Nói về chơi xe cổ, nhiều người nghĩ đây là một thú chơi tao nhã dành cho những người có điều kiện, nhưng thực chất đây lại là một thú chơi đầy công phu và tỉ mỉ. Những người "chơi" không chỉ là những người có niềm yêu thích xe cổ, có điều kiện kinh tế, mà còn phải có đủ thời gian để theo đuổi thứ đam mê của chính mình.
Những "trường phái" chơi xe cổ
Người chơi xe trưng bày là những người có "thú chơi" kiểu sưu tập lưu giữ. Họ sẽ thích những chiếc xe còn nhiều chi tiết nguyên bản, độ "zin" của xe càng cao càng giá trị. Những người chơi xe trường phái này không quá quan tâm đến giá trị sử dụng của chiếc xe. Họ chỉ quan tâm đến hình thức và niên hạn sử dụng, họ có thể thể mua những chiếc xe trong nước hoặc nhập từ nước ngoài về và không cần có giấy đăng kí vì chỉ dùng trưng bày.
Tuy nhiên, số đông người chơi xe cổ hiện nay lại có xu hướng trải nghiệm trên những chiếc xe cổ của mình. Vì vậy, để có thể sở hữu cũng như để đến với "thú chơi" xe cổ độc đáo, chủ nhân của những xe cổ phải bỏ ra rất nhiều công sức để tìm tòi, phục chế cũng như đối mặt với muôn vàn khó khăn trong quá trình chơi xe, mục tiêu làm sao có thể rong ruổi trên chính những chiếc xe đã quá già nua của mình.
Đối với những người chơi xe cổ hiện tại, khó khăn đầu tiên là tìm một thợ dọn xe tâm huyết với nghề, tiếp đến là quá trình gian nan tìm kiếm phụ tùng để phục chế tân trang lại một chiếc xe. Lý do là với những dòng xe có tuổi đời hàng chục năm và hầu hết đã ngừng sản xuất, để tìm đủ "đồ chơi" và hoàn thành công đoạn "dọn xe" là cả một hành trình dài gian nan.
Có những chiếc xe chủ nhân có thể bỏ ra vài năm để phục chế, nhiều khi lên đến cả chục năm mới gom đủ linh kiện, phụ tùng cho một chiếc xe của mình. Đổi lại, thành quả sẽ là những chiếc xe tâm huyết ưng ý nhất.
Đống phụ tùng và chiếc Guzzi Galletto 192 đời 1955 độc đáo tại Việt Nam mà anh Nguyễn Ngọc Hải đã mất 3 năm để phục chế.
Không ít lần những người chơi xe cổ bị hàng xóm xung quanh nghĩ là có vấn đề về "thần kinh" hay gàn dở, khi họ ôm cả đống sắt vụn về nhà, bởi nhiều chiếc xe khi đưa về phục chế không còn hình hài nguyên vẹn mà chỉ là những chi tiết đã tháo rời.
Anh Nguyễn Ngọc Hải, một người sưu tập xe cổ ở Thái Nguyên, chia sẻ "lúc tôi được một người bạn để cho 3 chiếc xe cổ nhưng nó chỉ như một đống phế liệu, nên bị bà hàng xóm buôn sắt vụn sang tận nhà gạ bán lại, giờ tôi phục chế lại và nó đã trở thành những chiếc xe hàng độc thì ai cũng tấm tắc khen".
Cũng theo anh Nguyễn Xuân Thủy, một người đang sở hữu một bộ sưu tập hàng trăm xe cổ các loại, đặc biệt là bộ sưu tập xe Jawa khá đầy đủ, và chiếc xe tâm huyết nhất thuộc mẫu Jawa perak 1952 đã ngốn mất 7 năm trời để tìm kiếm và mua từng món đồ ưng ý về lắp cho "xế cưng" của mình.
Chơi xe cũng cần có "duyên"
Đối với xe cổ, nhiều khi không phải hễ có tiền hay yêu thích là có thể sở hữu mà phải cần có duyên mới gặp. Nói về cái duyên với xe cổ, có thể kể đến chiếc xe huyền BMW R2 được đăng kí đầu tiên tại Việt Nam mang biển số BMT 001 mà bác Nguyễn Quang Khuê mua được của một ông đồ trên Phố Huế Hà Nội vào cuối thập niên 70 của thế kỉ trước. Để có được chiếc xe đó, bác Khuê khi đang là một thanh niên ngoài 20 tuổi cũng mất gần 10 năm qua lại để tâm sự với chủ xe về những đam mê của mình.
Hiện nay, tuy vật chất có tác động lớn hơn song những người chơi xe cổ vẫn cần đủ lòng kiên nhẫn để mua một chiếc xe mình yêu thích. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Hải, chủ sở hữu chiếc xe Peugeot 102 MT-D độc nhất tại Việt Nam. "Vào năm 2019 tôi được biết hình ảnh chiếc xe 102 MT này tại Live Show kỷ niệm 70 năm ngày sinh nhật của cố nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên, khi chiếc xe được trưng bày tại nhà vườn của gia đình nhạc sĩ và cũng là nơi tổ chức sự kiện. Lúc đó tôi có hỏi mua nhưng gia đình không bán, nhưng đến giờ tôi đã là chủ sở hữu thì việc chiếc xe đến với tôi đúng là một cơ duyên", ah Hải chia sẻ.
Thế nhưng, duyên mua xe đến cười ra nước mắt có lẽ là trường hợp của anh Phạm Diên, TP.HCM. Để có được những chiếc xe ưng ý nhiều khi anh phải toát mồ hôi đạp xe phía sau chủ của những chiếc xe hơi đi dạo để nắm xe và có cơ hội làm quen. Thế rồi có những khi đợi đến 5 năm để mua được cái, xe thì chủ cũng ra điều kiện khá khó hiểu khi không cho trả tiền một lần mà chỉ khi nào cần mới lấy. "Ổng không lấy tiền một lúc, mà mỗi khi Ổng đi nhảy đầm thiếu tiền ổng nhắn tôi đem tiền đến cho Ổng. Nhiều hôm 11giờ đêm, máy nhắn tin lại tít tít , đôi lúc cũng bực thiệt, muốn trả phứt 1 lần cho xong nhưng Ổng đâu có chịu", anh Phạm Diên chia sẻ.
Vất vả trăm bề
Có thể nói dân chơi xế cổ không ít thì nhiều cũng đều bị "xe hành" bằng những lần ốm vặt trên đường. Bởi với những cỗ máy già nua, nhiều chi tiết đã vận hành vài chục, hoặc các trăm năm, hỏng hóc là chuyện khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết những người chơi xe cổ xê xê dịch thường chuẩn bị khá tốt cho chiếc xe của mình trước những chuyến đi xa. Cũng bởi vậy khá nhiều những người chơi xe cổ dần tích lũy kinh nghiệm, lại trở thành thợ sửa những dòng xe họ chơi với những bệnh từ khó đến dễ.
Chủ đề xe cổ sẽ không bao giờ cũ bởi chiếc xe mới ngày hôm nay sẽ là xe cổ của mai sau. Tuy nhiên, để chơi những chiếc xe cổ, đòi hỏi người chơi xe phải thực sự đam mê, tâm huyết mới có đủ kiên nhẫn theo đuổi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.