TP.HCM vẫn loay hoay trong việc chống ngập nước. |
Nhiều năm qua, TP.HCM đã thực hiện hàng loạt các dự án chống ngập, cải thiện môi trường quy mô lớn với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng đến nay ngập vẫn hoàn ngập khiến người dân đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những công trình chống ngập.
Vừa qua trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra ngày 12/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ kinh nghiệm dân gian trong việc dùng lu chứa nước chống ngập đã nhận được sự phản đối gay gắt của dư luận.
Đánh giá về đề xuất dùng lu chống ngập, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng giải pháp trang bị lu cho người dân chứa nước để chống ngập là không hiệu quả. Vấn đề quan trọng là trong quy hoạch đô thị phải có không gian dành cho nước. Ở những không gian này có thể chứa hàng triệu mét khối nước thì mới có khả năng chống ngập, chứ mỗi cái lu thì chứa được bao nhiêu nước mà có thể chống ngập”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị TP.HCM cho biết: “Từ năm 2008 trên địa bàn Thành phố tồn tại 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều. Trong 10 năm qua nhờ triển khai các dự án chống ngập đến nay còn 18 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường. Các điểm ngập này sẽ được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn đến năm 2020. Việc chống ngập chưa đem lại hiệu quả như mong đợi một phần do công tác dự báo không lường hết những diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu khiến hệ thống thoát nước trở nên lỗi thời”.
Nhìn nhận thực tế về việc chống ngập trên địa bàn TP.HCM, TS Võ Kim Cương, Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM đánh giá: “Các công trình chống ngập hiện nay của thành phố không có chiến lược rõ ràng, chưa đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả. Việc chống ngập theo từng tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực. Có một số khu vực nền đất bị lún so với các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy vì vậy các dự án chống ngập có hiệu quả hay không trước tiên phải xem xét lại cấu trúc đường ống hệ thống đã đủ độ dốc chưa. Đồng thời cần chú trọng đến việc quản lý. Công ty thoát nước môi trường đô thị phải có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước không nên đỗ lỗi cho những hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây”.
Dự án siêu máy bơm được đầu tư tại đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng không mang lại hiệu quả. |
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Thành - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Nguyên nhân khiến Thành phố bị ngập nước ngoài yếu tố về dân số quá đông, phát triển nhanh, quá tải; Do cơ sở hạ tầng quá tải (thoát nước, kẹt xe, ô nhiễm,…), thì còn do địa hình thấp, nền đất bị sụp lún; Triều cường, biến đổi khí hậu; Đô thị hoá, bê tông hóa; San lấp kênh rạch, chận luồng thoát nước; Hệ thống cống thoát nước nhỏ, lại không thật sự thông, nhận thức người dân… Ngập nước làm giảm chất lượng cuộc sống dân cư, khó khăn phát triển đô thị bền vững về lâu dài. Vì thế, muốn làm cho thành phố và khu vực sinh sống của con người trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt và bền vững cần phải giải quyết cho bằng được ngập nước đô thị”.
Ông Phạm Sanh, Chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết: “Nguyên nhân khiến TP.HCM ngập trong biển nước là do hệ thống cống thoát nước ở đây vừa thiếu vừa yếu. TP.HCM làm đường nhưng lại không làm cống trước, đây là lỗi từ quy hoạch, từ quản lý đô thị. Bên cạnh đó, một số cống được xây dựng nhưng công tác bảo trì không được thực hiện thường xuyên, khiến tình trạng tồn ứ rác quá nhiều, nước không thoát được. Thành phố cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Theo đó, việc khôi phục lại các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc cần theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ”.
Công trình chống ngập 10 nghìn tỷ vẫn đang chậm tiến độ. |
Phó Chủ tịch UBND,TP.HCM - Võ Văn Hoan cho biết hiện nay Thành phố đang triển khai nhiều dự án chống ngập nhằm từng bước xóa, giảm ngập. Thành phố tập trung triển khai các dự án thuộc 2 quy hoạch chính: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 với diện tích 518km2 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Hy vọng khi dự án được triển khai đồng bộ, các công trình nói trên sẽ phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.