Các dự án giao thông "đói" vốn đối ứng

Tác giả: trí dũng

saosaosaosaosao
Thị trường 04/05/2016 16:54

Nhiều dự án giao thông đang bị thiếu vốn cho công tác GPMB và chi trả thuế VAT cho các nhà thầu thi công, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

 

cao toc Da Nang - Quang Ngai
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Đường thủy, đường bộ cùng chung khó khăn

Tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, suốt cả năm 2015, do nguồn vốn đối ứng chỉ cấp cho Dự án được 200 tỷ đồng nên chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phải ứng trước 730 tỷ đồng từ nguồn vốn của đơn vị cho các địa phương thực hiện công tác GPMB nhưng đến thời điểm hiện tại đã vượt hạn mức cho phép và dự án chưa tìm được nguồn vốn bổ sung.

Còn tại dự án cao tốc khác ở miền Nam là đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc VEC, trong thời gian qua, nguồn ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn nên kinh phí bố trí cho công tác GPMB của các dự án do VEC làm chủ đầu tư luôn thiếu hụt và không kịp thời. 

Riêng đối với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, ngân sách nhà nước được duyệt cho công tác GPMB là 4.476 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới chỉ bố trí được 2.304 tỷ đồng, tức là còn thiếu 2.172 tỷ đồng.

Tại các dự án đường thủy cũng gặp khó khăn tương tự. Đơn cử như tại 2 Dự án Phát triển giao thông vận tải thủy khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) và đồng bằng sông Cửu Long (WB5) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo Tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy Lê Huy Thăng, khó khăn lớn nhất trong việc quản lý thực hiện 2 dự án trên trong suốt cả năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 cũng là thiếu vốn đối ứng cho công tác GPMB và chi trả thuế VAT cho các nhà thầu thi công…

Cần bố trí đủ ngân sách cho gpmb

Cũng theo Tổng giám đốc Lê Huy Thăng, việc thiếu vốn đối ứng cho công tác GPMB đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của một số gói thầu Dự án WB6, WB5. Một số gói thầu thuộc dự án WB6 đã phải gia hạn nhiều lần và đến nay chưa hoàn thành do chưa có vốn đối ứng để chi trả cho công tác GPMB trong khi chế độ chính sách GPMB thay đổi, đơn giá bồi thường trên địa bàn các tỉnh có dự án đi qua cũng được điều chỉnh hàng năm, do đó các địa phương phải phê duyệt điều chỉnh phương án GPMB, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện.

Đồng thời, hầu hết các nhà thầu đều chưa được chi trả thuế VAT (10%) đã dẫn đến một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu.

Điều tương tự như vậy cũng xảy ra ở 2 Dự án Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi,  việc thiếu vốn đối ứng cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ GPMB, tái định cư của các dự án này và có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng tổng mức đầu tư và giảm hiệu quả dự án. 

Từ thực tiễn như vậy có thể nhận định rằng, điều quan trọng nhất là bố trí đủ vốn ngân sách cho công tác GPMB, đồng thời các địa phương cần quan tâm, phối hợp tạo điều kiện để tháo gỡ những khó khăn trong công tác GPMB, đảm bảo tiến độ của các dự án.

Liên quan đến cơ chế vốn đối ứng cho các dự án đường cao tốc, được biết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu VEC tiếp tục cân đối nguồn vốn từ thu phí các dự án cao tốc do VEC đang khai thác để chi trả đền bù, GPMB cho quá trình triển khai cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đồng thời, VEC cũng cần tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để có thể triển khai phương án vay vốn từ nguồn thu sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ý kiến của bạn

Bình luận