Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng Đoàn thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống |
Sáng nay (19/5) Bộ GTVT, Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc, UBND Thành phố Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các đơn vị đã tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Thi Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long ), cho biết : Dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97km và đường dẫn dài 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ; cách bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu.
ông Trần Văn Thi Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long phát biểu tại buổi lễ |
Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp hình chữ H cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ôtô (4x3,5m) và hai làn xe thô sơ (2x3m); đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80Km/h. Tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 7.341 tỷ đồng, chi phí thực hiện thực tế khoảng 5.465 tỷ đồng.
Tư vấn thiết kế và giám sát cầu Vàm Cống là Liên danh Dasan - Kunhwa - Pyunghwa (Hàn Quốc); Tư vấn thiết kế đường dẫn là Liên danh CDM Smith Inc. (Mỹ) - WSP Finland Limited (Phần Lan) - Yooshin Engineering Corporation (Hàn Quốc); Tư vấn giám sát đường dẫn là Liên danh Sambo - Dongbu (Hàn Quốc). Nhà thầu thi công cầu Vàm Cống là Liên danh GS E&C - Hanshin E&C (Hàn Quốc), thi công đường dẫn là Hanshin E&C.
Cầu Vàm Cống - cầu Cao Lãnh và tuyến nối đã chính thức đưa vào hoạt động giúp người dân đi lại thuận tiện |
Ngày 10/09/2013, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Vàm Cống. Trong quá trình thi công, mặc dù gặp phải một số điều kiện không thuận lợi, tuy nhiên nhờ có nỗ lực khắc phục từ phía các đơn vị tư vấn, nhà thầu cũng như sự trợ giúp nhiệt tình từ các nhà tài trợ EDCF, Chính phủ Australia, Ngân hàng phát triển châu Á, các cơ quan ban ngành của tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ, dự án đến nay đã được hoàn thành. Để đảm bảo chất lượng công trình, Bộ GTVT đã chỉ định Viện Khoa học và Công nghệ GTVT thực hiện công tác kiểm định; Nhà tài trợ ADB (đồng tài trợ dự án) hỗ trợ chỉ định Công ty tư vấn Ove & Arup Hong Kong (đại diện Công ty Tư vấn Ove & Arup của Anh đặt văn phòng tại Hong Kong; đồng thời là tư vấn thẩm tra độc lập cầu Cao Lãnh) thực hiện kiểm định độc lập bằng nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại. Dự án được các đơn vị tư vấn kiểm định trong nước, tư vấn độc lập quốc tế đánh giá đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn kết cấu, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.
Phát biểu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vui mừng chia sẻ: Giao thông vận tải và những công trình của GTVT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của một đất nước. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vui mừng khi cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng trong ngày lễ trọng đại này. Bởi giao thông là mạch máu của tổ quốc, Đảng và Bác Hồ xem phát triển giao thông chính là sự phát triển của kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ niềm vui cùng bà con nhân dân |
Bộ trưởng nhấn mạnh, giao thông tại khu vực ĐBSCL đang có nhiều điểm nghẽn, tuy nhiên do nguồn lực có hạn nên sự đầu tư chưa phát triển tương xứng. Việc khánh thành cầu Vàm Cống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với khu vực. Người dân, doanh nghiệp không phải đi phà, không còn phải tốn thời gian cũng như phải mua vé qua phà như trước. Việc khánh thành cầu Vàm Cống có nghĩa là một mắt xích của Đường HCM đã được kết nối. Và tỉnh Đồng Tháp sau này sẽ không còn là tỉnh khuất nẻo nửa. Sự xuất hiện 2 cầu Vàm Cống, Cao Lãnh chính là điểm nhấn nổi bật làm tiền đề để địa phương phát triển bền vững cho sau này. Các địa phương như Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang….cũng được hưởng lợi từ dự án, vì không có con đường nào từ các địa phương này đến Tp.HCM và các khu vực nhanh bằng trục đường trên. Đến hết quý I năm 2020, khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đưa vào sử dụng thì tuyến đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng ) đến Đất Mũi (Cà Mau ) cơ bản được hoàn thành.
Việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống và đường dẫn đầu cầu vào khai thác sử dụng, kết hợp với Dự án thành phần 1 (cầu Cao Lãnh) và Dự án thành phần 2 (tuyến nối cầu Cao Lãnh - Vàm Cống) đã khai thác từ tháng 5/2018, sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực, đồng thời đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc cũng như bày tỏ sự trân trọng tới Chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á (các đơn vị đồng tài trợ 03 dự án).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.