Căng thẳng tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Đầu tư - Hạ tầng 29/09/2022 09:54

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 còn một số dự án thành phần thi công chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhiều vướng mắc kìm hãm tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 - Ảnh 1.

Thi công cầu vượt hồ Yên Mỹ trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Không đánh đổi chất lượng để chạy đua tiến độ

Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đến nay đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng (đạt 100%), cơ bản hoàn thành bản giao mặt bằng, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời, trong đó 2 vị trí cột điện cao thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công 2 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Về triển khai thi công, Bộ GTVT cho biết, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết tháng 8/2022 đạt khoảng 28.076,17/57.075,32 tỷ đồng, tương đương 49,2% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,17%. Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 67,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,25%; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 49,3% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 17,3% giá trị hợp đồng, chậm 4,2%.

Về quản lý chất lượng, Bộ GTVT khẳng định: "Xác định dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm, yêu cầu cao về chất lượng, Ban chỉ đạo của Chính phủ đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA coi việc quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu, không vì chạy theo tiến độ mà bỏ qua chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu của dự án".

Cũng theo Bộ GTVT, việc kiểm soát chất lượng được thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế đến triển khai thi công; từ kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào đến kiểm soát chặt chẽ quy trình thi công, công tác thí nghiệm, nghiệm thu; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại bất cập (nếu có)...

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng, các dự án đều lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm định để kiểm tra độc lập về chất lượng. Đồng thời, dự án được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tổ chức kiểm tra định kỳ, các khuyến cáo của hội đồng trong các đợt kiểm tra đã được các bên liên quan nghiêm túc rà soát, có giải pháp thực hiện, bảo đảm chất lượng của dự án.

Từ ngày 8/9/2022 đến ngày 10/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ của 4 dự án (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) và tham dự Lễ phát động phòng trào thi đua "120 ngày đêm" để khích lệ, động viên các đơn vị nỗ lực, tập trung triển khai thi công.

Nhiều khó khăn, vướng mắc kìm hãm tiến độ

Bộ GTVT cho hay, công tác GPMB là một khó khăn, vướng mắc hàng đầu. Cụ thể, Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều công điện chỉ đạo, các địa phương đã tích cực thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, đến nay mới cơ bản hoàn thành bản giao mặt bằng, vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang được các địa phương và các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật tích cực di dời.

Nhiều vướng mắc kìm hãm tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 - Ảnh 3.

Thi công nền đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Cùng với đó, nguồn vật liệu đắp nền đường cũng là khó khăn nổi cộm. Công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương về mỏ vật liệu của đơn vị tư vấn, ban QLDA còn chưa sát với thực tế. Thủ tục cấp phép khai thác kéo dài, một số địa phương triển khai còn chậm, một số mỏ vật liệu đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được do phải thực hiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí kéo dài,...

Trong khi đó, nhà thầu thi công cũng chưa quan tâm đúng mức để chủ động nguồn vật liệu trong quá trình đấu thầu và thực hiện hợp đồng. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết tháo gỡ về nguồn vật liệu, đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án, hiện chỉ còn đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn 1 mỏ đất (0,794 triệu m3) đã được cấp phép khai thác, hiện chưa hoàn thành thủ tục thuê đất để khai thác đất; đoạn QL45 - Nghi Sơn, mỏ đất tãi xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn cung cấp vật liệu đất đắp nền cho gói thầu XL3 đã được cấp phép khai thác nhưng đang vướng mắc về thủ tục thuê đất.

Một khó khăn, vướng mắc khác được Bộ GTVT chỉ ra là biến động giá vật liệu. Thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chỉ phí đầu tư xây dựng. Đồng thời gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thị công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án cao tốc dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thị công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc với các địa phương để kịp thời công bố chỉ số giá sát với biến động của thị trường để bù đắp chi phí cho nhà thầu.

Cùng với đó, trong thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh thời tiết có diễn biến bất thường, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, làm một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Các hạng mục đắp nền K95, K98 và thảm bê tông nhựa bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết.

Theo Bộ GTVT, đội ngũ cán bộ của một số chủ đầu tư, ban QLDA có năng lực chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án. Một số nhà thầu có năng lực tổ chức thi công, huy động tài chính còn yếu kém dẫn đến chậm tiến độ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.

Ngoài ra, dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án. Đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10/2021, hầu hết các tỉnh đều phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội nên việc huy động các thiết bị đặc chủng thi công và các chuyên gia vận hành, sửa chữa thiết bị đến công trường rất khó khăn. Nhiều mũi thi công, nhiều dự án thành phần phải ngừng thi công do có cán bộ, công nhân bị nhiễm Covid-19, phải cách ly theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, còn một số dự án tiến độ thi công còn chậm.

Xem xét chấm dứt hợp đồng nhà thầu yếu

Chính phủ, Bộ GTVT đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, bước đầu các dự án đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

Bộ GTVT cũng chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Nhiều vướng mắc kìm hãm tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 - Ảnh 5.

Thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án. Theo đó, về khối lượng còn lại của công tác GPMB yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm. 

Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, yêu cầu các địa phương rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các nhà thầu sớm khai thác được vật liệu đắp nền đường. 

Về biến động giá vật liệu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ GTVT cũng tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các ban QLDA, đơn vị tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác GPMB, nguồn vật liệu, bãi đổ thải,… Đồng thời tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ hàng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các ban QLDA có dự án chậm tiến độ; trường hợp dự án không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xem xét thay thế người đứng đầu.

Nhiều vướng mắc kìm hãm tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 - Ảnh 6.

Bộ GTVT kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm, bao gồm việc loại trong đấu thầu từ 3 đến 5 năm

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc như: Yêu cầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh; đẩy nhanh nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc về GPMB, nguồn vật liệu…

"Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA, nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày/tuần/tháng. Bộ GTVT kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng; đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ 3 đến 5 năm đối với dự án do Bộ GTVT quản lý", Bộ GTVT nêu rõ.