Vì sao không tính chu kỳ đăng kiểm theo Km xe chạy?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 22/08/2023 10:34

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét giãn chu kỳ kiểm định ô tô dài hơn, tính theo Km xe chạy, trên giấy đăng kiểm ghi thời gian và số Km cho lần đăng kiểm tiếp theo.

Vì sao không tính chu kỳ đăng kiểm theo kilomet xe chạy? - Ảnh 1.

Từ 1/10/2021, theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, chương trình quản lý kiểm định điện tử của Cục Đăng kiểm VN cập nhật thông tin về số Km xe ô tô chạy giữa hai lần đăng kiểm kế tiếp để phục vụ nghiên cứu

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 9225/BGTVT-KHCN&MT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc xem xét giãn chu kỳ kiểm định và bổ sung cách tính chu kỳ đăng kiểm xe ô tô theo số Km xe chạy.

Cụ thể, cử tri kiến nghị: "Thời gian vừa qua, các trung tâm đăng kiểm tạm ngưng hoạt động hoặc trở nên quá tải gây nhiều hệ lụy cho người dân. Đề nghị nghiên cứu, xem xét có thể giãn chu kỳ đăng kiểm ô tô dài ra, nhưng sẽ giới hạn theo số km, điều kiện nào đến trước thì phải đi đăng kiểm; trên giấy đăng kiểm sẽ ghi rõ thời gian và số km cho lần đăng kiểm tiếp theo. Tuy nhiên, con số cụ thể cho từng loại xe cần được các chuyên gia nghiên cứu, tính toán để phù hợp với các tiêu chí".

Về đề nghị nghiên cứu, xem xét giãn chu kỳ kiểm định, Bộ GTVT cho biết: ngày 22/3/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Miễn kiểm định lần đầu đối với một số đối tượng xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng; thay đổi thời gian chu kỳ kiểm định đối với một số nhóm xe cơ giới thêm từ 3 tháng đến 6 tháng.

Đặc biệt, ngày 2/6/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT quy định áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT cho khoảng 1,4 triệu ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (thuộc nhóm phương tiện có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 năm đến 20 năm) được tiếp tục sử dụng Giấy chứng nhận và Tem kiểm định thêm 6 tháng mà chủ phương tiện không phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.

Những điều chỉnh tại các thông tư nêu trên đã giải quyết được tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm và được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Đối với việc xác định thời gian chu kỳ kiểm định, cũng theo Bộ GTVT, chu kỳ kiểm định xe ô tô được thiết lập dựa trên các nghiên cứu và thông tin khoa học về tuổi thọ và an toàn của các linh kiện, tổng thành trên xe ô tô. Các đơn vị quản lý và các tổ chức kiểm định xe ô tô trên thế giới đã phát triển các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, năm sản xuất của xe: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng các tổng thành, hệ thống trên xe ô tô, như động cơ, hệ thống treo, hệ thống phanh và hệ thống lái, sẽ có xu hướng hư hỏng và hao mòn theo thời gian. Đặc biệt là các chi tiết như: lốp xe, các chi tiết bằng cao su, linh kiện kim loại … là những chi tiết có thể bị lão hóa theo thời gian, kể cả trường hợp không sử dụng xe. Do đó, các chu kỳ kiểm định xe ô tô được thiết lập dựa trên năm sản xuất của xe.

Thứ hai, tần suất sử dụng xe: Tần suất sử dụng xe là một yếu tố quan trọng khác được sử dụng để xác định chu kỳ kiểm định xe ô tô. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bộ phận trên xe ô tô sẽ chịu tác động lớn hơn và hao mòn nhanh hơn khi xe được sử dụng với tần suất lớn (ví dụ: các loại xe taxi, xe khách, xe tải …).

Thứ ba, môi trường hoạt động: Môi trường hoạt động của xe cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kiểm định. Ví dụ, xe ô tô hoạt động trong môi trường nhiều bụi bẩn, đất đá, hoặc môi trường có độ ẩm cao, độ muối cao sẽ có xu hướng hư hỏng nhanh hơn so với xe hoạt động trong môi trường khô ráo và sạch sẽ. Dựa trên các yếu tố đó, các quy định và hướng dẫn về chu kỳ kiểm định xe ô tô khác nhau sẽ được áp dụng trong các quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, điểm chung của các quy định này là đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lái xe và người tham gia giao thông.

"Có thể thấy chỉ số quãng đường xe đã chạy (km trên đồng hồ) chỉ là một trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chu kỳ kiểm định, nên không thể quyết định việc kiểm định chỉ dựa trên chỉ số này.

Tham khảo quy định của nước ngoài thì tất cả các nước trên thế giới đều quy định kiểm định theo chu kỳ thời gian. Theo thống kê của Tổ chức Đăng kiểm ô tô quốc tế (CITA) thì nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định thời hạn kiểm định của xe ô tô theo thời gian sử dụng với chu kỳ khác nhau phụ thuộc vào mục đích sử dụng (xe cá nhân, xe kinh doanh).

Như vậy, việc quy định chu kỳ kiểm định xe cơ giới tham gia giao thông theo thời gian sử dụng như ở Việt Nam hiện nay được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn quản lý và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ GTVT lý giải.

Ý kiến của bạn

Bình luận