Chuyện giờ mới kể về cầu Thăng Long (phần 4)

21/04/2022 06:45

Báo cáo tổng kết nguyên nhân gây hư hỏng mặt cầu Thăng Long (6/2010), một loạt vấn đề liên quan đến công tác quản lý chất lượng dự án được nêu ra.


Phần thứ tư: Đi tìm nguyên nhân hư hỏng của lớp phủ mặt cầu chính được thay mới năm 2009 dưới góc độ quản lý chất lượng

Hư hỏng mặt cầu Thăng Long

Hư hỏng mặt cầu Thăng Long

Theo “Báo cáo tổng kết nguyên nhân gây hư hỏng mặt cầu Thăng Long và đề xuất giải pháp sửa chữa” của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được công bố vào tháng 6/2010 (về sau xin viết gọn là BC6/2010) cho biết đã tiến hành rà soát công tác chuyển giao công nghệ về cơ sở pháp lý và thực tế triển khai. Qua việc rà soát này cho thấy, nguyên nhân của các nguyên nhân trên là do một loạt vấn đề liên quan đến công tác quản lý chất lượng dự án.

Thứ nhất, để chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam thực hiện một giải pháp kỹ thuật là thay thế lớp phủ mặt cầu thép cho cầu Thăng Long nhưng theo BC6/2010 thì đã có hai đối tác nước ngoài được chọn.

BC6/2010 cho biết, Điều 1, mục 1.2 của Quyết định số 1994/QĐ-CĐBVN về việc “Phê duyệt Đề cương và dự toán chi tiết tư vấn chuyển giao công nghệ Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long giai đoạn 2” ký ngày 18/9/2009 của Cục ĐBVN đã ghi rõ: “Phần công nghệ lớp bê tông nhựa SMA: do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Chuyên gia nước ngoài do tư vấn lập TKBVTC và chuyển giao công nghệ lựa chọn trên cơ sở tiêu chí được chủ đầu tư chấp thuận”, còn “Phần công nghệ lớp dính bám và chống thấm: được thực hiện bởi chuyên gia nước ngoài của nhà thầu trúng thầu cung cấp vật liệu chống thấm cho gói thầu xây lắp. Chi phí này sẽ bao gồm trong giá trị gói thầu xây dựng”. Bên cạnh đó, mục 1.2 này còn qui định: “Tư vấn chuyển giao công nghệ cung cấp các chuyên gia và phương tiện để phối hợp với chuyên gia nước ngoài thực hiện công tác chuyển giao công nghệ”.

Câu hỏi được đặt ra là trong hai phần công nghệ được chuyên gia nước ngoài chuyển giao gồm “Phần công nghệ lớp dính bám và chống thấm” “Phần công nghệ lớp bê tông nhựa SMA” thì ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng dính bám giữa SMA với lớp chống thấm?

Thứ hai, theo Chương II của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) số 80/2006/QH11 thì phải có hợp đồng CGCN cũng như theo Điều 15 của Luật này thì bên giao công nghệ có trách nhiệm “bảo hành công nghệ được chuyển giao” và Điều 20, khoản 2, mục d còn quy định: “bên giao công nghệ có nghĩa vụ: Thông báo cho bên nhận công nghệ và áp dụng các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật làm cho kết quả CGCN không đạt yêu cầu qui định trong Hợp đồng, bồi thường thiệt hại cho bên nhận công nghệ”.

BC6/2010 còn cho biết, Điều 1, mục 1.6 của Quyết định số 1994/QĐ-CĐBVN có qui định về kết quả của cả hai phần CGCN cần phải “Kết luận được việc ứng dụng các loại vật liệu mới nêu trên là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được điều kiện làm việc thực tế của cầu Thăng Long (đối với vật liệu chống thấm thì không thấm nước trong thời gian cam kết, đối với vật liệu SMA đảm bảo chống nứt, chống mỏi tốt, ít nhất như loại bê tông nhựa thông thường đã được sử dụng trong 20 năm qua)”.

Thế thì Quyết định số 1994/QĐ-CĐBVN có qui định ai sẽ bảo hành, ai sẽ có nghĩa vụ thực hiện các quy định nói trên của Luật CGCN số 80/2006/QH11 nếu SMA không dính bám với lớp chống thấm để đảm bảo khả năng chống trượt giữa hai lớp này không? Nói cách khác, nếu không đảm bảo dính bám dẫn đến trượt trồi hư hỏng lớp SMA như đã xảy ra thì bên nào có nghĩa vụ bảo hành, bồi thường thiệt hại… theo quy định của Luật CGCN số 80/2006/QH11 mà không thấy BC6/2010 đề cập?

BC6/2010 còn cho biết, thực tế quá trình CGCN đã diễn ra bao gồm việc hãng Stirling Lloyd CGCN cho nhà thầu Công ty Bảo Quân để thi công và kiểm tra chất lượng lớp chống thấm - dính bám, còn TS. Low Boon Hwee - Trường Đại học Singapore CGCN cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT để thiết kế thi công và kiểm tra chất lượng lớp SMA.

Vậy thì vấn đề kỹ thuật cốt tử của hệ kết cấu lớp phủ này là làm sao để đảm bảo cường độ, chất lượng dính bám giữa lớp SMA và lớp chống thấm Eliminator bằng vật liệu dính bám Bond Coat và ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề cốt tử này trong quá trình CGCN?

BC6/2010 đã đưa ra một nhận xét là: “Trong quá trình thi công lớp dính bám chống thấm, chuyên gia người Anh của hãng Stirlinglloyd và Công ty Cổ phần XNK Việt Phú có hướng dẫn nhà thầu kiểm tra cường độ dính bám của toàn bộ hệ thống chống thấm (sơn lót ZED94+màng Eliminator) theo phương pháp kiểm tra ASTM 4541-02. Không tiến hành kiểm tra cường độ dính bám của toàn bộ hệ thống chống thấm dính bám (sơn lót ZED94+màng Eliminator+ SMA)”.

Kỳ lạ hơn nữa là quy định về thi công thử nghiệm “Đồng thời tiến hành thi công cả vật liệu chống thấm và vật liệu SMA trên một đoạn rải thử” đã không thực hiện được (?), mà theo BC6/2010 thì “Việc thi công thử nghiệm hệ dính bám, chống thấm của Stirling Lloyd thì thực hiện trên mặt cầu Thăng Long, thực chất là bắt đầu thi công đại trà” cũng như “Hầu như không có sự liên kết nào giữa hai nhà CGCN nước ngoài. Không có sự họp bàn giữa hai nhà CGCN với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát để tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi thi công tại liên 5 phía hạ lưu”.

Do quyết định chọn hai đối tác chuyển giao công nghệ như đã nêu ở trên nên theo BC6/2010 thì Quy định kỹ thuật thi công cho hệ thống chống thấm dính bám và cho lớp SMA “…hầu như độc lập với nhau, không có sự kiểm soát chất lượng tổng thể của hệ thống. Hạng mục thi công lớp dính bám Bond Coat SA1030 là công đoạn trung gian giữa Eliminator và lớp SMA, quyết định đến khả năng dính bám giữa Eliminator và lớp SMA được quy định sơ sài, không nêu rõ cách kiểm tra chất lượng”.

Cũng theo BC6/2010 thì chất kết dính lớp chống thấm Eliminator với lớp SMA sử dụng cho lớp phủ cầu Thăng Long là Bond Coat SA1030. Bond Coat SA1030 theo nhà cung cấp Stirling Lloyd là “lớp phủ kết dính nóng chảy từ bitum polyme (nhựa polyme) biến tính” và “nên được sử dụng khi hỗn hợp asphalt có hàm lượng bitum thấp, độ rỗng cao...”.

Cần lưu ý là hệ thống chống thấm và lớp phủ mặt cầu Eliminator+Bond Coat SA1030+Hỗn hợp asphalt (bê tông nhựa) là một trong các hệ thống kết cấu các lớp phủ mặt cầu của hãng Stirling Lloyd đã được HAPAS phê duyệt (chứ không phải là đã được cấp bằng “sáng chế”).

HAPAS (Highways Authority Product Approval Scheme) là viết tắt của Hệ thống phê duyệt sản phẩm của Cơ quan Đường bộ (nước Anh). Các sản phẩm được HAPAS phê duyệt đã trải qua quá trình kiểm tra độc lập nghiêm ngặt và thông qua các cơ quan như BBA (British Board of Agrément) để đảm bảo chúng "phù hợp với mục đích". Nguyên văn về cách sử dụng được hãng Stirling Lloyd quy định như sau “Uses: BOND COAT SA1030 is applied to GCP Applied Technologies’ ELIMINATOR® waterproofing membrane to provide a bond between the bituminous surfacing and the membrane. It is recommended where the bitumen content is low, void content is high or where aggregate segregation may occur”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc kiểm tra đánh giá cường độ dính bám của toàn bộ hệ thống kết cấu lớp phủ mặt cầu Thăng Long bao gồm sơn lót ZED94+màng Eliminator+Bond Coad SA1030+SMA phải thuộc về “Phần công nghệ lớp dính bám và chống thấm: được thực hiện bởi chuyên gia nước ngoài của nhà thầu trúng thầu cung cấp vật liệu chống thấm cho gói thầu xây lắp. Chi phí này sẽ bao gồm trong giá trị gói thầu xây dựng” mà Quyết định số 1994/QĐ-CĐBVN đã quy định.

Thế nhưng, trách nhiệm này có được quy định trong hợp đồng CGCN giữa các bên thì không thấy BC6/2010 nhắc đến.

Nếu không đề cập đến điều kiện ràng buộc này đối với nhà thầu cung cấp vật liệu chống thấm và dính bám thì theo tôi, đây chính là “lỗ hổng” lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng của dự án.

Nếu như ngay trong bước chuẩn bị đầu tư làm rõ được hệ thống kết cấu lớp phủ mặt cầu gồm lớp sơn lót ZED94 + màng chống thấm Eliminator + lớp dính bám Bond Coat SA1030 + lớp hỗn hợp asphalt (bê tông nhựa) trên cùng của hãng Stirling Lloyd là một sản phẩm đã được HAPAS phê duyệt để ràng buộc điều kiện đối với nhà cung cấp vật liệu trong phần chuyển giao công nghệ của họ thì sẽ kiểm soát được chất lượng của hệ thống kết cấu lớp phủ mặt cầu Thăng Long ngay trong bước thi công thử nghiệm để từ đó kịp thời “áp dụng các biện pháp thích hợp khi phát hiện có khó khăn về kỹ thuật làm cho kết quả CGCN không đạt yêu cầu qui định trong hợp đồng, bồi thường thiệt hại cho bên nhận công nghệ” mà mục d) khoản 2, Điều 20, Chương II của Luật CGCN số 80/2006/QH11 đã qui định. Tất nhiên, rất đáng tiếc đó chỉ là “Nếu như”.

Điều làm tôi không thể giải thích được là tại sao giải pháp sử dụng màng chống thấm Eliminator dính bám bằng Bond Coat SA1030 phải là hỗn hợp asphalt có hàm lượng bitum thấp, độ rỗng cao như các tài liệu của hãng Stirling Lloyd đã công bố mà đối với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long này, họ lại chấp nhận lớp phủ trên cùng là SMA, hỗn hợp asphalt chứa hàm lượng bitum rất cao, ở đây là 6,5% (chưa kể sẽ còn tăng lên do SMA bị chảy nhựa)?

Phụ lục 2 của BC6/2010 có đề cập đến cuộc hội thảo ngày 24/4/2010, trong đó cho biết: “Các đại biểu tham dự hội thảo cũng nhất trí ý kiến cho rằng, trong quá trình chuyển giao công nghệ mới của hãng Stirling Lloyd về hệ thống các lớp dính bám và chống thấm các lớp mặt cầu đã không quy định rõ ràng và cụ thể các phương pháp kiểm soát và đánh giá khả năng dính bám của lớp Bond Coat với lớp chống thấm Eliminator, cũng như không có quy định cụ thể gì về việc thi công lớp bê tông nhựa SMA để đảm bảo khả năng dính bám giữa lớp Bond Coat với lớp chống thấm Eliminator ngoài việc chỉ yêu cầu nhiệt độ của lớp bê tông nhựa SMA không nhỏ hơn 900C”. Còn trách nhiệm, nghĩa vụ của hãng Stirling Lloyd theo qui định của Luật CGCN, với nhiệm vụ được ghi trong Quyết định số 1994/QĐ-CĐBVN “Phần công nghệ lớp dính bám và chống thấm: được thực hiện bởi chuyên gia nước ngoài của nhà thầu trúng thầu cung cấp vật liệu chống thấm cho gói thầu xây lắp” thì thật sự tôi không hiểu tại sao các bên tham gia hội thảo và BC6/2010 lại không hề đề cập đến?

Cũng không thể giải thích được tại sao TS. Low Boon Hwee - Trường Đại học Singapore, từng là thành viên Ban tổ chức Hội nghị khoa học về công nghệ mặt đường (SPT2006) tổ chức tháng vào 7/2006 tại Singapore, Technical Director Highway International Pte Ltd, tác giả của báo cáo “30 Years of Asphalt Mixture Production Technology Development in Singapore” tại Hội nghị ISAIA “International Symposium on Airfield Infrastructure of Airports - Engineering and Future Development” năm 2018…, là chuyên gia nước ngoài chịu trách nhiệm cả về thiết kế, chế tạo đối với SMA của dự án này như Quyết định số 1994/QĐ-CĐBVN đã ghi rõ “Phần công nghệ lớp bê tông nhựa SMA: do chuyên gia nước ngoài thực hiện” lại cho ra đời cấp phối SMA và tập Qui định kỹ thuật liên quan đến SMA sử dụng cho lớp phủ cầu Thăng Long có nhiều khác biệt so với SMA của các nước phát triển, dẫn đến hư hỏng toàn bộ kết cấu lớp phủ mặt cầu như đã phân tích ở trên?

Cũng trong Phụ lục 2 của BC6/2010 đã cho biết: “Qua trao đổi (?) với chuyên gia chuyển giao công nghệ bê tông nhựa SMA từ Singapore, Dr. Low Boon Hwee, các chuyên gia trong nước nhận thấy rằng (?) chuyên gia chuyển giao công nghệ bê tông nhựa SMA cho mặt cầu Thăng Long đã chưa quan tâm đầy đủ đến các yếu tố khác biệt giữa việc chuyển giao công nghệ bê tông nhựa SMA sử dụng cho bản mặt cầu thép và bê tông nhựa SMA sử dụng trong công trình xây dựng mặt đường thông thường..., do thiết kế không sử dụng cốt sợi cho SMA…”. Thế mà, cũng như đối với hãng Stirling Lloyd, thật sự tôi không hiểu tại sao các vị tham dự hội thảo và BC6/2010 lại không hề đề cập đến trách nhiệm, nghĩa vụ của Dr. Low Boon Hwee - “chuyên gia nước ngoài thực hiện phần công nghệ lớp bê tông nhựa SMA”??

Tuy nhiên, đó chỉ mới là “lỗ hổng” ở khâu quản lý chất lượng, còn nguyên nhân kỹ thuật, công nghệ xin được đề cập ở phần tiếp theo.

PGS. TS. Tống Trần Tùng
Cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận