Chỉ định thầu cao tốc Bắc- Nam thế nào?- Bài 2: Nhất cử đa lợi

Tác giả: Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 22/09/2022 09:30

Bên cạnh khắc phục những tồn tại trong quy định đấu thầu, ưu điểm lớn nhất của quy định chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, rộng cửa cho các nhà thầu tham ra dự án, lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực.

Nhà thầu thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Nhà thầu thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Giải quyết những nhược điểm trong đấu thầu

Triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ GTVT khẳng định: "Nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ GTVT về kết quả thực hiện".

Theo ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), về bản chất, chỉ định thầu được áp dụng đối với những công trình mang tính cấp bách, đặc biệt quan trọng, đòi hỏi tính hiệu quả về thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn, trong đó có tính minh bạch...

"Ưu điểm lớn nhất khi chỉ định thầu là sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu, đồng thời giúp doanh nghiệp, nhà thầu chủ động công việc. Bởi, trong quá trình chờ các khâu trình duyệt, doanh nghiệp vẫn có thể triển khai song song một số bước chuẩn bị tiếp theo", ông Sơn phân tích và cho rằng, đây là điều khác biệt so với đấu thầu. Bởi trong quá trình đấu thầu, các doanh nghiệp không thể chủ động thực hiện các bước chuẩn bị dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện.

Ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phân tích thêm, ưu điểm của chỉ định thầu là nhanh chóng tìm đúng người, đúng việc, tăng được tiến độ triển khai dự án. Ngược lại, nếu đấu thầu thì thời gian kéo dài và thời gian hoàn thành dự án sẽ chậm.

"Để quyết định chọn hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu thì cần căn cứ vào mục tiêu của dự án. Nếu tiến độ dự án cấp bách thì chỉ định thầu sẽ là giải pháp tối ưu và giải quyết được những nhược điểm kéo dài thời gian của đấu thấu", ông Khôi khẳng định.

Dẫn chứng tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 trước đây, ông Khôi nói: "Công trình này áp dụng phương thức chỉ định thầu nên đạt được kỳ tích chưa từng có, tiến độ triển khai thần tốc, vượt cả mục tiêu hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Ban đầu, thời gian triển khai xây dựng dự án dự kiến từ năm 2014 - 2016, nhưng sau khi được chỉ định thầu, dự án triển khai nhanh, chỉ thi công từ năm 2013 - 2015 đã cơ bản hoàn thành, rút ngắn thời gian hoàn thành từ 1 - 1,5 năm".

Lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực

Cá nhân tôi luôn ủng hộ chỉ định thầu một cách công khai, minh bạch, bởi đây là giải pháp rất hiệu quả. Tuy nhiên, để chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam thì cơ quan chức năng phải tăng cường công tác giám sát, kiểm soát phải nghiêm minh, không toan tính, không lợi ích nhóm, không tư túi... Nhà thầu được chọn phải chứng minh cho các "đối thủ" rằng, mình là doanh nghiệp làm ăn tử tế.

PGS. TS. Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Theo PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), mục đích cuối cùng của việc lựa chọn nhà thầu là tìm được các nhà thầu (đấu thầu, chỉ định thầu) có năng lực phù hợp đảm bảo tiến độ, chất lượng và giá thành của công trình. 

"Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu những năm qua có nhiều điều chưa đạt được như kỳ vọng. Dễ thấy nhất là việc đấu thầu quá chú trọng vào giá thành. Nói cách khác, đấu thấu trong thời gian qua chẳng khác nào đấu giá", ông Chủng nói và cho biết thêm, nhiều dự án khi đấu thầu giảm giá được mấy chục tỷ đồng, thậm chí vài trăm tỷ đồng nhưng chất lượng sản phẩm cuối cùng lại không như mong muốn thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Theo PGS. TS. Trần Chủng, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng quốc gia, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra cơ chế đặc biệt - chỉ định thầu, đồng thời nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân nên việc lựa chọn nhà thầu và triển khai thực hiện dự án quan trọng này dứt khoát không được xảy ra tình trạng chậm tiến độ, công trình thi công kém chất lượng. "Cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình", ông Chủng nhấn mạnh và cho biết thêm, lựa chọn được nhà thầu là điều quan trọng nhưng giám sát sau khâu đó còn quan trọng hơn rất nhiều, vì vậy các cơ quan phải làm bài bản, khoa học.

Chỉ định thầu không có cơ chế "xin - cho"

Thực tế trong dư luận có lo lắng rằng, khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu rất dễ dẫn tới cơ chế "xin - cho". Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TEDI cho rằng, chỉ định thầu có thể hiểu đơn giản là đấu thầu có một nhà thầu. Nhà thầu này vẫn phải vượt qua hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí, đồng thời phải trình hồ sơ chứng minh năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu của dự án; khả năng tổ chức sản xuất; khả năng đáp ứng về mặt thời gian thực hiện; khả năng đáp ứng các yêu cầu về con người, máy móc, thiết bị thi công; cam kết tiết giảm 5% so với dự toán.

"Khi đáp ứng đủ hàng loạt tiêu chuẩn, tiêu chí thì nhà thầu mới đủ tư cách để được chỉ định thầu. Vì vậy, chỉ định thầu không phải là chỉ đích danh mỗi tên công ty, không phải là "xin - cho", không phải doanh nghiệp dựa dẫm vào cơ chế", ông Sơn nói.

Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, dù đấu thầu hay chỉ định thầu, các doanh nghiệp vẫn phải khẳng định mình đáp ứng được yêu cầu của dự án. Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng công trình giao những năm gần đây liên tục đưa những "góc khuất" ra "ánh sáng" nên môi trường cạnh tranh không còn những yếu tố tiêu cực nổi cộm như trước.

Hiện nay, lĩnh vực xây dựng công trình giao thông không còn hấp dẫn như trước đây vì phải chịu nhiều sức ép về đơn giá, định mức... nên doanh nghiệp rất khó khăn. "Đơn giá bây giờ rất thấp, những nhà thầu không chuyên nghiệp, không đủ khả năng tài chính, khả năng quản lý, không đáp ứng được thiết bị, máy móc mà phải đi thuê... thì sẽ không bao giờ đáp ứng được tiến độ, chất lượng công trình, hiệu quả kinh doanh", ông Khôi phân tích.

Mời đón đọc kỳ tới: Chỉ định thầu cao tốc Bắc- Nam thế nào?- Bài 3: “Cú hích” cơ chế