Cấp thiết khắc chế xe quá tải- bài 1: Thực trạng nhức nhối

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/10/2021 06:36

Lợi dụng tình hình dịch bệnh xe quá tải tiếp tục bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước gây nhức nhối dư luận hội trong thời gian vừa qua.

 

2014-05-21 08.35.19

Trạm kiểm soát lưu động Hà Nam cân tải trọng xe trên QL1

Nhiệm vụ bất khả thi?

Sau khi kết thúc Kế hoạch phối hợp 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT về kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), thực trạng xe quá tải chỉ còn khoảng 10 - 12%, đa số là các xe tải nhỏ vận chuyển các tuyến ngắn, tập trung ở những mỏ vật liệu... Đây là kết quả đáng mừng khi hiệu quả mang lại từ sự phối hợp giữa hai ngành chủ lực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong đó có kiểm soát tải trọng phương tiện. Tuy nhiên thời gian gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có diễn biến phức tạp. Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, hiện tượng xe quá khổ quá tải tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến đường bộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường dân sinh và các tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho cảng, bến bãi... gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, làm mất trật tự, ATGT và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Đặng Văn Trung - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN) cho biết, đây là thực trạng đáng buồn trong công tác KSTTX. Điển hình trong tháng 9/2021, qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân qua đường dây nóng của Tổng cục, tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng. Tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải lưu thông công khai trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường địa phương. Ví dụ, tại mỏ đất xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, mỗi ngày có hàng trăm xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng chở đất lưu thông trên ĐT284; xe ben chở vật tư vật liệu xây dựng quá tải phục vụ dự án sân golf Việt Yên lưu thông trên các tuyến đường xã Trung Sơn, huyện Việt Yên. Tại Thái Nguyên, trên QL3 mới, xe ben cơi nới kích thước thành thùng, chở đá quá tải lưu thông từ Thái Nguyên về TP. Hà Nội và xe cơi nới thành thùng chở than, cát, đá từ cảng Đa Phúc, thị xã Phổ Yên lưu thông trên QL3. Tại Hải Dương, xe tải, xe ben chở vật liệu xây dựng lưu thông trên ĐT392 và các tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua huyện Bình Giang. Các địa phương khác như Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, tình trạng xe quá tải chở vật liệu xây dựng diễn ra phổ biến.

Đối với các tỉnh khu vực miền Trung, nổi lên có Quảng Ngãi, Bình Định, các xe quá tải, xe cơi nới thành thùng chở đất quá tải tại các mỏ đất tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) phục vụ thi công dự án đường ven biển thuộc xã Mỹ Chánh, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Cá biệt, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, không có giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung giấy phép lưu hành hoặc sử dụng giấy phép giả vẫn được xuất bến, xếp hàng và ra khỏi các cảng, lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là trên QL1.

Đơn độc chống xe quá tải

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng, sau khi kết thúc Kế hoạch phối hợp

Trong tháng 9 đầu năm 2021, các trạm KSTTX lưu động, cố định trên cả nước đã kiểm tra 3.392 xe, trong đó có 279 xe vi phạm; lực lượng chức năng đã ra quyết định tước 72 giấy phép lái xe, xử phạt nộp ngân sách nhà nước 1,52 tỷ đồng.

12593 giữa lực lượng CSGT và TTGT, công tác KSTTX dồn hết lên ngành GTVT mà ở đây là lực lượng TTGT. Trong nhiều năm qua, lực lượng TTGT phải căng mình vừa đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, vừa phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác của địa phương. TTGT các sở GTVT chỉ KSTTX trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương nên các chủ xe, lái xe lợi dụng tình hình đã chở quá tải, nhất là ở nơi có các mỏ vật liệu, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp... Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện việc giảm đầu mối, giảm biên chế, không bố trí được kinh phí để duy trì trạm KSTTX nên đã trả lại trạm cân cho Bộ GTVT như các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Đắk Nông, Phú Yên... và giải thể trạm cân. Bên cạnh đó, lực lượng mỏng, kinh phí không đảm bảo, lực lượng TTGT các địa phương cũng như các đội thanh tra chuyên ngành của các cục quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đến các điểm mỏ vật liệu, cảng bến kiểm tra, nhưng cũng không thể làm xuể khi lợi nhuận từ việc chở hàng quá tải là rất lớn. Lợi nhuận thì chủ xe, chủ hàng được hưởng, trong khi Nhà nước mất hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để sửa chữa, duy tu đường sá, cầu cống... Cũng phải nói rằng, việc các địa phương không duy trì các trạm cân đã tạo cơ hội cho lái xe, chủ xe tiếp tục vi phạm chở hàng quá tải.

Theo ông Đặng Văn Trung, việc xe quá tải bùng phát trở lại thời gian vừa qua cũng một phần do chủ xe, lái xe lợi dụng việc lực lượng chức năng phải tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19... Tổng cục ĐBVN hàng tháng có văn bản gửi chủ tịch UBND, ban ATGT các địa phương có xe quá tải để phối hợp xử lý và nhiều địa phương đã có phản hồi tích cực song sự chuyển biến là không nhiều, đây cũng là khó khăn trong công tác KSTTX. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, hiện tượng xe “vua”, xe dán logo vẫn còn tái diễn gây mất ATGT, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, ngành Đường bộ cùng các địa phương trong thời gian qua đã nỗ lực tích cực KSTTX, tuy chưa được giải quyết triệt để nhưng đã hạn chế rất nhiều phương tiện chở hàng quá tải bởi lợi nhuận đem lại cho chủ xe, chủ hàng quá lớn nên nhiều doanh nghiệp, chủ xe cố tình chở hàng quá tải. Bên cạnh đó, sự vào cuộc chưa quyết liệt của ngành, địa phương dẫn đến tình trạng này bùng phát trở lại, thậm trí vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh những địa phương giải thể trạm cân thì rất nhiều địa phương vẫn bố trí kinh phí, nhân lực duy trì các trạm KSTTX như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... Do đó, việc KSTTX không chỉ có ngành Đường bộ vào cuộc mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa TTGT, CSGT, đặc biệt là cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các địa phương thì mới chấm dứt được vấn nạn “giặc quá tải”, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận