Bùng nổ dịch vụ cho thuê chỗ đỗ máy bay

Giao thông toàn cầu 18/06/2021 06:43

Khoảng 17.000 máy bay, tức 60% máy bay trên toàn thế giới đang phải nằm đất do đại dịch Covid-19, dẫn đến mối lo ngại thiếu chỗ đỗ máy bay.

53422863_401
Nhiều máy bay Singapore Airlines đang "nghỉ dưỡng" ở Úc

Những cái tên mới nổi trên bản đồ hàng không

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, lộ trình chủ yếu mỗi ngày của những chiếc máy bay thân rộng thuộc hãng Lufhansa là khởi hành từ Frankfurt (Đức) đến Dubai, New York hoặc Thượng Hải. Song, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, điểm đến  duy nhất của chúng lại là một thành phố lạ hoắc có tên Teruel.
Teruel là thành phố 35.000 dân ở tỉnh Aragonia, phía đông Tây Ban Nha, nằm giữa Thủ đô Madrid và Valencia. Ngoài những kiến trúc phố cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thành phố này gần như không có đặc điểm gì khác hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt trong thời kì dịch bệnh. Ấy vậy mà dịch Covid-19 lại góp phần đưa thị trấn nhỏ bé này trở thành cái tên nổi bật trên bản đồ ngành hàng không.

Một công ty có tên Tarmac Aerosave đã xây dựng cơ sở lưu giữ và bảo dưỡng máy bay ở Teruel, sau khi CEO công ty này nhận thấy nhu cầu về chỗ đỗ dài hạn và bảo dưỡng định kỳ cho máy bay ngày càng có xu hướng gia tăng. Thời tiết khô ráo quanh năm của Tây Ban Nha cũng là điều kiện thuận lợi để bảo dưỡng máy bay, do có thể hạn chế được sự ăn mòn nhôm.

Hãng hàng không Lufthansa đã gửi gắm 7 chiếc A380 tại đây, đồng thời hãng cũng đang có 5-6 chiếc A340-400 4 động cơ đang trong diện cần cắt giảm. Teruel cũng là nơi ký gửi một vài chiếc A380 của hãng Air France cũng như 5 chiếc Boeing 747 của hãng British Airways. Hiện tại có khoảng 115 máy bay phản lực gần như lấp đầy chỗ trống ở sân bay này.

"Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều máy bay như vậy ở đây." - Pedro Saez, Giám đốc nhà máy Tarmac Aerosave cho biết.

Trước mắt, Tarmac Aerosave đang thiết lập thêm chỗ đỗ máy bay bằng cách cho lắp đặt các tấm kim loại lên một khu đất rộng lớn có kích thước khoảng 140 sân bóng đá, đáp ứng đủ chỗ đỗ cho khoảng 20-25 máy bay. Trong tương lai, hãng sẽ mở rộng gấp đôi không gian đỗ máy bay vì hiện vùng nửa sa mạc này vẫn còn rất nhiều đất trống. Kế hoạch đã được chính quyền địa phương chấp thuận nhưng sẽ mất một vài năm để hoàn thành. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều máy bay được thải loại vĩnh viễn nên Teruel vẫn có tiềm năng lâu dài sau khi dịch Covid-19 kết thúc. Ngoài lưu giữ máy bay, Tarmac Aerosave còn nhận bảo trì, phá dỡ và tái chế linh kiện máy bay cũ.

Dịch vụ hái ra tiền mùa dịch

Toàn thế giới có khoảng 26.000 máy bay phản lực chở khách đang hoạt động, thực hiện trung bình 102.000 chuyến bay/ngày, chở trung bình 6 triệu hành khách. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào lúc này. Theo ước tính của Cổng thông tin Công nghiệp Cirium, tính đến cuối tháng 4/2020, gần 17.000 máy bay thuộc mọi kích cỡ đã nằm đất, chiếm khoảng 64% tống số máy bay toàn cầu. Các hãng hàng không lại rơi vào một cuộc cạnh tranh khác, đó là cạnh tranh chỗ đỗ máy bay. Bãi đỗ máy bay lớn nhất và nổi tiếng nhất nằm ở miền nam nước Mỹ, tại Căn cứ không quân Davis Monthan và Marana. Tuy nhiên, khoảng cách xa như vậy hiện không phải lựa chọn của các hãng hàng không châu Âu.

53425646_401
Hàng máy bay nằm đất dài bất tận ở sân bay Tarbes-Lourdes Pyenees, Pháp

Ban đầu, nhiều hãng lựa chọn các đường băng tạm thời bị đóng cửa tại các sân bay chính của châu Âu mà hãng đó khai thác nhưng trong bối cảnh tài chính eo hẹp, nhiều hãng đã phải chuyển sang các phương án giá rẻ hơn. "Chi phí đỗ máy bay ở Frankfurt rất đắt đỏ trong khi không biết tới khi nào mới cần huy động nhiều máy bay trở lại." - CEO của Lufthansa Carsten Spohr cho biết.

Các hãng hàng không Pháp cũng nhận thấy nhu cầu gia tăng chỗ đỗ máy bay. Sau sân bay Teruel, sân bay Tarbes-Lourdes Pyenees ở tây nam nước Pháp trở thành cơ sở lớn thứ 2 ở châu Âu nhận lưu giữ , bảo trì và tái chế máy bay, cũng được điều hành bởi Tarmac Aerosave. Sân bay này cũng chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng máy bay và đang xây dựng thêm các đường băng, đường lăn mới. Hãng British Airways cũng đang gửi đội bay A380 của mình ở Pháp, trong khi Thụy Sĩ gửi phần lớn đội bay của mình tại sân bay quân sự Dübendorf, gần địa bàn của mình là sân bay Zürch-Kloten, trong khi một số chiếc Airbus của hãng đã được gửi đến Thủ đô Amman của Jordan do cần lưu giữ lâu hơn.

Tại Úc, sân bay Alice Springs ở vùng hẻo lãnh của Úc đã chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng thấy hợp đồng thuê chỗ đỗ máy bay. Cơ sở này chỉ mới được thành lập cách đây vài năm bởi công ty Apas. Kể từ năm 2014, Apas mới nhận lưu giữ 40 máy bay phản lực nhưng đại dịch Covid-19 đã đem đến cho công ty này thêm nhiều hợp đồng giá trị. Alice Springs hiện là cơ sở bảo dưỡng máy bay duy nhất nằm trong phạm vi dễ tiếp cận của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ của ngành hàng không. Giám đốc của Apas, Tom Vincent đã tiết lộ bản hợp đồng 13 tháng để "chăm nom" một chiếc Boeing 777 đem lại doanh thu 300.000 euro (8,3 tỷ đồng).

"Điện thoại của tôi không ngừng đổ chuông, nhu cầu đã bùng nổ." - Vincent trả lời Financial Times. Thương vụ lớn nhất của anh gần đây là cung cấp chỗ đỗ cho 4 chiếc A380 của Singapore Airlines. Hiện Apas đang chuẩn bị mở rộng để tăng sức chứa thêm 70-80 máy bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận