Dùng cát biển đắp nền đường được không?- Bài 2: Vật liệu đắp nền “bài toán khó” của cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Đường bộ 25/10/2022 08:25

Ngày 05/10/2022, Bộ GTVT có báo cáo số 10277/BC-BGTVT gửi Chính phủ về tình hình triển khai giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Nội dung văn bản cũng đặc biệt lưu ý đến khó khăn về vật liệu cát đắp nền đường của các dự án tại khu vực ĐBSCL.

Bài học giai đoạn 1

Ngày 14/7/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 2 dự án thành phần gồm: Cần Thơ - Hậu Giang (dài 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.768 tỷ đồng) và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau (dài 72 km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ đồng). Các dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Ngay sau khi Bộ GTVT công bố Quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Ban QLDA Mỹ Thuận đã họp bàn, rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Theo đó, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ ưu tiên tìm kiếm nguồn vật liệu cho các dự án tại giai đoạn 2 này.

Dùng cát biển đắp nền đường được không?- Bài 2: Vật liệu đắp nền “bài toán khó” của cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 - Ảnh 1.

Nguồn cung vật liệu đắp nền ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án cao tốc

Ban QLDA Mỹ Thuận được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận chia sẻ: "Yếu tố quyết định đến việc hoàn thành một dự án không chỉ là đáp ứng về tiêu chuẩn kỹ thuật mà công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn vật liệu đất đắp đóng vai trò rất lớn. Hiện nay, các vấn đề này đang là "điểm nghẽn" lớn nhất với các dự án giai đoạn 1 và có nguy cơ lặp lại ở giai đoạn 2 nếu không sớm có giải pháp khắc phục. Ban QLDA Mỹ Thuận đã nhiều lần làm việc với các tỉnh tại khu vực ĐBSCL để nắm bắt thông tin quy hoạch và hiện trạng nguồn vật liệu xây dựng. Đồng thời, đơn vị cũng đã đề xuất các tỉnh An Giang, Đồng Tháp hỗ trợ vật liệu cát cho các dự án triển khai trong thời gian tới.

"Tuy nhiên hiện nay, các địa phương cho biết nguồn cát tại địa bàn không còn nhiều, trữ lượng còn lại được dùng để ưu tiên cho các dự án nội tỉnh. Tại cuộc họp với lãnh đạo một số tỉnh, Ban QLDA Mỹ Thuận đã nêu đặc thù của khu vực ĐBSCL là không có mỏ vật liệu đất đắp, nền đất yếu, điều đó dẫn tới nguồn cát sông đang vơi cạn. Nếu địa phương không có phương án hỗ trợ thì các dự án cao tốc tại khu vực khó có thể triển khai, thậm chí phải dừng dự án", Ông Thi chia sẻ.

Trong khi đó, theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nguồn mỏ vật liệu đất đắp được giao về cho chủ đầu tư các dự án, nhưng trách nhiệm cấp phép mỏ thuộc về địa phương, phải qua HĐND rồi UBND tỉnh từ các khâu quy hoạch đến cấp phép. Đây chính là "nút thắt" mà các dự án giai đoạn 1 đều vướng phải. Do đó, trong giai đoạn 2, Ban QLDA Mỹ Thuận và tư vấn đã có kiến nghị với từng địa phương tạo cơ chế để tìm kiếm nguồn vật liệu, kiểm soát giá vật liệu, không để biến động giá, thổi giá làm khan hiếm vật liệu trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Vật liệu đắp nền: “Bài toán khó” của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 - Ảnh 2.

Hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ). Ảnh: Cửu Long

Nhiều địa phương hết cát

Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện nay, theo tính toán của các đơn vị tư vấn, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho dự án khoảng 18,46 triệu m3, thế nhưng việc tìm vật liệu cát tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu này cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là vô cùng khó khăn.

Ngày 02/6/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có các buổi làm việc với UBND hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp để cùng tháo gỡ khó khăn về mỏ vật liệu. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chia sẻ về khả năng cấp vật liệu cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, tỉnh An Giang đã xác định hỗ trợ 1,1 triệu m3 từ việc tăng 150% công suất các mỏ đang khai thác và cho phép khảo sát mỏ cát ở núi Xuân Tô.

Theo số liệu từ Ban QLDA Mỹ Thuận, tại tỉnh Đồng Tháp, qua khảo sát các mỏ cát trên địa bàn, trữ lượng dự kiến còn lại là 32,8 triệu m3, khả năng khai thác theo giấy phép là 3,13 triệu m3/năm. Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét ưu tiên cung cấp khoảng 13 triệu m3 cát (trong các năm 2023, 2024) từ các mỏ. Để kịp thời cung cấp đủ trữ lượng cát, tỉnh cần tăng công suất khai thác và triển khai các thủ tục để khai thác các mỏ mới đã có trong quy hoạch.

"Ban QLDA Mỹ Thuận mong muốn UBND tỉnh xem xét nguồn trữ lượng còn lại hoặc nâng công suất các mỏ hiện hữu. Toàn bộ vùng ĐBSCL chỉ mới có 90 km đường cao tốc, chiếm 7% so với số km cao tốc cả nước. Vì vậy, việc triển khai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km cùng với cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là cơ hội để ĐBSCL phát triển, cất cánh", ông Thi cho biết.

Thế nhưng, theo ông Trần Trí Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nhu cầu cát của địa phương giai đoạn 2022 - 2025 là 44,68 triệu m3, đã bao gồm hai công trình trọng điểm của Trung ương qua địa bàn tỉnh là cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Các dự án tỉnh lộ đều đi qua khu vực đất yếu và một số tuyến là xây dựng mới nên cần khối lượng cát rất nhiều. Về việc này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã làm việc với các sở, ngành có liên quan để tìm giải pháp. Theo đó, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát và có các giải pháp căn cơ như tăng công suất, tăng trữ lượng tại các mỏ, đặc biệt là đẩy nhanh các thủ tục có liên quan trong việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu. "Tôi đã yêu cầu khẩn trương rà soát việc thực hiện quy hoạch trữ lượng 33 triệu m3 cát trong giai đoạn sắp tới để có phương án bố trí nguồn cát hợp lý", ông Quang nói.