Chuẩn bị sửa 2 nghị định quan trọng lĩnh vực đường thủy

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 04/08/2024 15:09

Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy; xây dựng nghị định mới về quản lý hoạt động đường thủy.

Chuẩn bị sửa 2 nghị định quan trọng lĩnh vực đường thủy- Ảnh 1.

Giao thông thủy trên tuyến đường thủy quốc gia sông Hồng qua khu vực cầu Văn Lang, tỉnh Phú Thọ

Bộ GTVT vừa có văn bản chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung hành vi và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy (hiện được quy định tại Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ) để phù hợp với các quy định pháp luật liên quan và thực tiễn.

Trong đó, nghiên cứu bổ sung hành vi, chế tài xử lý đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy đang trong ca trực mà có chất ma túy; bổ sung chế tài tạm giữ phương tiện thủy đổi với hành vi vi phạm nồng độ cồn, có chất ma túy. Bởi hiện Nghị định số 139/2021/NĐ-CP chưa quy định xử phạt đối với thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy mà trong máu có chất ma túy; chưa quy định hình thức phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện thủy đối với thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, chất ma túy.

Cùng đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định mới, thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý đường thủy (dự kiến trình Chính phủ vào tháng 2/2025). 

Một trong những nội dung quan trọng được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi là quy định về phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông thủy tại cảng, bến thủy, khu neo đậu (nhất là trên tuyến mà hai bên bờ thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); phân cấp quản lý luồng đường thủy quốc gia.

Về chủ trương phân cấp, theo Bộ GTVT, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQCP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương.

Tại nghị quyết trên, Chính phủ đã định hướng phân cấp một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy trên luồng đường thủy quốc gia cho địa phương thực hiện. Để thực hiện định hướng trên, Chính phủ giao Bộ GTVT trong giai đoạn năm 2023 - 2025 xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Được biết, hiện Bộ GTVT đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về cảng, bến thủy, khu neo đậu trên tuyến đường thủy quốc gia tại 3 địa phương: Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; còn chưa thực hiện phân cấp quản lý tuyến đường thủy quốc gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận