Hội thảo Tìm giải pháp chống ngập nhằm mổ xẻ, phân tích nguyên nhân thấu đáo và có hướng đi đúng để giải bài toán chống ngập cho TP.HCM. |
Ngày 5/12, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập” với dự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cùng doanh nghiệp nhằm mổ xẻ, phân tích nguyên nhân thấu đáo và có hướng đi đúng để giải bài toán chống ngập cho TP.HCM.
Đến nay toàn TP.HCM đã xây được 4.176 km/6.000 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075 km kênh rạch (đạt hơn 1%); hoàn thành việc xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều, xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán chống ngập. Hàng chục năm qua, TP.HCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng đến nay ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh niên của người dân thành phố.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, đối với chương trình giảm ngập nước, nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 73.000 tỷ đồng. Do ngân sách gặp nhiều khó khăn, TP.HCM sẽ phải kêu gọi tư nhân đầu tư, xã hội hóa công tác chống ngập với tổng kinh phí cần huy động lên tới 20.000 tỷ đồng. Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số doanh nghiệp đã đi tiên phong, chủ động đầu tư kinh phí, nghiên cứu công nghệ thực hiện các dự án chống ngập như sử dụng siêu máy bơm thông minh khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); dự án “Giai quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” xóa ngập cho gần 7 triệu người trên lưu vực 570 km2 gồm trung tâm TPHCM và bờ hữu sông Sài Gòn với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng nhưng quá trình thực hiện dự án vẫn gặp không ít khó khăn.
Lý giải về việc hiện nay ngập nước vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa thuộc Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Các dự án chống ngập đã có trong chương trình, kế hoạch ban hành. Tuy nhiên do vướng thủ tục nên các dự án lớn thuộc danh mục kêu gọi đầu tư hầu như rất ít được triển khai, thời gian lựa chọn nhà đầu tư kéo dài. Ngoài ra còn khó khăn trong đầu tư, giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án chống ngập. Việc xả rác sau mưa triều cường cũng rất khó khăn. Muốn thực hiện dự án thì phải có luật đầu tư công. Xây dựng kế hoạch trung hạn, phải cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đủ mạnh thì mới thành công”.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa cho rằng muốn thực hiện dự án chống ngập thì phải có luật đầu tư công. |
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết: “Trong chống ngập TP.HCM mục đích là làm sao điều tiết được dòng nước ra kênh rạch, nhưng rác hay tắc nghẽn dòng chảy cũng gây khó khăn. Trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều vấn đề của đơn vị thực hiện. Mỗi ngày nhà đầu tư bỏ cả tỷ đồng để bảo vệ dự án 10.000 tỷ đồng. Trong tương lai chúng tôi vẫn tâm huyết đầu tư ở TP.HCM năng động nhất cả nước, nhưng sắp tới sẽ có cơ chế tháo gỡ, hành lang pháp lý hợp lý để phát triển”.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố cho rằng hiện nay Thành phố bị ngập nước ngoài yếu tố về dân số quá đông, phát triển nhanh, quá tải; Do cơ sở hạ tầng quá tải (thoát nước, kẹt xe, ô nhiễm,…), thì còn do địa hình thấp, nền đất bị sụp lún; Triều cường, biến đổi khí hậu; Đô thị hoá, bê tông hóa; San lấp kênh rạch, chận luồng thoát nước; Hệ thống cống thoát nước nhỏ, lại không thật sự thông, nhận thức người dân… Ngập nước làm giảm chất lượng cuộc sống dân cư, khó khăn phát triển đô thị bền vững về lâu dài. Vì thế, muốn làm cho thành phố và khu vực sinh sống của con người trở nên toàn diện, an toàn, linh hoạt và bền vững cần phải giải quyết cho bằng được ngập nước đô thị”.
Cơn mưa lớn kéo dài ngày 25/11 khiến hầu hết các tuyến đường trên TP.HCM ngập sâu. |
Theo ông Nguyễn Trọng Dần, Hội viên Hội Khoa học kỹ thuật Máy thủy khí Việt Nam chống úng ngập cho các đô thị hay khu dân cư là vấn đề rất khó khăn và phức tạp cho tất cả các quốc gia không chỉ riêng đối với Việt Nam. Sự phức tạp của quá trình thoát nước đô thị cũng tương tự như vấn đề ách tắc giao thông tại các thành phố lớn hiện nay. Để giải quyết tốt vấn đề này cần phải phân tích rõ nguyên nhân sau đó chọn giải pháp thích hợp có tính khả thi. Để giải quyết vấn đề ngập úng tại TP.HCM, có nhiều ý kiến cho rằng phải nâng cốt nền đường giao thông, trên cơ sở đó sẽ làm tăng độ dốc thoát nước.
Tuy nhiên, ông Dần cho rằng, thực chất việc nâng đường không làm tăng độ dốc thoát nước cho khu vực mà còn gây ra các hệ lụy xấu khác như: tạo sự phân cách các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát úng bởi các con đường mới tôn cao, khu dân sinh sẽ ngập nặng hơn, đường cao hơn nhà, phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông, thương mại hiện hành, dẫn tới hậu quả sau này khó khắc phục: như đã xảy ra tại đường Kinh Dương Vương; đường Nguyễn Văn Quá. Nâng đường và thay đường cống mới nhưng thực trạng vẫn bị ngập do triều cường và mưa lớn. Vì thế, Đây không thể là cách giải quyết chống ngập theo đúng nghĩa….
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.