Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 (TP.HCM) đi xe đưa rước của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Ông Phạm Ngọc Đào (phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM):
Dịch vụ tốt nhưng ít học sinh sử dụng
Năm học trước, sau khi tuyên truyền, vận động học sinh đi xe đưa rước, trường phát phiếu đăng ký cho 3.000 học sinh nhưng chỉ có 100 em tham gia. Hiện trường phối hợp với Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong tổ chức đưa rước cho 100 em này. Dịch vụ công ty rất tốt, nhân viên nhiệt tình.
Cuối giờ, nhân viên vào trường điểm danh, dẫn học sinh ra tận xe. Nhà em nào ở trong ngõ sâu, nhân viên dẫn vô tới nhà. Những em nào đi xe không quen bị mệt, nhân viên gọi điện hỏi thăm. Phụ huynh cho con đi xe đưa rước nói dịch vụ rất tốt, tiết kiệm thời gian đưa đón và không sợ mưa nắng. Học sinh cũng có thời gian ngồi trên xe ôn bài.
Số học sinh tham gia xe đưa rước còn ít có lý do là nhiều phụ huynh có điều kiện muốn tự đưa con đến trường cho chắc ăn chứ không muốn giao cho người khác. Hơn nữa, phụ huynh tham gia ít còn do mức giá. Một em đi xe của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đóng khoảng 900.000 - 1 triệu đồng tùy theo cự ly gần xa, cao hơn giá của hợp tác xã (khoảng 300.000 - 400.000 đồng/em).
Đợt khảo sát đầu tiên, đưa giá của hợp tác xã có 300 phụ huynh đăng ký. Nhưng khi chuyển qua xe của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong chỉ còn 100 phụ huynh đăng ký. Trường chọn công ty này vì họ đầu tư xe mới hoàn toàn nên yên tâm hơn cho học sinh.
* Ông Nguyễn Văn Cải (phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi):
Trợ giá ít, phụ huynh không đăng ký
Trước đây, khi được miễn phí hoàn toàn xe đưa rước, học sinh trường tôi (sĩ số 1.000 em) tham gia khá đông trong 3-4 năm. Nhưng vài năm trở lại đây, trường không tổ chức xe đưa rước nữa vì học sinh, phụ huynh không đăng ký. Nguyên nhân học sinh không đi xe đưa rước nữa là do cự ly từ nhà đến trường không quá xa, điều kiện đi lại cho học sinh ở khu vực cũng an toàn, tiền trợ giá ít nên phụ huynh không đăng ký nữa.
* Phó hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3:
Ngại xe cũ, không an toàn
Phụ huynh học sinh không mặn mà với xe đưa rước là do trợ giá thấp. Bên cạnh đó, các trường làm hồ sơ để nhận lại tiền trợ giá rất nhiêu khê. Để nhận lại tiền trợ giá, trường phải ký mấy trăm giấy tờ, đóng dấu cả xấp đủ loại giấy tờ. Mỗi lần công ty đưa hồ sơ qua là... ngợp luôn. Đó là chưa kể xe của hợp tác xã còn cũ kỹ, không an toàn.
Tôi chứng kiến nhiều lúc học sinh không đủ chỗ ngồi phải đu sau xe, có em ngồi ngủ gục nên có thể nhào ra ngoài bất cứ lúc nào. Xe cũ, không đảm bảo an toàn cho học sinh nên phụ huynh không đăng ký. Mà đầu tư xe mới thì tiền đóng quá cao, phụ huynh cũng không đăng ký. Đó là cái vòng luẩn quẩn chưa giải quyết được.
* Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh):
Báo giá cao quá nên thôi
Học sinh trường tôi nhiều em ở các quận 7, 9, 12, Gò Vấp... thường đi xe buýt đến trường. Trường cũng nghĩ đến việc tổ chức xe đưa rước cho học sinh nhưng nghe báo giá cao quá (khoảng 1 triệu đồng/học sinh) nên thôi. Tôi thấy tổ chức được xe đưa rước cho học sinh đi rất tốt. Nếu có đơn vị nào tổ chức đưa rước học sinh chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Các đơn vị cứ đến trường làm việc, chào giá thấy được tôi sẽ tham khảo ý kiến phụ huynh rồi cho đăng ký.
* Ông Nguyễn Đức Trị (phó giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM): Đầu tư xe mới, tăng tiện ích cho xe đưa rước Xe đưa rước học sinh, sinh viên có trợ giá ở TP.HCM đã được triển khai từ năm học 2001-2002 với 14 trường tham gia, đến năm học 2012-2013 tăng lên 274 trường. Tuy nhiên, đến năm học 2015-2016 giảm chỉ còn 133 trường tham gia. Tương tự, số lượng học sinh đi xe đưa rước thời điểm cao nhất là khoảng 41 triệu lượt học sinh/năm học 2012-2013, đến năm học 2015-2016 giảm còn khoảng 17 triệu lượt. Nguyên nhân khiến số lượng học sinh đi xe đưa rước giảm nhìn từ phía nhà trường là tâm lý e ngại trong việc xác nhận số học sinh đi xe đưa rước hằng ngày; từ phía doanh nghiệp vận tải là phần lớn xe đưa rước học sinh đã sử dụng trên 10 năm nên chất lượng xe giảm sút. Để thu hút học sinh đi học bằng xe đưa rước, chúng tôi đã đề xuất giải pháp thực hiện trong giai đoạn 1 (năm 2016) là xây dựng đề án ngân sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xe mới cho các doanh nghiệp; điều chỉnh số lượt được trợ giá/học sinh và mức trợ giá học sinh đi xe đưa rước, sử dụng thẻ định danh để quản lý số lượt học sinh đi xe đưa rước... Bước vào giai đoạn 2 trong năm 2017, chúng tôi sẽ đề xuất tiếp tục triển khai sử dụng thẻ định danh, thay đổi phương pháp trợ giá, lắp camera tại các cổng trường. Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất Ban An toàn giao thông TP, Sở Giáo dục và đào tạo, UBND quận, huyện triển khai quy định hạn chế học sinh sử dụng xe cá nhân đến trường. N.ẨN ghi |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.