Phi công lái máy bay ảo tránh "lụi nghề" thời Covid-19

Giao thông toàn cầu 18/03/2021 12:11

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã "cắt đứt đôi cánh" của các phi công, khiến nhiều người rơi vào tình trạng mất việc. Để tránh "lụi nghề", ngành hàng không đã đưa ra giải pháp sử dụng thiết bị mô phỏng chuyến bay để giúp các phi công duy trì cảm giác lái khi đã quá lâu không được cất cánh.

 

c1_3918415
Hai phi công của hãng Air France đang chuẩn bị cất cánh máy bay trong một buồng lái sử dụng công nghệ mô phỏng cho cảm giác giống thực tế đến 99%.

Để duy trì giấy phép bay, các phi công phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đặt ra, đó là thực hiện 3 lần cất cánh và hạ cánh trong vòng 3 tháng qua. Tanja Harter, một phi công lái Airbus A320 sống và làm việc tại Munich, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Buồng lái châu Âu (ECA) cho biết: "Đây không còn là vấn đề nhỏ nữa. Với tình trạng lưu lượng hàng không bị suy giảm do dịch bệnh, thời gian bay của phi công cũng bị giảm đi rất nhiều."

Để giải quyết tình trạng này, một số hãng hàng không đã trang bị các thiết bị mô phỏng chuyến bay công nghệ cao, cho phép phi công trau dồi kỹ năng của họ thông qua một môi trường thực tế ảo. Thiết bị mô phỏng này sẽ giả lập một chuyến bay đầy đủ với hình ảnh và chuyển động giống tới 98 hoặc 99% chuyến bay thật. Phi công Philippe Lacroute - Phát ngôn viên phụ trách các hoạt động bay của Air France cho biết, một năm trôi qua kể từ khi Pháp cho đóng cửa hàng không, Air France đã trang bị các thiết bị mô phỏng bay hoạt động 22 tiếng mỗi ngày để hỗ trợ các phi công của hãng. Bên cạnh khuyến nghị của ICAO, các phi công vẫn phải vượt qua các kỳ thi lý thuyết và thực hành hai lần/năm để kiểm tra khả năng của họ, cùng các kĩ năng khác để đối phó với các trường hợp khẩn cấp hoặc sự cố thiết bị.

Ông Lacroute cho biết thêm, hiện tượng phi công bị "lụi nghề" khi ít được bay là hiện tượng phổ biến. Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cũng cảnh báo rằng, việc phi công ít được bay là một vấn đề đáng lo ngại. Do đó, việc thực hiện một số lần cất hạ cánh thông qua hệ thống mô phỏng bên cạnh hoàn thành các bài kiểm tra định kỳ là rất cần thiết.

Theo ước tính của ECA, khoảng 18.000 phi công đã bị sa thải hoặc có nguy cơ mất việc trong năm 2020. Đây là một sự thay đổi 180 độ, bởi chỉ một năm trước đó, ngành hàng không đã có sự tăng vọt số lượng phi công để bắt kịp nhu cầu đi lại. Hầu hết các hãng hàng không dự báo rằng phải đến 2023 hoặc thậm chí 2024, ngành hàng không thế giới mới quay trở lại bình thường.

Ý kiến của bạn

Bình luận