Sáng ngày 25/7/2023, Bộ GTVT đã ban hành quyết định công bố mở luồng thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng (kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ).
Theo quyết định, luồng đường thủy nội địa dài 1,18km; điểm khởi đầu tại km8+300 sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), điểm kết thúc tại km35+450 sông Đáy (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Cấp kỹ thuật của luồng là cấp đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng 90m, cao trình đáy -6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100m, cao trình đáy -6,7m); chiều cao tĩnh không thông thuyền 15m.
Công trình âu tàu Nghĩa Hưng dài 179m, rộng 17m, chiều cao 10,5m; chiều dài hữu dụng 160m; cao trình đáy âu -7.0m; cao trình đỉnh âu +10,5m, kết cấu bê tông cốt thép. Hệ thống neo cố định có ba mức nước vận hành, bao gồm 12 cụm neo hai bên, mỗi bên gồm 6 cụm neo.
Khu chờ tàu có 2 khu: Đầu âu tàu phía sông Ninh Cơ và đầu âu tàu phía sông Đáy, mỗi đầu có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành. Trọng tải cho phép đi qua âu đến 3.000 DWT.
Khu vực neo đậu 2 phía âu tàu
Cùng ngày, Ban Quản lý các dự án đường thủy (chủ đầu tư) đã tổ chức vận hành chính thức âu tàu Nghĩa Hưng.
Trên công trình sáng ngày 25/7/2023, trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc dự án cho biết, cụm công trình đã hoàn thành đúng tiến độ vào ngày 30/6/2023.
Cụm công trình thuộc dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ dùng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (Dự án WB6).
Theo ông Thưởng, ban đầu dự án có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, nhưng thực tế chi phí thực hiện dự án khoảng 75 triệu USD.
"Tại khu vực dự án, các chủ tàu, doanh nghiệp vận tải lâu nay rất mong ngóng dự án được đưa vào khai thác chính thức, giúp tiết giảm đáng kể thời gian di chuyển, chi phí vận tải", ông Thưởng chia sẻ và cho biết thêm, âu tàu sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho tàu có trọng tải lớn từ phía Nam, tàu pha sông biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng lưu thông tới cụm cảng thủy Ninh Bình, Ninh Phúc. Việc hàng hóa lưu thông thuận lợi đến các cụm cảng này cũng giúp nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa tới nhiều tỉnh tại khu vực.
Hiện nay, theo tính toán hiệu quả dự án, mới chỉ có 1 bên âu tàu được xây dựng. Trong tương lai khi lưu lượng tàu thuyền lớn hơn sẽ tiếp tục triển khai thi công âu tàu thứ 2 (đã được thiết kế, giải phóng mặt bằng).
"Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Cụm công trình giúp tàu 2.000 tấn đầy tải và tàu 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, từ đó giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường", ông Nguyễn Văn Thưởng cho hay.
Nhà điều hành âu tàu Nghĩa Hưng, bao gồm phòng điều khiển toàn bộ hoạt động của âu tàu
Trong sáng ngày 25/7/2023, tàu mang số hiệu NĐ-4002 trọng tải 820 tấn là tàu đầu tiên lưu thông qua âu tàu Nghĩa Hưng, tiếp đó là tàu mang số hiệu NĐ-3334 trọng tải 430 tấn.
Theo quy trình vận hành của âu tàu, khi mở cửa âu tàu, các phương tiện di chuyển vào âu tàu và tiến hành neo đậu. Khi cửa âu sẽ đóng lại, các van điều tiết nước sẽ cân bằng mực nước bên ngoài/bên trong âu. Tiếp đó, cửa âu tàu phía bên kia sẽ mở ra và các phương tiện tiến hành di chuyển ra khỏi âu tàu. Toàn bộ quy trình này diễn ra trong khoảng 30 phút.
2 chuyến tàu đầu tiên đi vào âu tàu Nghĩa Hưng
Mỗi bên thành âu bố trí 6 mố neo, mỗi mố neo được chia thành 3 tầng giúp thủy thủ có thể thuận tiện neo đậu tàu tùy theo mực nước
Chia sẻ với phóng viên trên âu tàu, anh Nguyễn Văn Hùng - Thuyền trưởng tàu NĐ-4002 bày tỏ niềm vui mừng khi âu tàu Nghĩa Hưng chính thức vận hành.
Anh Hùng cho hay, khi biết âu tàu chính thức vận hành, anh đã háo hức, đưa tàu đến khu neo đậu của cụm công trình từ sớm để lưu thông qua.
Anh Hùng cũng chia sẻ, khi được đi qua âu tàu này giúp cho hành trình di chuyển của anh giảm xuống khoảng 5 tiếng, coi như giảm được nửa ngày lái tàu trên hành trình thông thường. Mặt khác, tàu lưu thông trên luồng này cũng an toàn, thuận tiện hơn rất nhiều.
"Tàu của tôi trọng tải lớn 820 tấn nên đi qua các kênh thông thường sẽ xa hơn, nguy hiểm hơn", anh Hùng nói.
Cùng bày tỏ niềm vui, anh Nguyễn Văn Tuân - Thuyền trưởng tàu NĐ-3334 cho biết, âu tàu này giúp ích rất đáng kể đối với các phương tiện có trọng tải lớn.
Còn với tàu có trọng tải nhỏ khoảng 400 tấn thì không chênh lệch đáng kể về thời gian di chuyển, cũng như chi phí. Bởi, tàu nhỏ vốn thuận lợi đi qua những kênh nhỏ đã có sẵn trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc đi qua âu tàu Nghĩa Hưng vẫn là lựa chọn tốt bởi sẽ không phải lo về mực nước chênh lệch giữa kênh, sông, từ đó giúp hành trình trở nên an toàn, thuận lợi hơn.
Hệ thống cửa âu tàu được thiết kế đóng/mở theo chiều ngang đảm bảo hiệu quả dự án, tiết kiệm chi phí, cũng như không giới hạn tĩnh không đối với tàu thuyền,...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.