“Phép” nào cho các “siêu dự án” ở gầm cầu Bắc Thăng Long?

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Xã hội 03/07/2015 11:57

Các trang trại chăn nuôi, bãi tập kết hàng hóa, trông giữ xe… xuất hiện dưới gầm cầu Thăng Long hiện đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây cầu “ngoại giao”.

 

20150625_165039
Lò giết mổ tồn tại gầm cầu Thăng Long

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng là công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội. Đây được đánh giá là tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm Thủ đô với sân bay Quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với phần diện tích hàng nghìn m2 đất gầm cầu thuộc địa bàn xã Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội), thay vì được rào chắn, bảo vệ, trồng hoa làm đẹp cảnh quan ở phần diện tích giữa các trụ cầu, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại buông lỏng quản lý, “làm ngơ” cho người dân và các doanh nghiệp “xẻ thịt” nơi đây thành nơi chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe kéo dài trong một khoảng thời gian dài.

20150625_165417
Các chủ trang trại hầu hết đều là người dân trong làng ra đây

Theo ghi nhận thực tế của PV, phần lớn diện tích dưới gầm cầu Bắc Thăng Long (đoạn qua xã Hải Bối) được phân lô, đánh dấu giới hạn và lập thành các khu chăn nuôi tập trung kiêm thêm cả lò giết mổ gia súc.

Một phần diện tích cả nghìn m2 đất ngay chân cầu, sát với khu công nghiệp Panasonic (Bắc Thăng Long) được quây tôn cao sát với mấu cầu để làm nơi tập kết hàng hóa, bãi tập kết hàng hóa, điểm trông giữ xe ngày và đêm.

20150626_180429
Gầm cầu còn là bãi tập kết của các ô tô

Trong vai một người đi tìm thuê đất bãi trống làm nơi kinh doanh, PV Tạp chí GTVT đã tiếp cận được với một số ông chủ của các “siêu dự án” hiện đang “sở hữu” cả nghìn m2 đất ở gầm cầu Bắc Thăng Long. Với ánh mắt dò xét khách lạ, hầu hết các ông chủ này đều khá kín tiếng trước những câu hỏi của PV. Nếu có chăng, thì câu trả lời chỉ là: “đây là vùng “nhạy cảm” và nếu không muốn bị “hỏi thăm” thì tốt nhất nên rời khỏi đây”.

20150626_181115
Nơi bán hàng quán

Theo tìm hiểu của PV, chủ nhân của “siêu dự án” trang trại chăn nuôi lợn và lò giết súc ngự tại khu vực đất gầm cầu Bắc Thăng Long là một người dân bản địa chính hiệu thuộc xã Hải Bối. Trên khuôn viên rộng của diện tích đất gầm cầu, chủ nhân này đã cho san lấp mặt bằng và dựng các khu chăn nuôi và cả lò giết mổ tại chỗ. Cho tới nay, cơ sở này có trên chục năm tồn tại.

Phía bên cạnh khu trang trại chăn nuôi, giết mổ lợn là một khu chăn nuôi tập trung bò, dê…

20150625_163135
Rất nhiều vật nuôi được chăm sóc dưới gầm cầu...

Lý giải về việc “xẻ thịt” đất công làm nơi chăn nuôi, lò mổ trái phép, người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần cho biết:“Do quỹ đất ở trong làng không đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi nên gia đình đã “di cư” ra gầm cầu Bắc Thăng Long chăn nuôi từ nhiều năm trước. Đất của Nhà nước “mở cửa” thì mình làm, khi nào Nhà nước thu thì trả lại”.

Trong khuôn viên gầm cầu Bắc Thăng Long là cả một xóm nhỏ “nhảy dù” nằm lọt thỏm ngay dưới chân cầu ẩm thấp. Xóm nhỏ này có hàng chục ngôi nhà cấp 4 và cả kiên cố được xây dựng từ nhiều năm trước.

Đi sâu vào trong khu vực này, chúng tôi bắt gặp nhiều “dự án” không phép đang "bức tử" chân cầu Thăng Long. Đơn cử, là trường hợp có một hộ gia đình đào ao thả cá ngay dưới các trụ của cây cầu này.

Không chỉ bị tận dụng làm nơi chăn nuôi, hàng quán, hiện đang có hàng nghìn mdưới cây cầu dành cho xe ôtô đang cho Công ty CP công nghiệp Th. H. thuê với giá rẻ làm địa điểm tập kết máy cơ giới, bán vật liệu xây dựng và cả trông giữ xe ôm sát dãy trụ cầu, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải nêu trong Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011.

Trước câu hỏi ai là người đứng ra xẻ thịt đất gầm cầu Bắc Thăng Long cho công ty “Th. H.” thì nhiều người dân đều im lặng. Một ý kiến cho rằng, kể cả có biết cũng không nói vì yếu tố “nhạy cảm”.

Một siêu dự án “ngốn” hàng nghìn m2 đất gầm cầu lập bãi tập kết hàng hóa, trông giữ xe của Công ty “TH. H.” không rõ đơn vị nào cấp phép?, đó là câu câu hỏi mà dư luận đặt ra đối với nhà chức trách Hà Nội.

11719885_842802185807415_41011075_n
Phía sau những tấm tôn quây kín nhiều người đặt ra câu hỏi về sự "nhạy cảm" ở nơi này

Qua tìm hiểu, được biết Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái là đơn vị được giao khai thác phần diện tích dưới gầm cầu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đơn vị này lại để các “nhóm lợi ích” qua mặt một cách dễ dàng như vậy.

Theo Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất ATGT, ô nhiễm môi trường”. Thế nhưng, hiện nay, một số gầm cầu ở Thủ đô vẫn đang “oằn mình” cõng hàng nghìn ôtô, xe máy. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự ATGT mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Ý kiến của bạn

Bình luận