậy, cần quy định rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu các ngành lĩnh vực trong việc thực hiện giám sát của Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội ra đời sẽ được đón nhận tích cực. Vị đại biểu này quan tâm tới việc Luật quy định chung chung hoạt động giám sát của HĐND các cấp và đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc phù hợp với từng mô hình tổ chức của HĐND địa phương.

Nhiều phiếu tín nhiệm thấp là hi hữu

Đề cập đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đặt vấn đề nên lấy phiếu tín nhiệm với không chỉ các chức danh do HĐND bầu mà nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị là thủ trưởng cơ quan đơn vị thuộc UBND.

“Lí do là thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc UBND phải có trách nhiệm trước HĐND, trước nhân dân việc việc thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND.Hơn nữa, các vị thủ trưởng đơn vị cũng là đối tượng của hoạt động giám sát, nên đưa vào lấy phiếu tín nhiệm là bình thường. Lấy phiếu tín nhiệm là kênh rất tốt để nhân dân giám sát cán bộ, là kênh để Đảng và Nhà nước đánh giá cán bộ” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết.

nas-26599
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn

Về quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi người được lấy phiếu tín nghiệm có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá là mức tín nhiệm thấp, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) cho rằng mức này là quá cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại quy định là có từ 1/2 hoặc trên 50% đánh giá là mức tín nhiệm thấp thì trường hợp này phải xem xét lại thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát rất quan trọng của đại biểu Quốc hội, cần có quy định cụ thể. Do vậy, theo ông Hùng nếu đại biểu Quốc hội không có quyền kiến nghị thì không thể có 20% số đại biểu kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm để Ủy ban Thường vụ xem xét đưa ra Quốc hội. Đại biểu Hùng đề nghị quy định cụ thể quyền giám sát là quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Chiều 9/6, Quốc hội còn thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) với 425 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt 85,86%) trong đó 422 đại biểu tán thành (đạt 85,25%). 

Trong buổi sáng 9/6, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, bổ sung vào chương trình năm nay các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269 ngày 14/7/2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 3/2015); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội...

Ý kiến của bạn

Bình luận