Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN |
Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN về vấn đề này.
THỎA LÒNG MONG ƯỚC NGÀN ĐỜI
PV: Xin ông cho biết về tiến độ thực hiện Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh?
Ông Phạm Quang Vinh: Tính đến thời điểm này, Đề án xây dựng 186 cầu treo tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã thực hiện đúng tiến độ, đến cuối tháng 6 sẽ có 187 cầu được đưa vào sử dụng, tăng 1 cầu so với tính toán ban đầu (cầu Nam Công - Hà Nam). Điều này cho thấy sự nỗ lực của Tổng cục ĐBVN, tư vấn thiết kế, các nhà thầu đã vượt qua mọi khó khăn về địa hình, địa chất, thời tiết và sự ủng hộ của Bộ GTVT, các nhà hảo tâm đã đóng góp để có thể thực hiện đúng tiến độ của Đề án. Đáp ứng lòng mong mỏi của hàng vạn hộ dân có một cây cầu vượt sông, vượt suối để đi lại an toàn hơn trong mùa mưa lũ. Tôi là người trực tiếp đi khảo sát rất nhiều cây cầu, tiếp xúc với người dân cũng như chính quyền địa phương có thể thấy một điều, mong ước có một cây cầu chính là khát vọng, lòng mong mỏi ngàn đời của người dân nơi đây. Ngoài các yếu tố thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế của vùng đồng bào khó khăn còn góp phần không nhỏ trong việc ổn định xã hội, an ninh, quốc phòng.
PV: Lâu nay, Bộ GTVT thực hiện các công trình dự án lớn mà “quên” thực hiện những dự án nhỏ như thế này?
Ông Phạm Quang Vinh: Nói thế không phải, vì theo Luật Ngân sách và từ xưa đến nay, Bộ GTVT chỉ thực hiện làm chủ đầu tư các dự án có yếu tố kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn, còn cầu treo được giao cho địa phương làm chủ đầu tư, khảo sát và thiết kế theo nhu cầu của địa phương. Tuy nhiên, Đề án
xây dựng 186 cầu treo tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đều là địa bàn đặc biệt khó khăn, có tính cấp bách và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt. Bộ GTVT ngoài nguồn vốn được cấp đã tổ chức kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành GTVT để thực hiện chương trình hết sức có ý nghĩa này với yêu cầu đưa công trình về đích đúng tiến độ, trong điều kiện vừa tiến hành khảo sát vừa thi công… Liên quan đến chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, hiện đã huy động được trên 400 tỷ đồng (tương đương với 100 cầu).
Ảnh minh họa |
TIẾT KIỆM CHI PHÍ ĐỂ XÂY NHIỀU CẦU HƠN
PV: Theo ông đâu là những mặt được và những điều cần hoàn thiện khi kết thúc giai đoạn I của Đề án này để triển khai hàng loạt cầu trong giai đoạn II?
Ông Phạm Quang Vinh: Trong suốt quá trình thực hiện giai đoạn I của Đề án, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Bộ GTVT, UBND các tỉnh và đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong việc hiến đất làm cầu. Tiếp đến là có được kinh nghiệm triển khai nhanh các thủ tục liên quan đến khảo sát thiết kế, chọn đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn thi công, nhà thầu xây lắp. Qua công tác kiểm tra hiện trường, các cầu về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chúng tôi biết được chính xác nhu cầu sử dụng thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Bên cạnh đó, từ cách làm cầu mới thay thế được cách thức làm cầu cũ của người dân khi làm cầu vượt sông, không đảm bảo yếu tố kỹ thuật, mất an toàn. Cách làm mới này đặc biệt phù hợp với an sinh xã hội tại các vùng lõm về giao thông, kinh tế. Chính vì thế mà anh em khi triển khai đã đi hết các vùng miền khảo sát, làm việc với tinh thần cao nhất. Những cây cầu được xây dựng với kết cấu như hiện nay thì tuổi thọ được kéo dài trên 25 năm, thiết kế vượt đỉnh lũ cao nhất tại địa phương… Đây là những cây cầu mặc dù vốn đầu tư rất ít nhưng tính hiệu quả đem lại là rất to lớn trong phát triển kinh tế, cân đối vùng miền, ổn định an sinh xã hội.
Qua thực hiện giai đoạn I của Đề án, theo tôi cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sự mong mỏi từ ngàn đời nay của đồng bào vùng khó khăn.
Thứ nhất là kiểm soát lại các vấn đề liên quan đến thiết kế của Thông tư 11/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT về Hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh theo hướng tiết kiệm hơn nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để làm được nhiều cầu hơn. Ví dụ như cải tiến một số yếu tố liên quan đến nền móng, chống rung lắc, chi tiết cấu kiện…
Thứ hai là rút kinh nghiệm trong thiết kế và thi công vì trong thực tế nhiều cấu kiện như bu lông, ốc vít, thanh giằng, cáp chịu lực… đơn giản như vật tư nhập ngoại của cầu không nhiều như cáp, khâu thí nghiệm hiện nay chúng ta thực hiện quá nhiều gây lãng phí, vì nếu một lô cáp nhập về đảm bảo cho thực hiện 50 lần thì chúng ta chỉ tiến hành thí nghiệm 1 - 2 lần, không phải thực hiện nhiều như hiện nay gây tốn kém và không hợp lý.
Để tiến hành lắp đặt hàng ngàn cây cầu ở giai đoạn II, theo tôi cần phải công nghiệp hóa sản xuất hàng loạt những cấu kiện đúc sẵn ở phần trên của cầu, nên đặt hàng tại các nhà máy, mỗi nhà máy sản xuất vài trăm cái. Nhà thầu thi công chỉ việc thi công phần móng và trụ cầu, còn cấu kiện phần trên đến nhà máy nhận hàng và đi lắp ráp. Có như vậy sẽ đảm bảo chất lượng và giảm giá thành để chúng ta có thể dùng nguồn này đầu tư cho vùng khác có điều kiện kinh tế khó khăn.
NHIỀU NHÀ THẦU, NHIỀU TƯ VẤN THIẾT KẾ CÙNG THAM GIA
PV: Nhìn lại giai đoạn I của Dự án, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung nổi lên như một nhà thầu có đủ năng lực thi công, tuy nhiên lý do gì khiến nhà thầu này phải chia thị phần cho các nhà thầu khác, thưa ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Phải nói rằng Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung là một nhà thầu mạnh vì họ có kinh nghiệm về cơ khí, nên lúc đầu Bộ GTVT giao cho đơn vị này cả thiết kế và thi công. Tuy nhiên qua triển khai một vài công trình, Cơ khí Quang Trung tỏ ra lúng túng trong thiết kế và thi công, trong đó có nhiều hạng mục chưa hợp lý. Cơ khí Quang Trung chỉ mạnh thực sự trong sản xuất cơ khí, do đó nếu đơn vị này thi công toàn bộ thì sẽ lụt tiến độ vì thi công cầu treo trên một địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã có sự điều chỉnh, giao quyền thiết kế chủ yếu cho Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT, Viện KH và CN GTVT…, còn các nhà thầu được mở rộng với nhiều đơn vị cùng tham gia, trong đó có Cơ khí Quang Trung. Chúng tôi vẫn khuyến cáo các nhà thầu nên sử dụng các cấu kiện đúc sẵn, sản xuất hàng loạt để giảm giá thành… để có thể xây thêm được nhiều cầu hơn nữa, vì đây là chương trình dành cho đồng bào ở những vùng khó khăn, càng sớm đưa vào sử dụng ngày nào đồng nghĩa với đáp ứng sự khát khao mong mỏi của người dân đến sớm ngày đó.
PV: Được biết, trong một số cầu của giai đoạn I được chuyển sang giai đoạn II của Đề án, ông có thể cho biết lý do?
Ông Phạm Quang Vinh: Đây là những cầu lớn có khẩu độ trên 120m và được thiết kế đặc biệt như cầu Thà Tò - Lạng Sơn, cầu Con Nu - Kon Tum, cầu Sảo Phong - Quảng Bình. Những cầu này không nằm trong thiết kế mẫu, do đó Tổng cục ĐBVN đã báo cáo Bộ GTVT vẫn cho tiếp tục thi công nhưng được hoàn thành trong giai đoạn II của Đề án. Như vậy, kết thúc giai đoạn I của Đề án có 187 cầu được đưa vào khai thác, trong giai đoạn II sẽ có gần 300 cầu treo sẽ được xây dựng. Tôi xin nhắc lại, đây là một đề án mang ý nghĩa xã hội rất lớn, nó hướng đến vùng kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, do đó chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để ước vọng của nhân dân được thực hiện một cách nhanh nhất, chất lượng nhất và hiệu quả nhất. Song song giai đoạn I, chúng tôi đã khởi công gần 40 cầu của giai đoạn II và đến 30/3/2016 sẽ hoàn thành giai đoạn II o
PV: Xin cảm ơn ông
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.