Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, suất đầu tư 10,8 triệu USD/km 4 làn xe, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5 - 11,4% trong thời gian 30 năm. |
Từ ngày 1/4 tới, phí lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 sẽ được điều chỉnh tăng thêm, thay vì áp dụng ưu đãi như một số tuyến khác khi mới đưa vào khai thác.
Theo thông báo của đơn vị quản lý khai khác 2 tuyến đường này là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), từ 1/4/2016, doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh tăng 25% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tăng 50% đối với quốc lộ 5.
VIDIFI cho biết, từ những năm sau mức phí đường cao tốc sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng giảm hàng năm, trong đó mức phí quốc lộ 5 cứ 3 năm tăng 18% theo quy định của Chính phủ.
Đối với quốc lộ 5, mức phí áp dụng từ 1/4 tăng bình quân 50% so với mức thu trước kia. Riêng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40feet (xe loại 5) thì mức tăng là 25% so với trước. Mức phí cao nhất của tuyến đường này là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé 200.000 đồng/lượt và thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng/lượt.
Nguồn thu phí quốc lộ 5 được sử dụng để thực hiện duy tu, đảm bảo an toàn giao thông và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT.
Đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, từ ngày 1/4 sẽ không thực hiện giảm phí 25% cho giai đoạn đầu khai thác nữa, mức thu phí đường cao tốc là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương đương với mức thu phí đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã áp dụng từ năm 2015.
Cụ thể, mức phí đối với loại xe con đi từ thành phố Hải Phòng (tỉnh lộ 353) đến đường vành đai 3 (Hà Nội) là 190.000 đồng/xe.
Riêng mức phí đối với các loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet đợt này không những không tăng mà còn được giảm thêm 10% so với mức thu phí trước đây để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lớn sử dụng đường cao tốc. Mức phí cao nhất đối với xe tải loại 5 áp dụng từ nút giao vành đai 3 đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ) và ngược lại là 760.000 đồng/xe.
Lý giải cho việc tăng phí này, Chủ tịch VIDIFI Đào Văn Chiến cho biết, nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng.
Theo ông Chiến, hiện nay, lượng xe lưu thông của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày có khoảng 17.000-18.000 lượt xe, mức phí bình quân 1,7 -1,8 tỷ đồng; Quốc lộ 5 thì khoảng 11.000 lượt xe, tiền phí thu về khoảng 1 tỷ đồng. Tổng mức thu phí của cả 2 tuyến đường do VIDIFI quản lý là 2,8 tỷ đồng/ngày.
Lãnh đạo của VIDIFI cũng cho hay, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, suất đầu tư 10,8 triệu USD/km 4 làn xe, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5 - 11,4% trong thời gian 30 năm. Dự án được thông xe toàn tuyến vào tháng 12/2015, trong đó thu phí một số đoạn tuyến trước đó 2 tháng.
Trao đổi với báo giới mới đây về kế hoạch tăng phí của 2 tuyến đường trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nói rằng, mức phí Bộ này đã trình Bộ Tài Chính, do đó trong việc xây dựng phương án tài chính phải thực hiện đúng thì mới hoàn vốn được cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Trường, nhà đầu tư phải luôn luôn thực hiện việc thu hút được lượng xe vào tuyến đường đó, mức phí phải phù hợp với thị trường
“Việc tăng phí này, theo nhu cầu của người sử dụng, nếu tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lên mà vắng xe thì sẽ điều chỉnh giảm xuống”, Thứ trưởng Trường nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.