Chiều nay (3/11), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nền đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại phiên chất vẫn chiều nay, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu đặt vấn đề: Đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn. Nhưng nếu tiếp tục khai thác quá mức gây sạt lở, sụt lún và rất có thể dẫn tới xung đột. Đến khi nào thì có vật liệu thay thế cát sông?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc nghiên cứu tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cho nguồn cát sông đang rất khan hiếm cho các dự án đường cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cấp bách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nhu cầu cát nền để phục vụ thi công các tuyến cao tốc triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên tới 39 triệu m3 trong vòng 3 năm tới, trong khi đó các mỏ cát sông trong vùng chỉ đáp ứng được khoảng 20 triệu m3.
"Vì vậy, nếu không sớm tìm nguồn vật liệu thay thế có nguồn cung lớn, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các dự án trọng điểm quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành GTVT cho biết, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cát, thời gian vừa qua, Bộ GTVT làm việc với UBND các tỉnh trong vùng để rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ cát hiện có, xác định nhu cầu sử dụng cho các dự án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để mở thêm các mỏ mới, trong đó nghiên cứu phương án khai thác tại các cồn cát để đảm bảo nguồn cát đắp nền cho các dự án.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc khu vực đồng bằng song Cửu Long.
Cùng với việc rà soát tìm kiến nguồn vật liệu cát sông nói trên, hiện nay, Bộ GTVT đang cùng với Bộ Tài nguyên và môi trường triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở kết quả theo dõi sẽ đánh giá khả năng áp dụng cát biển để đắp nền đường để xem xét quyết định việc áp dụng, tiến độ triển khai dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
"Ước tính nguồn cát biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể khai thác phục vụ giao thông lên tới 15 tỷ m3, nếu có giải pháp tận dụng thì sẽ giải quyết được bài toán khan hiếm vật liệu cát nền. Kết quả nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi cho thấy là khá khả thi", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin và cho biết thêm, ngoài nguồn cát biển, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét khả năng sử dụng tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện trong vùng để làm vật liệu nền đường các dự án cao tốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.