Bãi trông xe trên rào chắn làm mất lối đi lại trong vườn hoa. |
Tiền tỷ của dân dùng để che sân bãi
Mặc dù trong thông tư số 39/2011 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có quy định không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều điểm trông xe dưới gầm cầu do Công ty TNHH MTV một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cấp phép.
Điển hình như cầu vượt cạn Vĩnh Tuy, sau khi thông xe cầu Vĩnh Tuy, đường Nguyễn Văn Linh, tổ 10, phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Công ty TNHH một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã xin giấy phép được sử dụng gầm cầu Vĩnh Tuy làm bãi đỗ xe. Sau đó, công ty này hợp đồng kinh tế với Công ty thiết bị phụ tùng quốc tế thuê lại bãi trông giữ xe. (nay có tên gọi là điểm trông giữ xe Văn Út).
Tuy nhiên, điểm trông giữ xe Văn Út đã tự ý đào vét rãnh đường làm hỏng kết cấu của cầu để xây dựng hàng rào sắt chạy dài bao quanh gầm cầu. Ngoài ra, đơn vị này còn nấu nướng, ăn ngủ và bán hàng quán ngay tại đây.
Theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, bãi trông giữ xe này đã tồn tại và hoạt động được 10 năm. Bao xung quanh bãi là hàng rào sắt dài 200 m, cao 2 m cuộn kín. Nhân viên nhận trông giữ phương tiện 24/24h với giá vé gửi “cắt cổ” từ 30 - 50 nghìn đồng/ô tô và 5 - 10 nghìn đồng/xe máy/đêm. Đặc biệt, điểm trông xe nằm sát trên QL 5 nên mật độ giao thông qua lại rất đông. Xe ra, vào liên tục tại đầu bãi gửi gây ảnh hưởng không nhỏ đến các phương tiện lưu thông qua nút giao này.
Đáng lưu ý, theo Quyết định số 47/2004 của UBND thành phố Hà Nội quy định về việc thu phí trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố, thì phí gửi xe ô tô từ 10.000 - 20.000 đồng/xe/lượt dưới 120 phút, 2.000 đồng/xe máy/lượt dưới 120 phút. Tuy nhiên, hầu hết các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu đều thu phí quá quy định và không có vé gửi. Nếu nhân với số lượng hàng trăm phương tiện các loại thường xuyên ra vào gửi tại các bãi xe này, trung bình mỗi bãi xe thu dôi dư hàng chục triệu đồng/ngày.
Cũng theo phản ánh của người dân, từ ngày gầm cầu vượt này biến thành bãi trông xe, lập hàng rào chắn, người dân mất lối đi. Những người muốn đi bộ sang vườn hoa tập thể dục phải liều mình băng qua đường ô tô rất nguy hiểm.
Ông Hùng sống trên địa bàn chỉ tay vào điểm trông xe nói: “Gầm cầu là nơi cấm dừng, đỗ phương tiện, vậy mà TP Hà Nội lại cho trông giữ xe và thậm chí làm kho hàng ở dưới gầm cầu. Thật là coi trời bằng vung ! Hàng nghìn tỉ đồng của dân mà coi như cái mái che sân bãi của mình”.
Tương tự, ông Xuân - Tổ trưởng tổ dân phố 14 sát gầm cầu cho biết: “Không những bịt kín lối đi lại quanh vườn hoa, bãi trông xe còn vứt rác thải bừa bãi, để than nấu nướng rất bẩn làm ô nhiễm môi trường. Thậm chí nuôi cả gà và sửa chữa máy xúc, máy ủi gây ra tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Còn ở phía đầu QL 5, các xe khách, taxi hay dừng đỗ, đón trả khách dẫn đến giao thông quanh khu vực trở nên lộn xộn”.
Khảo sát một vòng trên địa bàn Hà Nội,PV nhận thấy còn rất nhiều gầm cầu đang được cấp phép cho kinh doanh và trông giữ xe ngày đêm. Đó là, Cầu Mai Dịch (Cầu Giấy), Mễ Trì (Nam Từ Liêm), Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), Thanh Trì…Ước tính, có đến cả nghìn lượt xe được gửi tại điểm trông giữ này, cùng với nguồn lợi thu được rất khó kiểm soát.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Vé trông xe với dấu đỏ của điểm trong giữ xe Văn Út |
Ngoài những vấn đề mất ATGT, an ninh trật tự thì vấn đề đáng báo động tại các điểm trong giữ xe này là sự cố cháy nổ tại điểm trông giữ xe trên có thể xảy ra bất cứ lúc nào gây thiệt hại gấp trăm, gấp ngàn lần nguồn lợi trước mắt.
Theo quan sát của Tạp chí GTVT, tại khu vực trông xe kể trên, rào chắn kiên cố, bưng bít kín mít, không có hệ thống báo cháy, đường dẫn nước và một số trang thiết bị khác để phục vụ khi xảy ra sự cố. Bình chữa cháy thì cũ kỹ chỉ để đối phó khi lực lượng chức năng đến kiểm tra chứ thực chất không đủ khả năng dập lửa.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trang thiết bị phòng cháy còn sơ sài, không đảm bảo khi gặp sự cố xảy ra. Liên quan đến vấn đề nói trên phải kể đến vụ hỏa hoạn, ngày 17/2, khoảng 8h tối tại chân cầu Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đám cháy lan nhanh khiến toàn bộ kho hàng dưới chân cầu Vĩnh Tuy bị thiêu rụi.
Ông Đặng Trần Phú, Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng cho biết: “Việc bố trí bãi trông xe ở gầm cầu tôi thấy không hợp lý. Công tác phòng chống cháy nổ tại bãi trông giữ xe này chưa được chú trọng. Việc trông xe dẫn đến ăn ở, đun nấu tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn giao thông cho khu vực và ảnh hưởng đến kết cấu cây cầu khi gặp sự cố. Việc che chắn, quây kín nhìn nhếch nhác mất mỹ quan đô thị. Trong các cuộc họp giao ban tôi cũng kiến nghị lên UBND quận để dẹp bỏ bãi trông xe trên”.
Nói về tình hình an ninh trật tự tại bãi trông xe kể trên, ông Lê Vĩnh Hà, Trưởng Công an phường Phúc Đồng cho biết: “Phường đã tăng cường quản lý mọi mặt tại điểm trông giữ xe trên, tuy nhiên vẫn còn có một số vi phạm như: thỉnh thoảng vẫn có xe khách, taxi dừng đỗ đón trả khách ngay trước cửa điểm trông tạo nên khung cảnh lộn nhộn ngay dưới gầm cầu”.
Cũng theo ông Hà, bãi trông xe này có nhiều ô tô, xe máy ra vào lưu trú, nên không thể tránh khỏi những va chạm. Các phương tiện từ trong bãi xe lao ra đường rất dễ va chạm với phương tiện đang lưu thông trên tuyến QL 5. Đơn vị cũng mong sớm giải tỏa được bãi trông xe, thay vào đó là một vườn hoa cây cảnh thì sẽ văn minh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.