Tự cứu" bất thành
Trước những diễn biến xấu của thị trường ô tô Việt Nam, ngay từ cuối quý 1 đầu quý 2 năm nay, các hãng xe đã đồng loạt tung ra những đợt kích cầu mạnh tay. Thực tế cho thấy, toàn bộ các hãng xe đều đã và vẫn đang phải móc hầu bao của mình để giảm giá, khuyến mại cho khách hàng nhằm kích thích mua sắm. Đa số các hãng xe đều áp dụng hình thức hỗ trợ 50-100% lệ phí trước bạ, tương đương 6-12% giá bán lẻ niêm yết. Những đợt kích cầu liên tiếp đã tạo nên một đợt "siêu bão" giảm giá chưa từng có trên thị trường. Tuy nhiên, lượng ô tô tiêu thụ trên thị trường vẫn tiếp tục suy giảm ở tỷ lệ 2 con số.
Số liệu thống kê từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng Hyundai Thành Công và VinFast cho thấy, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 5/2023 chỉ đạt 27.297 chiếc, giảm 11,4% so với tháng liền kề trước đó và giảm sâu đến 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là hồi tháng 4/2023, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường cũng đã "rơi" mất 16,2% so với tháng liền trước và giảm 40,5% so với cùng kỳ 2022, đạt 30.799 chiếc. Cộng dồn 5 tháng đầu năm nay, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường đạt 132.119 chiếc, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Lưu ý về các số liệu. Sở dĩ thống kê tổng sức mua trên toàn thị trường được cộng dồn từ 3 đơn vị là do báo cáo bán hàng của VAMA chỉ được tính trên số liệu bán hàng của các doanh nghiệp thành viên và lượng xe nhập khẩu của các nhà nhập khẩu không thuộc hiệp hội. Do đó, số liệu thống kê cần được tính thêm trên báo cáo bán hàng của Hyundai Thành Công và VinFast, hai nhà sản xuất và lắp ráp ô tô lớn không thuộc VAMA.
Như vậy, có thể thấy rằng những nỗ lực "tự cứu" của các doanh nghiệp ô tô thời gian vừa xem như bất thành. Tất nhiên, nếu không có những động thái kích cầu tự thân như vậy, sức mua ô tô sẽ còn suy giảm sâu hơn nữa.
Trông đợi cú hích lệ phí trước bạ
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, VAMA cũng một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thông qua chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Kiến nghị này cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý ngành công nghiệp ô tô là Bộ Công Thương.
Theo đánh giá của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cũng có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới sự sống còn. "Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, có thể nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cho biết.
Tin vui là Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ. Theo đó, dự kiến từ ngày 1/7/2023, lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô CKD sẽ giảm 50% so với thời điểm trước khi Nghị định mới có hiệu lực. Đây có thể xem là một động thái "giải cứu" hiệu quả đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, mặc dù sức mua ô tô trên thực tế có thể sẽ khó hoàn toàn hồi phục.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, lực cầu ô tô hiện nay đã khác nhiều so với 2 năm trước, giai đoạn áp dụng 2 lần giảm mức thu lệ phí trước bạ ô tô CKD. Hiện tại, nhu cầu mua sắm phương tiện của người tiêu dùng đang rất thấp. Do đó, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD lần thứ 3 cũng khó kỳ vọng tạo được cú hích mạnh trên thị trường ô tô nói chung.
Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước, chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi giải quyết được lượng xe tồn kho lớn và tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính nhận định, khi lệ phí trước bạ ô tô giảm 50% trong nửa cuối năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ sẽ hụt khoảng 9.000 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.