Câu chuyện taxi và yêu cầu cải cách của Chính phủ

Cải chính 06/02/2016 09:00

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đang rất trông đợi việc cải cách toàn diện các điều kiện kinh doanh theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

Hiện đang có những ý kiến khác nhau về điều kiện kinh doanh vận tải taxi theo yêu cầu tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô. Theo đó, từ 1/1/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe, riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.

Không ít ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không cần thiết, thậm chí còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia thị trường. Và vấn đề cốt lõi cần quản lý đối với loại loại hình vận tải nói chung, kinh doanh taxi nói riêng là tuân thủ nghiêm túc mọi điều kiện cần thiết về an toàn, về vệ sinh môi trường, chứ không phải là nhiều hay ít xe.

Câu chuyện taxi và yêu cầu cải cách của

Vấn đề không mới

Thực tế, đây không phải vấn đề mới và đã được các cơ quan chức năng nhận diện. Luật Đầu tư năm 2014 đã liệt kê chi tiết 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ rõ, các điều kiện kinh doanh chỉ được đặt ra trong các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Về phía Chính phủ, tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu phải cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Tại Nghị quyết số 59/NQ-CP về thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành rà soát, đánh giá tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo nguyên tắc: bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết và không hợp lý, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư.

Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ KHĐT, một số Bộ, ngành đã coi việc rà soát văn bản pháp luật, trong đó có văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh là hoạt động thường xuyên và được triển khai ngay khi có căn cứ rà soát văn bản nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ KHĐT, thì hiện vẫn tồn tại nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Trong một báo cáo gửi Chính phủ hồi cuối tháng 12/2015, Bộ này nhắc tới một số ví dụ, như các quy định yêu cầu số lượng tối thiểu phương tiện, thiết bị, diện tích kho bãi, số lượng người có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu chung chung về người điều hành doanh nghiệp phải có đủ kinh nghiệm chuyên môn, yêu cầu địa điểm kinh doanh thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng…

Và đây không chỉ là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp trong nước. Tại Diễn đàn Đối tác phát triển diễn ra cuối năm 2015, báo cáo đề dẫn về thể chế thị trường từ đối tác Australia đã chỉ ra rằng không ít điều kiện kinh doanh không đáp ứng được yêu cầu của Luật Đầu tư và tạo ra rào cản gia nhập thị trường. Đối tác này nhắc tới một ví dụ, đó là việc yêu cầu doanh nghiệp phải có kho chứa 5.000 tấn và vài năm kinh nghiệm mới được tham gia xuất khẩu gạo và nhận xét rằng quy định như vậy sẽ loại bỏ cơ hội xuất khẩu các loại gạo đặc sản với khối lượng nhỏ hơn nhưng giá cao hơn.

Những rào cản với doanh nghiệp

Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia vể vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc tới nhiều dự thảo Nghị định khác có các quy định về điều kiện kinh doanh đang được các bộ ngành xây dựng, như dự thảo Nghị định về quản lý thức ăn chăn nuôi và dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y. Ông Cung cũng nhắc tới một số Nghị định đang có hiệu lực, như Nghị định về các điều kiện xuất khẩu gạo.

“Điểm rất tích cực là thay vì tự ban hành các thông tư quy định điều kiện kinh doanh như trước đây, nhiều Bộ đã nhận thức được thẩm quyền của mình theo Luật Đầu tư. Do đó, họ đã chủ động xây dựng các dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, với quy trình xây dựng, lấy ý kiến chặt chẽ hơn”, ông Cung nhận định. Tuy nhiên, vị Viện trưởng cho rằng cần xem lại tính hợp lý, tính cần thiết của không ít các điều kiện kinh doanh.

Theo ông Cung, việc đặt ra các quy định về số lượng phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất… tối thiểu là không phù hợp với kinh tế thị trường. Trước hết, các yêu cầu này khiến doanh nghiệp phải chịu một chi phí rất lớn để khởi nghiệp và hạn chế rất nhiều tính năng động, sáng tạo của người dân.

Chẳng hạn, yêu cầu doanh nghiệp phải có nhà kho có diện tích tối thiểu một nghìn hay hai nghìn mét vuông, trong khi trên thực tế, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đi thuê, thậm chí nếu tổ chức tốt để chuyển trực tiếp hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, doanh nghiệp có thể hoàn toàn không cần nhà kho. “Đó chính là một nền kinh tế chia sẻ, một phương thức kinh doanh hiện đại, nhờ sự kết nối thông tin giữa các bên”, ông Cung nói.

Việc yêu cầu số lượng tối thiểu thiết bị hay phương tiện cũng không phù hợp với yêu cầu thực tế. Chẳng hạn nhiều thị trường nhập khẩu gạo như Singapore chỉ có nhu cầu rất nhỏ về một loại gạo nào đó và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp được cho phân khúc rất hẹp này cũng đã “sống khỏe”. Hay một tỉnh miền núi chỉ có nhu cầu một lượng gas nhất định. Thế nhưng theo các điều kiện hiện hành, thì doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về số lượng trang thiết bị hay cơ sở vật chất và từ đó, dẫn tới lãng phí nguồn lực vì không sử dụng hết. Và việc hạn chế các doanh nghiệp mới tham gia thị trường chính là một nguyên nhân giá cước vận tải của Việt Nam không giảm giá tương ứng với giá dầu thế giới.

Theo ông Cung, các quy luật của thị trường sẽ đương nhiên buộc doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện này hay điều kiện khác. Vấn đề nằm ở chỗ, có cần thiết hay không, có phù hợp hay không là do thị trường, do doanh nghiệp quyết định, chứ không phải là do cơ quan nhà nước quyết định. “Nếu do cơ quan nhà nước quyết định thì nhiều khi chỉ thiếu một cái bóng đèn, thậm chí thiếu một cái bút… cũng là không phù hợp và như vậy sẽ đặt doanh  nghiệp vào thế rủi ro vô cùng lớn, thậm chí nơm nớp lo sợ”, ông Cung phân tích. Về phía cơ quan quản lý, chỉ nên và chỉ được đặt ra điều kiện, đặt ra rào cản trong những trường hợp mà Luật Đầu tư đã chỉ rất rõ.

Trở lại với điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Cách đây chưa lâu, Bộ GTVT đã hết sức cương quyết bãi bỏ yêu cầu các doanh nghiệp phải xin phép các Sở GTVT – một loại “giấy phép con” trong kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, bất chấp phản ứng của nhiều Sở. Hành động cải cách quyết liệt này của Bộ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng được đánh giá là một điển hình rất tích cực trong việc rà soát điều kiện kinh doanh, với việc ban hành Quyết định số 4215/QĐ-BGTVT triển khai công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông vận tải năm 2015 – 2016.

Có thể còn phải tranh cãi nhiều về tính hợp lý, tính cần thiết của các điều kiện kinh doanh trong từng ngành nghề, nhưng nhìn tổng quan, cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi việc cải cách toàn diện các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ và điều đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ, thực chất hơn của các bộ ngành.

Ý kiến của bạn

Bình luận