Các từ "tải trọng" và "trọng tải" dùng sai gây bức xúc trên đường

Ý kiến phản biện 05/12/2019 14:35

Việc dùng chưa đúng hai thuật ngữ này dẫn đến sự hiểu sai và không thống nhất, gây nhiều bức xúc trên đường. Nhân dịp đang soát xét lại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển báo đường bộ, QCVN 41:2016/BGTVT, bài này nêu một số phân tích và đề xuất nhằm khắc phục tình trạng trên.

Tải trọng là gì?

Đã biết trong các tài liệu sức bền kết cấu và máy, tải trọng là tập hợp lực tác dụng lên công trình (như lực, mô men lực, áp suất ...), chẳng hạn nói:

Tải trọng gió/sóng/động đất là các lực của (do) gió/sóng/động đất tác dụng lên công trình;

Tải trọng tập trung là các lực được coi là đặt tại một điểm trên công trình;

Trọng lượng là lực hút của Trái Đất, thuộc loại tải trọng tĩnh, vv.

Vì là lực nên đơn vị của chúng là niutơn (N), niutơn mét (Nm), pascan (Pa), kilôgam lực (kgf) hay tấn lực (tf), không phải là kilôgam (kg) hay tấn (t).

Trong các tài liệu, giáo trình kỹ thuật cũng đã dùng tải trọng trong các cụm từ khác như tải trọng thiết kế, tổ hợp tải trọng, hệ số tải trọng, vv. Dùng từ tải trọng với nghĩa là lực như trên là hoàn toàn chính xác.

Trong khi đó, hiện nay ở nhiều văn bản giao thông đường bộ, biển báo và trên truyền thông, ta thấy tràn lan các cụm từ tải trọng xe, kiểm soát tải trọng xe, trạm kiểm tra tải trọng, cân tải trọng xe, xe quá tải trọng,vv.

Thực ra, các từ tải trọng đó là ám chỉ khối lượng của xe, được đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t). Vậy sao không viết thẳng là khối lượng, một đại lượng vật lý cơ bản, học từ trường phổ thông, trong khi tải trọng là một thuật ngữ, chỉ các sinh viên kỹ thuật mới bắt đầu làm quen trong các môn Sức bền vật liệu và Cơ học kết cấu?

Các doanh nghiệp vận tải, người lái xe và cảnh sát giao thông trên đường không hề quan tâm đến lực, tải trọng hay trọng lượng; họ chỉ cần biết xe chở nặng bao nhiêu tấn (tức là khối lượng của xe) để đảm bảo an toàn, không vi phạm luật mà thôi.

Vì vậy, chỉ cần thay từ tải trọng bằng từ khối lượng, các văn bản trên sẽ trở nên chuẩn mực, ngắn gọn và dễ hiểu, lần lượt như sau:

-  Tải trọng xe sửa thành (→) Khối lượng xe, trong đó có: khối lượng bản thân; khối lượng toàn bộ (bằng khối lượng bản thân cộng với khối lượng chở); khối lượng trên trục (là phần của khối lượng toàn bộ trên một trục);

-  Kiểm soát tải trọng xe    Kiểm soát khối lượng xe;

- Trạm kiểm tra tải trọng  Trạm cân xe, weigh station;

-  Cân tải trọng xe    Cân xe.

2.   Trọng tải là gì?

Trọng tải” là một từ phổ thông, đã được giải nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên. Đó là “khối lượng có thể chở được”, tức là sức chở của một phương tiện. Nói xe 5 tấn hay xe 10 tấn thì đó là trọng tải của xe, cũng tương tự khi nói tàu hàng 10 000 tấn, thang máy 800 kg, xe 14 chỗ.

Trọng tải biểu thị bằng một số cố định đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t), do nhà thiết kế đặt ra từ đầu, nên nó thuộc lý lịch của xe và được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định do Đăng kiểm cấp. Trọng tải không phải là khối lượng chở thực mỗi chuyến đang trên đường, cũng không bao gồm khối lượng bản thân xe.

Xe quá tải là xe chở quá trọng tải, gây mất an toàn kỹ thuật của bản thân xe. Cần phân biệt với xe quá sức chịu tải đường bộ, tức là xe vi phạm các biển cấm 115 hay 116, gây mất an toàn của cầu hay đường.

Trong khi đó, nhiều văn bản đã không dùng từ trọng tải, mà viết lộn thành tải trọng, như trên bảng niêm yết mức thu phí tại các trạm toàn quốc (Ảnh 1), hoặc thành khối lượng toàn bộ, như trong Thông tư 293/2016/TT-BTC, hoặc thành trọng lượng toàn bộ, như trên biển báo ở Ảnh 2.

Quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT cũng viết “khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”. Cả đoạn dài dòng và khó hiểu này cần được thay bằng một từ “trọng tải” ngắn gọn quen thuộc.

1
 Tất cả các từ tải trọng trong bản niêm yết đều cần sửa thành trọng tải

 

2
Biển cấm 106b dùng từ sai và giải thích sai

Như vậy, để hiểu đúng, tránh những tranh cãi, oan sai, thậm chí dẫn đến vụ án, như giữa lái xe Phan Đình Anh và cảnh sát giao thông ở Nghệ An, cần sửa lại các văn bản như sau:

-  Thay tất cả các từ Tải trọng trong Quy chuẩn cũ bằng từ Khối lượng hay bằng từ thích hợp khác đã nêu ở Mục 1;

-  Thêm từ Trọng tải và giải nghĩa nó vào Điều 3, Giải thích từ ngữ, của Quy chuẩn mới.

Khi ban hành Quy chuẩn mới thì các Nghị định, Thông tư và tài liệu ở các trường đào tạo lái xe, vv. sau đó cần chỉnh sửa lại thống nhất theo các từ ngữ này.

Ý kiến của bạn

Bình luận