Ngày 26/8, tại Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế khoa học Hạ tầng giao thông và phát triển bền vững lần thứ 4 (TISDIC), với sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học, đại biểu đến từ 17 quốc gia trên thế giới.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hội thảo TISDIC lần này trở thành một diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, các nhà quản lý hướng tới mục tiêu ứng dụng công nghệ số trong phát triển xanh và bền vững cho hạ tầng giao thông trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ những công nghệ mới, những sản phẩm mới tối ưu có thể áp dụng cho lĩnh vực giao thông và xây dựng.
"Đến với Hội thảo TISDIC lần thứ 4 còn có rất nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học trong nước và trên thế giới và giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học, thành tựu khoa học mới nhất về công nghệ xây dựng cầu đường; công nghệ vật liệu; công nghệ về kết cấu; tính tự động hóa trong thiết kế, quản lý, thi công... Những nội dung trình bày, giới thiệu trong chương trình Hội thảo lần này được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, được Hội đồng khoa học tuyển chọn, đánh giá có chất lượng nhất", ông Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, kế thừa thành công của các hội thảo lần trước, Hội thảo lần này thêm Diễn đàn dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đây là tiền đề nhằm thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông và xây dựng tham gia các hội thảo trong thời gian tới. Từ đó tranh thủ cơ hội, thu nạp kiến thức, tìm kiếm đối tác trong hoạt động, chuyển giao công nghệ, giúp cho hoạt động sản xuất, quản lý ngày càng hiệu quả, tốt hơn.
"Thông qua những hội thảo như thế này, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tuyến chọn những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, mạnh dạn áp dụng, chuyển giao công nghệ nước ngoài thành công ở Việt Nam và lựa chọn những nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam đã được triển khai thành công ở thực tế, lựa chọn những kết quả nghiên cứu của sinh viên để công bố rộng rãi trong nước và quốc tế.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam hy vọng sẽ tìm kiếm được những kết quả như thế tại Hội thảo lần này. Chính vậy vậy, Tổng hội Xây dựng Việt Nam mong muốn các nhà khoa học, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm sản xuất, nhằm nâng tầm công nghệ xây dựng, đáp ứng những yêu cầu mới trong bối cảnh triển khai công nghệ 4.0, khoa học-kỹ thuật đang phát triển rất mạnh, rất nhanh, đáp ứng nhu cầu của lĩnh vực giao thông và xây dựng', ông Dũng nhấn mạnh.
Đến với Hội thảo, ngoài tham dự diễn đàn khoa học công nghệ về “Kết quả ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam” lần đầu tiên tổ chức, các địa biểu còn dành phần lớn thời gian tham gia bàn luận, trao đổi về các nhóm chủ đề: Kết cấu và công trình cầu nâng cao; Công trình đường và kỹ thuật giao thông; AI, IoT và Tự động hóa trong hệ thống giao thông; Kết cấu và Vật liệu xây dựng cho phát triển bền vững; Công trình địa kỹ thuật và môi trường.
Hội thảo TISDIC lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 và có kế hoạch tổ chức 3 năm 1 lần, với sự tham gia tổ chức chính của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng và các đơn vị hỗ trợ tổ chức bao gồm Sở GTVT Đà Nẵng, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam – VSSMGE, Đại học Texas tại Arlington (Hoa Kỳ), Đại học Kansas (Hoa Kỳ), Đại học Chonam (Hàn Quốc).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.