Phần thứ tám: Vì sao không sử dụng “công nghệ gốc” của các chuyên gia Liên Xô trước đây, để thay mới lớp phủ mặt cầu chính cầu Thăng Long?
Trước hết, xin được nêu tóm tắt về “công nghệ gốc”, tức là giải pháp và công nghệ sử dụng cho lớp phủ mặt cầu Thăng Long của các chuyên gia Liên Xô khi xây dựng mới cây cầu này. Bí quyết là lớp dính bám giữa bản thép mặt cầu với lớp bê tông nhựa thông thường. Đó là lớp dính bám được bà chuyên gia Sakharova I. D. (Сахарова Инна Дмитриевна) đặt tên là Xlamor, một dạng hỗn hợp bê tông hạt nhỏ đặc biệt được kết dính không chỉ bằng xi măng mà có cả epoxy và một số phụ liệu, phụ gia khác.
Bà Sakharova đã bỏ ra mấy tháng trời nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm hiện trường trên mặt cầu thép cầu Thăng Long hồi đó để tìm ra các thành phần và tỉ lệ cấp phối của Xlamor, các chỉ tiêu cơ, lý, hóa cần có cũng như biện pháp thi công nhằm đảm bảo yêu cầu độ bền theo tuổi thọ thiết kế dưới tác động của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên, hay nói cách khác, vừa đảm bảo yêu cầu chịu lực, các yêu cầu dính bám, chống thấm và chống rỉ bản thép trong điều kiện nhiệt ẩm của Việt Nam.
Sau khi phun cát, tẩy rỉ bản thép mặt cầu, Xlamor được trộn tạo thành vữa trát lên bản thép. Đồng thời, các hạt đá dăm granit cỡ hạt 10 - 15 mm có cường độ 1.000 - 1.200 kg/cm2 được găm thủ công lên lớp vữa này. Ông Hoàng Minh Chúc - nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long cho biết, việc thi công lớp Xlamor chống thấm, dính bám và găm đá dăm này đã phải thực hiện trong 10 tháng, từ tháng 6/1984 đến tháng 3/1985.
Lớp Xlamor sau khi đông cứng đảm bảo dính kết với bản thép phía dưới và đủ đảm bảo chịu các lực phát sinh giữa mặt tiếp xúc của bề mặt Xlamor đã găm đá với lớp phủ bằng bê tông nhựa bên trên khi chịu các loại tải trọng và tác động theo yêu cầu của thiết kế. Và, bà Sakharova đã thành công. Sau hơn 20 năm khai thác, lớp bê tông nhựa bên trên bị lão hóa, nứt nẻ, dễ dàng cào bóc nhưng lớp Xlamor nhiều chỗ vẫn dính chặt lên bề mặt bản OSD, việc bóc bỏ và làm sạch rất khó khăn như đã đề cập ở phần 2. Nhược điểm của giải pháp là thi công chủ yếu bằng thủ công, thời gian kéo dài đến gần một năm.
Năm 2012, trang thông tin điện tử của Bộ GTVT Liên bang Nga (Минтранс России) đưa tin (ảnh 1):
30 июня 2012 года заместитель министра транспорта РФ H. А. Аcаул встретился с заместителем министра транспорта Социалистической Республики Вьетнам Нго Тхинь Дыком
Основной термой встречи стaло обсуждение вопpоca возмoжногo участия российской стороны в реконтpyкции построенного Советским Союзом автомобильно-железнодорожного моста “Тханг лонг”, который возвeдён в 1985 году при поддержкe CCCP.
H. А. Аcаул oтметил что двусторонние отношения имеют долгую пoлoжитeльную историю. По его словам, Россия внёсшая большой вклад в развитие инфраструктуры Вьетнама, продолжит укреплять политические и экономические связи со политические связи со странами азиатского региона.
По итогам встречи были достигнуты договорённоcтись об oкaзaнии российской стороной coдeйcтвия в реконтpyкции моста “Тханг лонг в Ханое, а также в обучении вьетнамских специалистов в российскиx транспортных вузах.
Tạm dịch:
Ngày 30 tháng 6 năm 2012, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Liên bang Nga N. A. Asaul đã tiếp Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nước CHXHCN Việt Nam Ngô Thịnh Đức.
Nội dung chính của cuộc gặp là thảo luận về khả năng tham gia của phía Nga trong việc sửa chữa cầu đường ô tô - đường sắt Thăng Long được xây dựng dưới thời Liên bang Xô viết năm 1985 với sự hỗ trợ của CCCP.
N. A. Asaul lưu ý rằng quan hệ song phương có một lịch sử lâu dài và tích cực. Theo ông, Nga là quốc gia có đóng góp to lớn vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với các nước trong khu vực châu Á.
Kết quả của cuộc họp, phía Nga đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ sửa chữa cầu Thăng Long ở Hà Nội, cũng như đào tạo các chuyên gia Việt Nam tại các trường đại học giao thông vận tải của Nga.
Sáu năm sau, theo trang thông tin điện tử của Bộ GTVT, ngày 06/9/2018, tại cuộc họp của Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể với các cơ quan, đơn vị liên quan về phương án sửa chữa, xử lý mặt cầu Thăng Long. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, Tổng cục ĐBVN đã liên hệ với chuyên gia Nga. Cụ thể ngày 01/8/2018, Tổng cục ĐBVN có thư đề nghị bà Sakharova hợp tác để sửa chữa mặt cầu Thăng Long và ngay trong thư trả lời trao đổi lần đầu tiên, bà ấy đã khẳng định có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế.
Tổng cục ĐBVN đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI đề xuất (đã đề cập trong phần thứ bảy ở trên) cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp. Tiếp đó, ngày 28/8/2018, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản số 5528/TCĐBVN-KHCN, MT&HTQT về việc mời bà Sakharova chuyên gia Nga và đại diện Công ty SK MOST sang khảo sát thực tế và trao đổi các phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ trao đổi, làm việc với phía Nga, sau đó Tổng cục sẽ có hướng hợp tác cụ thể.
Bộ trưởng Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương lập Dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long và thành lập Nhóm công tác của Bộ GTVT. Thành phần Nhóm công tác gồm một đồng chí thứ trưởng phụ trách, vụ trưởng các Vụ Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và một số chuyên gia để chuẩn bị các nội dung trao đổi, làm việc với đoàn chuyên gia của Nga.
Theo thông tin trên một số phương tiện truyền thông, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã bức xúc vì chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư mà cầu Thăng Long sửa chữa không xong!?
Ba ngày sau cuộc họp do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì nói trên, ngày 09/9/2018, báo Dân Việt đăng tải: “…khi đề cập đến việc mời chuyên gia của Nga, PGS. TS. Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ Quản lý và Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Công trình cầu Thăng Long được nhà thầu Nga thi công cách đây hơn 30 năm, trong suốt quá trình trên không xảy ra hỏng hóc, chứng tỏ chất lượng công trình rất tốt. Thế nhưng, từ khi Bộ GTVT sửa lại mặt cầu đưa vật liệu mới vào, mới xảy ra nhiều sự xuống cấp. Điều này chứng tỏ trình độ thi công của chúng ta còn kém, không nắm được kỹ thuật nên mời chuyên gia Nga là hoàn toàn đúng. Khi Bộ GTVT không thành công đáng lẽ phải mời từ lâu, giờ là hơi muộn”. Bài báo này của Dân Việt còn viết tiếp: “Theo ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, bản mặt cầu Thăng Long là dạng bằng kết cấu thép, tính chất mỏng, độ rung động và biến dạng rất lớn, cần phải có giải pháp sửa chữa, tăng cường xử lý vết nứt, sử dụng chất dính đặc biệt. Bởi cầu Thăng Long là công trình lớn, đã trên 30 năm, theo nguyên tắc cầu lớn như vậy phải có dự án tổng thể để đại tu, chứ không chỉ sửa chữa riêng phần mặt cầu”.
Khi đọc những dòng này trên báo, có lẽ tôi còn bức xúc hơn cả Bộ trưởng. Tôi bèn liên hệ với GS. TSKH. Nguyễn Viết Tuệ ở Đại học Tổng hợp Kỹ thuật (TU) Graz, Cộng hòa Áo - chuyên gia nổi tiếng về giải pháp tăng cường và sửa chữa mặt cầu OSD đưa ra ý tưởng sử dụng bê tông tính năng cao HPC hoặc bê tông siêu tính năng UHPC để sửa chữa mặt cầu Thăng Long. GS. TSKH. Tuệ đồng ý với tôi. Tôi đưa ý tưởng này bàn với anh Trần Đức Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng đề nghị Vĩnh Hưng hỗ trợ nhân sự và các điều kiện cần thiết khác để lập hồ sơ dự án đề xuất với Bộ GTVT. Anh Tiến hoàn toàn ủng hộ.
Chưa kịp triển khai công việc nói trên thì ngày 19/9/2018, tôi được Bộ GTVT mời dự cuộc họp do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chủ trì tiếp đoàn chuyên gia Nga và nghe họ trình bày về giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Thế nhưng, đến dự họp về phía đoàn chuyên gia Nga chỉ có 1 người là ông Kazaryan Vilhelm Yurievich (Казарян Вильгельм Юрьевич, là Tổng giám đốc Công ty Khoa học - Sản xuất SK MOST (генеральный директор ООО «НПП СК МОСТ»). Trang thông tin điện tử của Công ty này (http://www.nppskmost.ru) giới thiệu về ông như sau:
“Вехи карьеры: Инженер в проектном институте “Армгипротранс”, г. Ереван; аспирантура “ЦНИИПроектстальконструкция”, г. Москва, сотрудник научно-исследовательского института “СоюздорНИИ”; старший инженер, заведующий лабораторией мостового полотна отдела искусственных сооружений ОАО “СоюздорНИИ”; генеральный директор ООО “НПП СК МОСТ”.
Общественная/политическая деятельность Вице-президент Балашихинской торгово-промышленной палаты, член президиума Совета директоров городского округа Балашиха, член партии “Единая Россия””.
Tạm dịch:
Các mốc sự nghiệp: Kỹ sư tại Viện Thiết kế "Armgiprotrans", Yerevan; nghiên cứu sau đại học tại “ЦНИИПроектстальконструкция” Thành phố Москва, nhân viên của Viện Nghiên cứu “СоюздорНИИ”; kỹ sư cao cấp, Trưởng phòng Thí nghiệm mặt đường thuộc bộ phận kết cấu nhân tạo của Công ty Cổ phần “СоюздорНИИ”; Tổng giám đốc SK MOST.
Hoạt động xã hội/chính trị: Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Balashikha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng quản trị đô thị Balashikha, Đảng viên Đảng Nước Nga thống nhất.
Ghi chú: Balashikha (Балашиха) là một huyện hành chính tự quản của Moskva, Nga, có diện tích 243 km2, dân số 518.591 người (số liệu năm 2021).
Thế nhưng, không hiểu từ nguồn tài liệu nào mà có người lại khẳng định ông Kazaryan là Tiến sĩ, là Viện sĩ Viện Hàn lâm xây dựng Armenia, là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và thiết kế, sửa chữa cầu... của nước Nga.
Ông ta đã trình bày những nhận xét ban đầu về cầu Thăng Long sau khi đã rà soát thực tế mặt cầu cùng cán bộ của Tổng cục ĐBVN (ảnh 2) và các kết cấu dàn thép cũng như đưa ra một số giải pháp để sửa chữa thay thế lớp phủ hiện tại, trong đó tập trung vào giải pháp sử dụng bê tông siêu tính năng UHPC và hỗn hợp nhựa đúc Gussasphalt MA. Cụ thể là cần bóc bỏ kết cấu áo đường cũ gồm các lớp bê tông nhựa, lớp vật liệu dính bám Novabond và lớp chống thấm Eliminator, hàn các đinh neo lên bề mặt bản thép đã được làm sạch, đổ lớp UHPC dày 4 - 6 cm, tạo lớp màng chống thấm mới; thảm lớp hỗn hợp nhựa đúc Gussasphalt MA.
Điều làm tôi ngạc nhiên là không thấy ông ta nói gì về vật liệu Xlamor cũng như giải pháp cho lớp phủ mặt cầu trước đây, “công nghệ gốc” của bà Sakharova cả. Trong trang thông tin điện tử nói trên của Công ty do bà sáng lập đã đề cập đến những thành tựu của bà trong lĩnh vực này và cho biết: “Она является соавтором новых гидроизоляционных материалов и конструкций дорожных одежд с их применением: Мостопласт, Дальмостпласт, Люберитмост (г.Люберцы), Техноэластмост, Инопластмост и другие”
Tạm dịch:
Bà ấy là đồng tác giả của các vật liệu chống thấm và kết cấu mặt đường mới với ứng dụng của chúng: Mostoplast, Dalmostplast, Luberitmost (Lyubertsy), Technoelastmost, Inoplastmost và những loại khác”.
Thế nhưng không hiểu sao trong các vật liệu nêu trên không có vật liệu chống thấm và dính bám Xlamor đã được bà chế tạo và sử dụng thành công ở cầu Thăng Long.
Được phép phát biểu, tôi ủng hộ các phương án của ông Kazaryan vừa giới thiệu và nói rõ các giải pháp tăng cường sửa chữa mặt cầu bản thép trực hướng OSD mà ông đã trình bày là khả thi vì đã được các nước ở châu Âu như Áo, Hà Lan, Pháp, Đức… áp dụng thành công từ những năm đầu thế kỷ XXI. Riêng phương án sử dụng Gussasphalt MA thì gần 20 năm trước, Bộ GTVT đã có kế hoạch áp dụng thử nghiệm cho mặt cầu thép cầu Bến Cốc với sự trợ giúp của các chuyên gia Đức và Nhật Bản nhưng không triển khai được vì phải nhập toàn bộ dây chuyền từ trạm trộn, hệ thống máy rải… với kinh phí lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, bộ thiết bị này sau đó không được sử dụng tiếp vì số lượng những cây cầu có mặt cầu bằng thép ở Việt Nam rất ít. Tôi cũng bổ sung thêm là phương án sử dụng Gusasphalt MA mà ông Kazaryan đề xuất lựa chọn cũng đã được tư vấn KEI của Nhật Bản lựa chọn nhưng cũng vì lý do phải nhập dây chuyền thiết bị chỉ sử dụng một lần nên năm 2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định “là không phù hợp, gây lãng phí và không đủ điều kiện để xem xét”.
Để Bộ GTVT có thêm phương án so sánh với hồ sơ dự án của phía Nga trong thời gian tới, tôi đã tranh thủ báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Văn Công là một nhóm chúng tôi cũng đang chuẩn bị tiến hành nghiên cứu và sẽ trình Bộ GTVT một bộ hồ sơ dự án khả thi tăng cường sửa chữa mặt cầu thép cầu chính Thăng Long cũng bằng UHPC mà không yêu cầu Bộ GTVT cấp kinh phí. Nếu phương án chúng tôi được chọn thì mới đề nghị Bộ GTVT giao cho chúng tôi thực hiện các bước sau thông qua việc ký hợp đồng với một công ty tư vấn do chúng tôi chọn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã nói ngay trước cuộc họp là việc hợp tác với phía Nga đã được thống nhất trong lãnh đạo Bộ GTVT, đã đưa vào kế hoạch thực hiện nên Bộ không thể tiếp nhận đề xuất của chúng tôi được. Tôi đã thông báo lại với GS. TSKH. Nguyễn Viết Tuệ và anh Trần Đức Tiến là đành tạm gác dự định nghiên cứu lập hồ sơ sửa chữa cầu Thăng Long bằng UHPC vì lãnh đạo Bộ GTVT sẽ không sử dụng đến do đã có kế hoạch hợp tác với các chuyên gia của Nga.
Ngày 22/9/2018, Tổng cục ĐBVN đã ký biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục ĐBVN và ông Kazaryan đại diện Công ty Khoa học - Sản xuất SK MOST.
Sau chuyến sang Việt Nam của ông Kazaryan, trang thông tin điện tử của Công ty SK MOST đã chính thức đưa tin:
“С 17 по 22 сентября 2018 года по приглашению Министра транспорта Вьетанама В.Ю. Казарян посетил Республику Вьетнам
В настоящее один из крупнейших мостов во Вьетнаме - Тханг Лонг требует ремонта. Представители Министерства транспорта Вьетнама, посещавшие ООО "НПП СК МОСТ" в 2012 году, обратились к Сахаровой Инне Дмитриевне за профессиональной помощью, ведь этот мост в начале восьмидесятых был спроектирован и построен с её участием! Особенностью моста является температурно-неразрезная цепь пролетного строения длиной 724 метра с одним деформационным швом.
Министерством транспорта Республики Вьетнам на сегодняшний день активно ведутся переговоры и консультации по выбору технологий и материалов для выполнения работ по ремонту моста. Во время визита во Вьетнам Вильгельм Юрьевич Казарян провел осмотр моста, и по итогам было сформировано заключение о необходимости полной замены конструкции дорожной одежды на ортотропной плите. ООО "НПП СК МОСТ" готово разработать проект ремонта моста с применением наиболее эффективных материалов и технологий, о чем было доложено министру транспорта Республики Вьетнам”
Tạm dịch:
“Ông W.Y. Kazaryan thăm CHXHCNVN Việt Nam từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 9 năm 2018 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Hiện nay, một trong những cây cầu lớn nhất Việt Nam là cầu Thăng Long cần được sửa chữa. Đại diện Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, người đã đến thăm Công ty SK MOST vào năm 2012 đã nhờ Inna Dmitrievna Sakharova giúp đỡ về chuyên môn, vì cây cầu này được thiết kế và xây dựng với sự tham gia của bà vào đầu những năm tám mươi! Điểm đặc biệt của cây cầu là chuỗi liên tục nhiệt của kết cấu mặt cầu dài 724 mét chỉ với một khe co giãn. Bộ Giao thông vận tải Nước CHXHCN Việt Nam hiện đang tích cực đàm phán và lựa chọn công nghệ và vật liệu để sửa chữa cây cầu này. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Wilhelm Yuryevich Kazaryan đã kiểm tra cây cầu và kết luận cần phải thay thế hoàn toàn kết cấu phủ mặt cầu bản thép trực hướng. Công ty NPP SK MOST LLC sẵn sàng phát triển dự án sửa chữa cầu bằng vật liệu và công nghệ hiệu quả nhất, đã được báo cáo với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam”.
Một lần nữa, sau khi ông Kazaryan đã sang Việt Nam, trang tin của Công ty SK MOST do bà Sakharova sáng lập cũng chỉ nhắc đến “Điểm đặc biệt của cây cầu là chuỗi liên tục nhiệt của kết cấu mặt cầu dài 724 mét chỉ với một khe co giãn” chứ không hề đả động gì đến vật liệu chống thấm, dính bám Xlamor làm nên “công nghệ gốc” năm xưa cho kết cấu OSD của cầu Thăng Long cả.
Sau cuộc họp với chuyên gia Nga mấy hôm, nhân chuyến công tác ở Australia ghé qua Việt Nam và được Bộ GTVT đồng ý, GS. TSKH. Nguyễn Viết Tuệ đã có một buổi thuyết trình tại Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chủ trì về giải pháp sử dụng UHPC để tăng cường và sửa chữa mặt cầu bản thép trực hướng OSD. Tại buổi thuyết trình này, GS. TSKH. Tuệ cũng đã bày tỏ nguyện vọng được đem kiến thức và kinh nghiệm của bản thân và sẽ phối hợp với các chuyên gia trong nước để tham gia nghiên cứu thiết kế sửa chữa và tăng cường cầu Thăng Long. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ghi nhận nguyện vọng của GS. TSKH. Tuệ và cho biết sẽ báo cáo Bộ trưởng.
Tất nhiên, sau buổi thuyết trình, tôi đã kể cho GS. TSKH. Tuệ biết rõ hơn về việc tại sao Bộ GTVT không đồng ý cho chúng ta chuẩn bị một bộ hồ sơ độc lập.
Ngày 08/10/2018, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản số 6647/TCĐBVN-KHCN, MT&HTQT gửi Công ty SK MOST về việc triển khai đề xuất khảo sát, thiết kế và giá trị dự toán để lập phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Hai tuần sau, ngày 22/10/2018 phía Nga đã có thư gửi Tổng cục ĐBVN nhắc lại vấn đề cần phải thay toàn bộ kết cấu lớp áo đường trên mặt cầu và đề nghị phía Việt Nam cần cung cấp các thông số bản trực hướng, sườn tăng cường dọc và ngang để phía Nga có thể tính toán thiết kế sửa chữa mặt cầu. Đặc biệt, phía Nga còn đề nghị phía Việt Nam ký hợp đồng với Công ty SK MOST để triển khai lập dự án.
Theo ông Nguyễn Trung Sỹ - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ cung cấp thông tin trên báo Vietnam.net thì phía Nga còn “đưa ra yêu cầu phải trả 7% trên tổng giá trị sửa chữa (khoảng 14 tỷ đồng) và phải chuyển tiền trước” và “Do luật của Việt Nam không được phép chuyển tiền trước nên dù đàm phán đi, lại, cuối cùng việc Nga tham gia sửa chữa cầu Thăng Long không thành”.
Ông Nguyễn Trung Sỹ còn cho biết thêm: “Tháng 7/2019, qua đường ngoại giao, Bộ Kinh tế Nga trả lời Bộ Công thương Việt Nam là phía Nga rút mục sửa mặt cầu Thăng Long ra khỏi danh mục hợp tác giữa hai Chính phủ”.
Vietnam.net còn đặt câu hỏi về thông tin mặt cầu Thăng Long từng được doanh nghiệp Mỹ mời chào sửa chữa theo công nghệ của Mỹ thì ông Sỹ nói rõ, thực tế có một vài doanh nghiệp của Mỹ đến chào hàng, nhưng qua tiếp xúc họ chỉ chào mỗi keo dính bám mặt đường, không đủ tin cậy nên Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN không thể hợp tác.
Câu hỏi vì sao không sử dụng “công nghệ gốc” - giải pháp của các chuyên gia Nga để thay mới lớp phủ mặt cầu chính cầu Thăng Long đã được Cục trưởng Nguyễn Trung Sỹ giải đáp rất rõ ràng.
Thay lời kết cho phần này, xin được giới thiệu một dự án của SK MOST vừa hoàn thành vào tháng 9/2021 vừa qua đã được đưa tin kèm theo hình ảnh trên trang nppskmost.ru. Đó là dự án “Đại tu cây cầu bắc qua sông Каменка trên phố Коровники ở TP. Суздаль, tỉnh Владимир - Выполнение работ по капитальному ремонту моста чере р.Каменка по ул. Коровники в г.Суздаль Владимирской области”, tỉnh này cách Москва hơn một trăm cây số về phía Đông.
Tại dự án này, theo nppskmost.ru., “một công nghệ hoàn toàn mới đã được áp dụng, phát triển bởi SK MOST” và đã được cấp Bằng sáng chế “Phương pháp gia cố nhịp cầu” số 2640855 ngày 12.01.2018. Giải pháp gồm 4 công đoạn chính:
1) Bổ sung các bó cáp dự ứng lực dọc cầu (ảnh),
2) Kết nối từng cặp 2 bản bụng của dầm chữ T bằng một bản đáy để biến 6 dầm chữ T thành 3 dầm hộp (ảnh)
3) Bổ sung cáp dự ứng lực hai bên xà mũ (ảnh)
4) Bổ sung 1 lớp bê tông cốt thép để tăng cường cho bản mặt cầu (ảnh)
Sau khi sửa chữa và tăng cường, cầu được mở rộng từ 7 - 9 m, vỉa hè hai bên từ 0,9 m tăng lên thành 1,5 m. Ngày 18/10/2021, cây cầu này đã được thông xe.
PGS. TS. Tống Trần Tùng
Cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.