Dùng cát biển đắp nền đường cao tốc được không?- Bài 3: Nguồn vật liệu thay thế khả thi

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 26/10/2022 11:20

Để gỡ khó nguồn vật liệu đất đắp cho các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, thử nghiệm nguồn vật liệu thay thế trong đó có cát biển.


Dùng cát biển đắp nền các dự án đường cao tốc, tại sao không? - Ảnh 1.

Để giải quyết bài toán thiếu hụt vật liệu đắp nền đường, cát biển và cát nhiễm mặn đang được nghiên cứu, thử nghiệm tại khu vực ĐBSCL. Ảnh minh họa

Nguồn cung cát biển dồi dào, trữ lượng khổng lồ

Theo các kết quả điều tra, nghiên cứu hiện có, vùng biển từ 0 - 100 m ở nước ta có tiềm năng lớn về khoáng sản vật liệu xây dựng; đã xác định được 30 vùng triển vọng với tổng tài nguyên dự báo gần 150 tỷ m3, trong đó các vùng biển Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên... rất triển vọng, có thể quy hoạch thăm dò, khai thác. Đặc biệt, từ năm 2006 - 2009, Trung tâm Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện Đề án "Khảo sát đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản vùng biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ 1/10.000", theo đó đã đánh giá được nguồn tài nguyên cát sạn vật liệu xây dựng và san lấp tại khu vực biển nông tỉnh Sóc Trăng lên tới 19 tỷ m3. Cát biển Sóc Trăng đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam 2006 về nguyên liệu làm vật liệu xây dựng và san lấp. Hiện nay, các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang đều đã cấp phép khai thác cát biển để phục vụ san lấp nền các dự án lớn sát biển như nhiệt điện hoặc khu dân cư lấn biển, ví dụ như Kiên Giang đã cấp phép khai thác với trữ lượng 15 triệu m3 với công suất khai thác gần 5 triệu m3/năm.

Nghiên cứu dùng cát biển làm vật liệu đắp

Để tháo gỡ khó khăn về vật liệu cát đắp nền đường cao tốc cho các dự án khu vực ĐBSCL, triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang trình Chính phủ xem xét một dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, sử dụng san lấp cho các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.

Khu vực đánh giá được chọn nghiên cứu khai thác tại dự án là vùng biển phía đông cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, độ sâu từ 5 - 30m nước, diện tích 2.400km2. Thời gian thực hiện sẽ từ năm 2022-2024.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, đây có thể coi là một nhiệm vụ cần thiết, triển khai thực hiện dự án sớm sẽ giải quyết được một số nhu cầu cấp bách hiện nay: Đó là đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL và phụ cận.

 Ngày 25/02/2022, Bộ GTVT đã có Thông báo số 72/TB-BGTVT về việc thông báo kết luận chung của Hội nghị triển khai công tác nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đến ngày 07/3/2022, Bộ GTVT tiếp tục có Công văn số 2132/BGTVT-KHCN về việc triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Trên cơ sở các văn bản trên, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận xây dựng dự thảo và trình Bộ GTVT "Kế hoạch, đề cương tổng quát triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường".

Đến ngày 09/8/2022, Bộ GTVT đã có Công văn số 8146/BGTVT-KHCN chấp thuận "Kế hoạch, đề cương tổng quát triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL". Trong đó, Bộ GTVT giao Ban QLDA Mỹ Thuận, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và các đơn vị liên quan căn cứ vào kế hoạch, đề cương tổng quát được chấp thuận tiến hành xây dựng đề cương chi tiết và triển khai ngay công tác nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Triển khai chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 24/8/2022, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có Văn bản số 2301/PMUMT-KTTĐ đề nghị Viện Khoa học và Công nghệ GTVT lập kế hoạch, đề cương chi tiết triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Ngày 25/8/2022, Viện đã họp và trao đổi trực tiếp với Ban QLDA Mỹ Thuận về các nội dung liên quan. Ngày 31/8/2022, Viện có Văn bản số 1807/VKHCN-KHCN gửi Ban QLDA Mỹ Thuận các ý kiến về kế hoạch, đề cương chi tiết và dự thảo khái toán. Trên cơ sở báo cáo của Viện, ngày 06/9/2022, Ban QLDA Mỹ Thuận có Công văn số 2417/PMUMT-KTTĐ báo cáo Bộ GTVT về nội dung triển khai chi tiết và đề xuất nguồn chi phí thực hiện công tác triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, qua khảo sát, nguồn cát tại khu vực biển Sóc Trăng có trữ lượng rất lớn (hàng tỷ m3), do đó Ban QLDA Mỹ Thuận dự kiến sử dụng nguồn cát biển tại Sóc Trăng để nghiên cứu, thí nghiệm. Để có cơ sở báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về nguồn vật liệu sử dụng cho các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và các dự án khác trong khu vực, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế của dự án và các đơn vị liên quan tiến hành tổ chức khảo sát thăm dò, đánh giá trữ lượng cát tại các khu vực biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng cát. Đơn vị sẽ khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển tại khu vực biển Sóc Trăng để vận chuyển về vị trí khu vực thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi báo cáo Bộ GTVT.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) cho biết: "Việc dùng cát biển thay cát sông cho các dự án giao thông trong khu vực ĐBSCL sẽ không thay đổi các yêu cầu về kỹ thuật hay chất lượng của dự án. Tuy nhiên, việc lu lèn nền đường sẽ phải có thay đổi do bản chất cát biển mịn hơn cát sông".

Ông Dũng khẳng định, việc dùng cát biển cho dự án giao thông là bình thường, tuy nhiên quá trình này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là nghiên cứu về đánh giá tác động môi trường. Khi dẫn nguồn cát biển vào khu vực bồi rửa, sàng lọc cần các tàu lớn, tàu chuyên dụng để khai thác, do đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực canh tác, nuôi trồng của người dân xung quanh.