Chuyện những nhân viên đường sắt ăn Tết trên tàu Bắc - Nam

Tác giả: Phương Vũ

saosaosaosaosao
Xã hội 30/01/2022 15:19

Tết là mùa của sự đoàn viên, sum vầy nhưng với những cán bộ, nhân viên phục vụ tàu khách, Tết lại gắn liền với những chuyến đi xa nhà.

IMG_5232
Anh Đặng Văn Hưng - Trưởng tàu khách SE đã đón không biết bao nhiêu cái Tết ở trên tàu

Con chưa bao giờ ăn Tết trọn vẹn với bố

Đã 17 năm làm việc trong ngành Đường sắt, anh Đặng Văn Hưng, 40 tuổi, Trưởng tàu khách SE không nhớ mình đã đón bao nhiêu cái Tết ở trên tàu. Chia sẻ với PV Tạp chí GTVT, anh Hưng cho biết, hồi bé, anh thường ngắm nhìn những đoàn tàu chạy qua với sự thích thú lạ thường, dần dần niềm đam mê với những chuyến tàu đã hình thành trong anh từ lúc nào không hay. Lớn lên, anh theo học chuyên ngành vận tải đường sắt của Trường Cao đẳng GTVT rồi học liên thông lên Đại học GTVT. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu gắn liền cuộc đời mình với những chuyến tàu rong ruổi vào Nam ra Bắc.

Năm nay anh Hưng đi tàu Tết từ 20/1 đến 31/1/2022. Khác với những năm trước, mùa Tết này, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên tổ tàu làm việc theo hình thức “bong bóng”, khép kín hoàn toàn. Mọi năm, sau mỗi chuyến tàu vào Nam ra Bắc, anh Hưng cũng như các CBNV phục vụ tàu Tết được về nhà nghỉ thay phiên theo ban, kíp nhưng năm nay họ sẽ nghỉ tại nhà lưu trú do cơ quan bố trí rồi quay vòng đi tiếp chuyến khác luôn. Đến 31/1, kết thúc hành trình cuối cùng, anh Hưng và các đồng nghiệp sẽ phải test covid-19 rồi mới được về nhà. 

Trong 17 năm làm việc trên những chuyến tàu, dù có không ít kỷ niệm vui nhưng nhắc đến Tết với anh Hưng chủ yếu là kỷ niệm buồn. “Khi tàu đi qua những vùng miền, nhìn qua khung cửa sổ thấy cảnh người ta sum vầy, tôi và các anh em đồng nghiệp lại thấy buồn vô cùng. Bình thường thì quen rồi nên cũng không thấy buồn lắm nhưng cứ dịp Tết là lại nhói lòng.” – Anh Hưng tâm sự.

Những lúc ấy, sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo Ngành, công ty thông qua những mâm cơm tất niên chuẩn bị cho anh em ăn Tết dọc đường hay những phong bao lì xì nho nhỏ cũng giúp anh em tổ tàu cảm thấy ấm áp hơn và vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.

Chia sẻ thêm với PV, anh Hưng cho biết mình có 3 con, bé lớn nhất học lớp 9, bé nhỏ nhất học lớp 2. Vợ anh hiện đang công tác tại một doanh nghiệp tư nhân nên từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, ba anh chị em phải tự ở nhà trông nhau. Hầu như năm nào anh Hưng cũng phải đi làm ngày Tết, tùy theo phân công mà có năm đi Mùng 1, có năm đi Mùng 2. Từ bé các con của anh đã nhận thức được công việc của bố thường xuyên phải đi xa nên cũng không vòi vĩnh, đòi hỏi gì.

“Từ khi sinh ra đến giờ chưa bao giờ các con được ăn Tết trọn vẹn với bố.” – anh Hưng nói. “Cũng may là vợ tôi rất thông cảm và thấu hiểu bởi thời điểm lễ, Tết mới là lúc ngành Đường sắt có công ăn việc làm, người ta nghỉ thì mình phải làm.”

Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng vận tải của ngành Đường sắt. Khách thưa thớt, ngành Đường sắt phải cắt giảm bớt lượng tàu, từ 4-5 tàu xuống chỉ còn 1 tàu chạy nên các anh em phục vụ tàu khách phải thay nhau nghỉ luân phiên, thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn hơn trước nhiều. Tính cả Tết này, anh Hưng mới đi làm được 3 tháng trong năm.  

“Chúng tôi tự nguyện xin tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng thực tế thì cũng không có việc để làm, rơi vào hoàn cảnh này thì mình phải chia sẻ khó khăn chung của ngành. Trong thời gian nghỉ cũng không được đóng BHXH. Đợt vừa rồi nhận được khoản trợ cấp khoảng 3 triệu cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên anh em chúng tôi cũng được động viên phần nào.” – Anh Hưng cho hay.

IMG_5237
Đại dịch Covid-19 đã khiến những chuyến tàu trở nên thưa thớt hành khách hơn

Nam giới vất vả 1 thì phụ nữ vất vả 10

Cái nghề đi tàu này với nam giới đã vất vả nhưng với phụ nữ thì còn mệt mỏi hơn gấp trăm lần. “Các chị em tổ tàu xinh lắm nhưng đi làm đêm suốt nên cũng bớt xinh đi nhiều.” - Câu nói của anh Hưng phần nào toát lên được nỗi vất vả của các đồng nghiệp nữ trong tổ phục vụ tàu khách.

“Chị cứ thử đi làm một đêm mà xem, 10h đêm xuất phát từ Hà Nội, 7h sáng hôm sau đến Đồng Hới, người bình thường thức dậy mắt còn cay mà tổ tàu phải tác nghiệp xuyên đêm. Hai mắt trũng sâu, tóc rối xù nhưng vẫn phải vội vội vàng vàng cào lại tóc tai để chạy đi làm. Hầu như cả đêm không được ngủ, tranh thủ chợp mắt lúc nào hay lúc đấy thôi. May ra thì lúc 4h sáng đến ga Đồng Lê, thời gian đỗ dài mới tranh thủ nhắm mắt được một chút.”

Đó là còn chưa kể sức ép từ phía gia đình. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga, 40 tuổi, làm nhân viên phục vụ tàu khách từ năm 23 tuổi, cho biết: “Ông xã nhiều lần bảo tôi bỏ nghề đi nhưng đã theo nghề mười mấy năm rồi, tôi chưa bao giờ có ý định đó.”

Chị Nga tâm sự thêm, bố mẹ chị đều công tác trong ngành Đường sắt nên đã sớm định hướng con gái theo ngành này. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Đường sắt, chị ra trường làm việc khác một thời gian rồi mới vào ngành làm. 17 năm làm nghề cũng là 17 năm chị thường xuyên xa nhà, xa chồng con. Con chị năm nay học lớp 6, bình thường hai vợ chồng thay nhau trông con, nhưng có lúc cả hai anh chị đều đi làm thì phải gửi con cho hàng xóm hoặc đồng nghiệp.

IMG_5227
Chị Nguyễn Thị Nga - nhân viên phục vụ tàu khách cho biết mình chưa bao giờ có ý định bỏ nghề dù chịu nhiều áp lực, thiệt thòi

Đã đón không biết bao nhiêu giao thừa trên tàu, ấn tượng của chị Nga về cái Tết chủ yếu là Sài Gòn. “Ba năm trước hầu như cứ mùng 1 là ở trong Sài Gòn.” – Chị Nga tâm sự.

“Tết không được ở gần chồng con mình cũng tủi thân lắm. Những lúc ấy, được anh em tổ tàu chia sẻ, động viên rồi cả tổ tàu và hành khách đón Tết cùng nhau nên cũng thấy ấm áp hơn. Nhớ nhà quá thì tranh thủ gọi điện về cho chồng con sau đó lại phải tự hòa mình vào công việc để quên đi thôi.” - Chị Nga nói.

Năm nay cũng như các anh chị em đồng nghiệp, chị Nga nghỉ ở nhà nhiều vì không có việc, con quen mẹ ở nhà nên Tết đến lại càng quấn mẹ hơn, năn nỉ mẹ đừng đi. Chị cũng đành nuốt nước mắt vỗ về con chịu khó vì cả năm nay hầu như không có thu nhập, chỉ có mỗi đợt lễ, Tết có việc. Chị Nga không thể làm thêm nghề tay trái vì công việc chính giờ giấc không cố định, khó sắp xếp thời gian. Không chỉ chịu áp lực về kinh tế, gia đình, chị Nga và các đồng nghiệp phải chịu cả những ảnh hưởng về sức khỏe. Do đã quen nhịp sinh hoạt khi đi làm nên hầu như ai cũng bị rối loạn đồng hồ sinh học, ngày nghỉ cũng ngủ đêm trằn trọc, không sâu giấc. Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị Nga và các đồng nghiệp vẫn một lòng quyết tâm theo nghề.

Năm mới, anh Hưng và chị Nga cũng như các anh em trong tổ tàu chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để những chuyến tàu đông khách trở lại, công ăn việc làm cũng như thu nhập của người lao động ngành Đường sắt được ổn định hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận