Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Dự báo cuối năm 2021, VNR lỗ 940 tỷ đồng. Trước tình hình kết quả kinh doanh liên tục lao dốc và dịch bệnh vẫn tiếp diễn, VNR đang ngày càng cận kề tình huống xấu nhất, đó là nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu và dừng hoạt động sản xuất kinh doanh vào cuối năm 2022.
Vận tải hàng hóa là “cứu cánh”
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, vận tải khách gần như bị đình trệ hoàn toàn, ngành Đường sắt chỉ còn vận tải hàng hóa là “cứu cánh”. Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, ban lãnh đạo VNR đã chủ trương chuyển đổi vận tải khách sang tập trung vận tải hàng hóa. Do đã có sự chuẩn bị trước nên từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch nhưng sản lượng vận tải hàng hóa có tăng trưởng so với cùng kỳ. Nửa đầu năm 2021, doanh thu vận tải hàng hóa tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng các mặt hàng truyền thống như quặng apatit tăng 31%, than tăng 10%, phân bón tăng 8%... Tổng số đoàn tàu vận chuyển hàng hóa bằng 111,2% so với cùng kỳ năm 2020 và 107,9% so với cùng kỳ năm 2019, từ đó cứu lỗ phần nào cho doanh thu cho đường sắt.
VNR đã chủ động xây dựng các biện pháp phòng, chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các “nút thắt” trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, chuyến tàu chuyên container đầu tiên từ Việt Nam sang châu Âu chính thức xuất phát từ Ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội), mở ra một chương mới cho lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam.
Đoàn tàu chở hàng gồm 23 container 40 feet vận chuyển các loại hàng hóa như dệt may, da giày, điện tử... xuất phát từ Ga Yên Viên đến Trịnh Châu (Trung Quốc), sau đó kết nối vào đoàn tàu Á - Âu tới TP. Liege (Bỉ) rồi chuyển đường bộ đi đến điểm đích là TP. Rotterdam (Hà Lan). Trong thời gian tới, VNR sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức vận chuyển mỗi tháng 8 chuyến đi châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan... xuất phát từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành vận tải hàng hóa để nâng cao hiệu quả vận tải, tiết kiệm chi phí.
Song song với duy trì sản xuất kinh doanh, VNR đã và đang triển khai các biện pháp để vừa đảm bảo phòng dịch cho CBNV và hành khách, vừa tiến hành khai thác tổ chức chạy tàu trên các tuyến đường sắt quốc gia. Khi Chính phủ áp dụng việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, VNR đã có các giải pháp điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, VNR tạm dừng chạy tàu khách thường xuyên trên tuyến Bắc - Nam, chỉ tổ chức chạy các đoàn tàu hàng. Tổng công ty cũng đã tổ chức các đoàn tàu vận chuyển hành khách chuyên biệt đảm bảo tiêu chí “1 tuyến đường - 2 địa điểm” (chỉ đón hành khách tại 1 ga đi và trả hành khách tại 1 ga đến) đưa người dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị...; miễn phí vận chuyển nhân viên y tế và các trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch Covid-19 vào các tỉnh phía Nam trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, các đoàn tàu vận chuyển hàng hóa cũng được tổ chức trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch bệnh và chủ yếu để lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất, góp phần đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng. VNR đã lập các đoàn tàu chuyên biệt vận chuyển miễn phí hàng hóa nhu yếu phẩm của chính quyền và nhân dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn... hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam. Trong tháng 7, tháng 8, ngành Đường sắt Việt Nam đã đồng hành cùng nhân dân các tỉnh vận chuyển miễn phí gần 1.000 tấn hàng hóa là nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế... vào hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam.
Còn quá nhiều “rào cản”đối với đường sắt
Theo ông Vũ Anh Minh, hiện việc vận chuyển hàng hóa trên toàn mạng lưới đường sắt đang bị ảnh hưởng do nhiều tỉnh, thành bị phong tỏa, tàu hàng không được dừng tác nghiệp hàng hóa. Trong khi đó, đường sắt có mức độ lây nhiễm thấp, do tàu đường dài chạy trên đường riêng, dễ theo dõi, quản lý, còn tàu đường ngắn chỉ đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để tập kết, trả hàng, không qua nhiều vùng dịch. Vì vậy, Chủ tịch VNR cho rằng cần có cơ chế riêng để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa bằng đường sắt trong mùa dịch.
Mặt khác, hạ tầng đường sắt cũ kỹ cũng như hạ tầng kho bãi chưa được cải thiện, chưa sử dụng được các thiết bị xếp dỡ hiện đại khiến năng lực xếp dỡ thấp, thời gian quay vòng toa xe kéo dài, do đó bỏ lỡ cơ hội khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng trong quy trình vận chuyển, cung ứng. Đây là “rào cản” lớn nhất khiến cho thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt chưa được cải thiện cũng như chưa thu hút được các khách hàng và các luồng hàng đem lại hiệu quả cao khi tham gia sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.
Trong thời gian tới, VNR sẽ tập trung khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có, khai thác tối đa năng lực thông qua của hạ tầng; nâng cấp chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng phục vụ và giảm giá thành... VNR tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xem xét các cơ chế khẩn cấp hỗ trợ ngành Đường sắt Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.