Cao tốc Bắc - Nam: Chính phủ báo cáo Quốc hội những gì?

Đường bộ 06/10/2022 17:43

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay (6/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Cao tốc Bắc - Nam: Chính phủ báo cáo Quốc hội những gì? - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Khan hiếm đất đắp, vật liệu thi công tăng phi mã

Thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là tình trạng khan hiếm vật liệu thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, dù các mỏ đất tại khu vực dự án đi qua đáp ứng đủ nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường cho các dự án nhưng các gói thầu, dự án thành phần đồng loạt triển khai đắp nền đường trong cùng một thời gian, thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu xây dựng theo quy định của Luật Khoáng sản gồm nhiều bước với thời gian thực hiện kéo dài từ 9 - 15 tháng nên ở giai đoạn đầu triển khai thi công, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho các dự án thành phần không đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công.

Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 ngày 16/6/2020 và Nghị quyết 133 ngày 19/10/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án.

Các Nghị quyết của Chính phủ đã tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác và thủ tục đấu giá quyền khai thác các mỏ vật liệu. Theo đó, các địa phương đã rút giảm được thời gian triển khai thực hiện nâng công suất khai thác và cấp phép bổ sung.

Tuy nhiên, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến tháng 4/2022 mới khai thác được mỏ đầu tiên, riêng mỏ Hòn Lúp công suất 0,794 triệu m3 mới bắt đầu được khai thác. Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, đến cuối tháng 2/2020, tỉnh Đồng Nai mới giải quyết xong thủ tục khai thác nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện hai dự án này.

Tiếp theo là tình trạng biến động giá vật liệu xây dựng, trong giai đoạn từ cuối quý IV/2020 đến quý I/2022, giá nhiên liệu, một số loại vật liệu xây dựng có biến động tăng lớn (xi măng, đá các loại, nhựa đường có mức tăng giá trên 20%, đặc biệt có những vật liệu như thép, nhiên liệu tăng giá 80%-90%) nằm ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa phản ánh được mức độ biến động giá, dẫn đến các nhà thầu khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã có các văn bản và Nghị quyết 13 giao Bộ Xây dựng hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia đã giao Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thép xây dựng, tránh việc "đầu cơ, găm hàng, thổi giá" thép. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng với các bộ ngành, địa phương rà soát quy hoạch, hỗ trợ vật liệu xây dựng để xác định nguồn cung về vật liệu xây dựng.

"Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo báo cáo của Bộ Xây dựng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Cao tốc Bắc - Nam: Chính phủ báo cáo Quốc hội những gì? - Ảnh 2.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Nhiều nhà thầu thi công chậm đã bị cắt chuyển khối lượng

Đánh giá tiến độ hoàn thành các dự án thành phần, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15,2km, đây là tuyến cao tốc được đầu tư mở rộng từ đường hiện hữu, phạm vi và khối lượng GPMB nhỏ; dự án đã cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác, sử dụng đầu năm 2022, cơ bản đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết 52/2017/QH14.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn hiện đang triển khai thi công, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 94,76% tổng giá trị các hợp đồng, dự kiến hoàn thành công tác xây lắp, thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 10/2022, đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2022, chậm so với tiến độ theo Nghị quyết 52/2017/QH14.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện, gồm: Ảnh hưởng của bão lũ khu vực miền Trung từ tháng 9/2020 - tháng 1/2020 và ảnh hưởng của thời tiết bất thường; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp (các gói thầu XL5, XL6, XL11); chậm trễ trong công tác GPMB đối với những đoạn phải xử lý nền đất yếu (gói thầu XL6, XL8). Ngoài ra, dự án chậm tiến độ do một số nhà thầu chưa huy động kịp thời về nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị để triển khai thi công bù lại khối lượng đã bị chậm.

"Căn cứ quy định hợp đồng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có văn bản khiển trách 7 nhà thầu, yêu cầu nhà thầu thay thế chỉ huy trưởng công trường đối với 1 nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với 1 nhà thầu. Đồng thời, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu rà soát tổng thể tiến độ, có giải pháp tăng cường tăng ca, bổ sung nhân lực, trang thiết bị,... để bù lại tiến độ phần công việc đã bị chậm.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, hiện nay đang triển khai thi công, khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 59,4% tổng giá trị các hợp đồng; dự kiến hoàn thành công tác xây lắp, thông xe kỹ thuật cuối tháng 12/2023, chậm so với tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết 52/2017/QH14.

Nguyên nhân lùi tiến độ là do Cầu Mỹ Thuận 2 có kết cấu nhịp cầu dây văng với chiều dài nhịp lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, công trình cấp đặc biệt nên công tác khảo sát, lập và thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật gói thầu XL.03B (thi công trụ và kết cấu nhịp cầu dây văng mất nhiều thời gian (khoảng 25 tháng) so với các gói thầu khác của dự án (khoảng 10-12 tháng) do cần phải lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra nước ngoài để rà soát, tính toán đối chứng để làm cơ sở thẩm định thiết kế công trình.

Ngoài ra, do tính chất phức tạp về kỹ thuật nên tổng thời gian để thi công công trình dự án là 40 tháng, so với công trình cầu lớn có yêu cầu kỹ thuật tương tự như cầu Cao Lãnh, thời gian thi công đã rút ngắn 2 tháng.

Cao tốc Bắc - Nam: Chính phủ báo cáo Quốc hội những gì? - Ảnh 3.

Thi công cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Quyết tâm thông tuyến 4 dự án thành phần vào cuối năm 2022

Đề cập đến 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến tháng 7/2021 cả 3 dự án này đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Các dự án hiện đang triển khai thi công. Theo kế hoạch, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 5/2024, đoạn Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 9/2023, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 3/2024.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tiến độ thực hiện các dự án đang chậm so với tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết 52/2017/QH14. Nguyên nhân do hình thức đầu tư phức tạp, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có sự thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu rộng rãi quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước; quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng các dự án theo phương thức PPP diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt Luật Đầu tư theo phương thức PPP mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 dẫn đến thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng các dự án bị kéo dài….

Đối với 3 dự án thành phần có mốc tiến độ theo Nghị quyết số 117/2020/QH14, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua chuyển đổi phương thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công vào tháng 6/2020 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP để triển khai, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục liên quan để lựa chọn nhà thầu thi công.

Cao tốc Bắc - Nam: Chính phủ báo cáo Quốc hội những gì? - Ảnh 4.

Thi công cầu vượt hồ Yên Mỹ trên cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Đến tháng 9/2020, cả 3 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã được khởi công để triển khai thi công trên công trường. Kết quả thi công đến nay, khối lượng thực hiện đoạn Mai Sơn - QL45 đạt khoảng 69,5%, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt khoảng 50,65% và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt khoảng 56,32% tổng giá trị các hợp đồng.

Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện tiến độ thi công đang chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất đắp nền đường, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA7 thực hiện cắt chuyển khối lượng tổng cộng 16,5km của 3 nhà thầu và 7 tổ đội thi công yếu kém, yêu cầu các nhà thầu bổ sung thiết bị, nhân lực, các mũi thi công. Đồng thời tăng ca, tăng kíp thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo hoàn thành công tác thi công xây lắp vào cuối tháng 12/2022.

Đầu tháng 9/2022, Bộ GTVT đã phát động phong trào thi đua "120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022". Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công ký cam kết thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm thông xe kỹ thuật 4 dự án vào cuối năm 2022, cơ bản đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết 117/2020/QH14.

Cuối cùng là 2 dự án thành phần có mốc tiến độ theo Nghị quyết 1213/NQ-UBTVQH14, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chuyển đổi phương thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công vào tháng 2/2021 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP để triển khai, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục liên quan để lựa chọn nhà thầu thi công.

Đến tháng 7/2021, hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã được khởi công để triển khai thi công trên công trường. Kết quả thi công đến nay, khối lượng thực hiện đoạn QL45 - Nghi Sơn đạt khoảng 52,53% và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đạt khoảng 47% tổng giá trị các hợp đồng. "Tiến độ thi công 2 dự án cơ bản đang được kiểm soát đáp ứng kế hoạch hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 7 - tháng 8/2023 và đưa vào sử dụng trong năm 2023, đáp ứng tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết 1213/NQ-UBTBQH14", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Trong báo cáo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

"Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với Đoàn ĐBQH các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng, dịch vụ, giá vật liệu xây dựng, chống việc lợi dụng tăng giá, ép giá; công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng sát với biến động của thị trường", báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, các địa phương rà soát tiến độ công tác GPMB và thi công các dự án thành phần để điều chỉnh thời gian xây dựng cho phù hợp, sớm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các dự án, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.