Cabin học lái xe – kỳ 2: Cơ sở sự nghiệp công lập gặp khó trăm bề

Giao thông 24h 08/12/2022 06:36

Kể cả khi đã xác định được một số nhà cung cấp cabin tập lái, cũng phải mất ít nhất vài tháng các cơ sở sự nghiệp công lập mới có thiết bị để phục vụ đào tạo. Bởi phải trải qua rất nhiều công đoạn từ xin chủ trương, thẩm định giá, đấu thầu…

Năm nay làm dự toán, sang năm mới được cấp tiền

Hoàn toàn đồng tình với những quy định mới của Thông tư 04 về đào tạo, sát hạch lái xe, bởi "nếu làm đúng thì rất tốt", nhưng ông Nguyễn Đức Phú, Hiệu phó phụ trách Trường cao đẳng GTVT đường bộ (có trụ sở tại Chí Linh, Hải Dương) cho rằng, với đơn vị sự nghiệp công lập có những đặc thù và những đặc thù đó đang gây khó khăn cho công tác đào tạo của đơn vị.

Cabin tập lái xe – kỳ 2: Cơ sở sự nghiệp công lập khó trăm bề   - Ảnh 1.

Với những quy trình, thủ tục ngặt nghèo, các cơ sở sự nghiệp công lập mất nhiều thời gian để được mua sắm thiết bị cabin tập lái phục vụ công tác đào tạo

"Năm nay làm dự toán, sang năm mới được cấp tiền là chuyện bình thường", ông Phú nói và lấy ví dụ về việc mua sắm cabin để phục vụ đào tạo lái xe. 

"Chẳng hạn, với 1.000 học viên, tối thiểu phải cần 3 cabin tập lái. Nhưng khi lên dự toán, giá mỗi cabin tương đương một chiếc xe ôtô. Trong khi với nguồn ngân sách đã được hòa chung, cần phải xác định được nguồn chi cho mua sắm thiết bị cabin tập lái, rồi thẩm định giá, tổ chức đấu thầu", ông Phú nêu và cho biết đã có ý kiến báo cáo với cấp trên để sớm có hướng giải quyết.

Cabin tập lái xe – kỳ 2: Cơ sở sự nghiệp công lập khó trăm bề   - Ảnh 2.

Gian phòng được Trường cao đẳng GTVT đường bộ (có trụ sở tại Chí Linh, Hải Dương) dự định làm nơi lắp đặt cabin tập lái xe nhưng đến khi nào mới có thiết bị thì vẫn chưa biết

Cùng chung bối cảnh, ông Vũ Lê Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề GTVT Hưng Yên cho biết, là đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian để triển khai các bước thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định phải mất từ 2 đến 3 tháng.

"Đó là khi có từ 3 nhà cung cấp thiết bị trở lên, còn nếu chỉ có một đơn vị cung cấp thiết bị cabin thì cũng chưa thể tổ chức thẩm định, đấu thầu cạnh tranh được", ông Thuận nói và cho rằng, với tình trạng như hiện nay, việc đầu tư mua sắm thiết bị cabin điện tử trong công tác đào tạo lái xe ô tô của Nhà trường sẽ không thể đảm bảo thời gian theo lộ trình áp dụng đào tạo từ ngày 01/01/2023.

Chắc chắn phải dừng đào tạo

Nhắc lại câu chuyện về thiết bị DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe), ông Nguyễn Bá Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương cho biết, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động Thương binh xã hội Hải Dương. Để được mua sắm thiết bị phải trải qua một quy trình khá ngặt nghèo, gồm: xin chủ trương, thẩm định giá, đấu thầu. Thậm chí, với cabin tập lái là một tài sản lớn, đặc thù có thể phải xin ý kiến Hội đồng nhân dân.    

Cabin tập lái xe – kỳ 2: Cơ sở sự nghiệp công lập khó trăm bề   - Ảnh 3.

Sân tập lái tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương vắng bóng học viên

"Các cơ sở đào tạo lái xe phải đưa thiết bị DAT vào chương trình dạy và học từ ngày 15/6/2022. Đây cũng chính là mốc thời gian mà trung tâm của chúng tôi phải tạm dừng đào tạo vì chưa được duyệt mua thiết bị. Phải đến 15/11 mới đào tạo trở lại. Trong vòng 5 tháng đó, học viên bỏ đi nơi khác học, thầy giáo cũng xin nghỉ. Quãng thời gian đó, chúng tôi phải dừng đào tạo không phải vì Covid-19 mà vì thủ tục mua sắm thiết bị DAT", ông Thành chua chát nói và cho rằng, kể cả từ 30/11 có nhà cung cấp thì ít nhất cũng phải 2 – 3 tháng sau mới có thiết bị để đào tạo trở lại, mới mở được lớp.

"5 tháng không đào tạo vì chưa có thiết bị DAT, khoảng hơn 400 hồ sơ học lái xe bị rút, học viên bỏ đi nơi khác. Với mức học phí hạng B2 khoảng 7,9 triệu đồng, tính ra thiệt hại về tài chính cho Trung tâm khoảng 3 tỷ đồng. Chúng tôi đang cảm thấy rất bất an vì lại phải tiếp tục dừng đào tạo. Cả một bộ máy đang hoạt động, bỗng nhiên dừng tất cả thì chúng tôi lấy tiền đâu để duy trì bộ máy", ông  Thành chia sẻ và thông tin thêm, là đơn vị duy nhất trong tỉnh giải quyết chuyển đổi nghề cho số đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng khi trung tâm dừng đào tạo, ngay cả số đối tượng này cũng không tiếp cận được. 

Là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Xây dựng, ông Phạm Duy Bảy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 (Ninh Bình) cho biết, quy trình mua sắm thiết bị cabin tập lái gồm: Xây dựng dự toán, được phê duyệt đầu tư, làm thủ tục xin chủ trương, tiếp đó làm thủ tục liên quan đến thẩm định giá, phê duyệt kế hoạch, tiến hành lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu. Sau đó, đơn vị nào đáp ứng đủ tiêu chí mới tiến hành ký hợp đồng.

"Tùy từng loại, sản phẩm mà việc đấu thầu có thể kéo dài đến 30 ngày, 45 ngày. Ngoài ra còn cả quá trình cung cấp sản phẩm, lắp đặt, bảo hành, bảo trì... Đó là những công đoạn tốn khá nhiều thời gian, trong khi thời điểm áp dụng cabin tập lái đã cận kề. Bảo chúng tôi không sốt ruột, không mất ăn mất ngủ là nói dối", ông Bảy tâm sự.


Ý kiến của bạn

Bình luận