Công khai minh bạch sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ

An toàn giao thông 29/03/2016 06:24

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đối với hoạt động thu chi khi sử dụng vốn từ nguồn Quỹ BTĐB trong năm 2016.

Chất lượng bảo trì được nâng cao

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trong năm 2015, Tổng cục ĐBVN đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo dưỡng chất lượng, bảo trì hệ thống quốc lộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức bảo trì. Đặc biệt, Tổng cục đã hoàn thành 100% khối lượng công việc bảo dưỡng định kỳ và thường xuyên theo kế hoạch vốn giao năm 2015 và kế hoạch đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cả nước theo Đề án đổi mới toàn diện công tác bảo trì quốc lộ.

IMG_1821
Đưa công nghệ cào bóc tái chế vào bảo trì đường bộ

Công tác quản lý chất lượng, bảo trì hệ thống quốc lộ được tăng cường ngay từ khâu lập, thẩm định dự án bảo trì đường bộ; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp kỹ thuật phù hợp hơn so với giải pháp kỹ thuật tư vấn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong tất cả các giai đoạn lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu các dự án bảo trì đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới và vật liệu tiên tiến trong lĩnh vực bảo trì đường bộ như bê tông nhựa polyme, bảo trì mặt đường bằng công nghệ microsurfacing, công nghệ xử lý chống thấm và thoát nước mặt cầu baradrain của Nhật Bản, công nghệ cào bóc tái chế…

Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, tính đến thời điểm này đã có 127/129 gói thầu quản lý, bảo dưỡng quốc lộ được đấu thầu, hiện còn 2 gói chưa tổ chức đấu thầu là đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng giá bảo dưỡng 3 năm (2015 - 2017) của các gói thầu là 1.481,95 tỷ đồng, qua đấu thầu đã tiết kiệm được 82,049 tỷ đồng.

Cũng theo ông Huyện, trong năm qua, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các cục QLĐB, sở GTVT tiến hành các chiến dịch sửa chữa và thực hiện việc đảm bảo ATGT dịp lễ, Tết và đặc biệt là phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp Đại hội Đảng các cấp; thiết lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của tổ chức, cá nhân và cộng đồng về hư hỏng, xuống cấp quốc lộ đang quản lý, quốc lộ đang đầu tư xây dựng cơ bản; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cục QLĐB, sở GTVT rà soát, đánh giá tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để sửa chữa, bổ sung nhằm duy trì tốt chất lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ đang quản lý; đưa hệ thống giao thông thông minh (ITS) vào vận hành khai thác trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Cũng theo Tổng cục ĐBVN, trong năm 2015, Tổng cục đã hoàn thành một số nội dung công việc như: Tổng rà soát lại hệ thống dữ liệu quốc lộ đang quản lý bảo trì; công bố tải trọng cầu, khổ giới hạn đường bộ trên toàn bộ hệ thống quốc lộ, các tuyến, đoạn tuyến được sửa chữa định kỳ giai đoạn 2011 - 2015, làm cơ sở đánh giá chất lượng công tác bảo trì giai đoạn này và phục vụ việc lập kế hoạch bảo trì giai đoạn 2016 - 2020; rà soát, phân loại cấp kỹ thuật toàn bộ hệ thống quốc lộ phục vụ vận tải và quy hoạch chiến lược; tham gia kiểm tra, đánh giá thiệt hại lụt bão và tình hình khắc phục hư hại công trình cầu đường bộ do thiên tai gây ra trên một số tuyến quốc lộ thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung; trả lời kịp thời các kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực bảo trì; tham mưu Bộ GTVT về việc nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lên quốc lộ, khắc phục hư hỏng mặt đường dạng hằn lún vệt bánh xe trên các quốc lộ trong phạm vi bảo trì, đặc biệt các tuyến quốc lộ trọng điểm như QL1, QL5, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tổ chức tiếp nhận các dự án đầu tư hoàn thành đưa vào quản lý, khai thác...

Tuy nhiên, hiện còn 413 cầu cắm biển hạn chế tải trọng theo loại xe, 124 cầu trên tuyến mới nâng thành quốc lộ cắm biển tròn 115 (chưa tính đổi theo 3 loại xe), 324 cầu thiết kế với tải trọng thấp hơn H30 - XB80 hoặc HL93 đang khai thác nhưng chưa cắm biển (đây cũng là các cầu trên tuyến mới nâng thành quốc lộ).

Năm 2016, bước tiến trong quản lý thu chi

Đánh giá về hoạt động của Quỹ BTĐB, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Quỹ BTĐB Trung ương có trách nhiệm rất lớn trong việc duy tu, sửa chữa đường bộ. Qua 3 năm thực hiện thu phí BTĐB, đặc biệt là năm 2015, Quỹ đã có nhiều cải tiến. Cụ thể, thay việc đặt hàng bằng đấu thầu trong việc sửa chữa tập trung và hầu hết các đơn vị ngoài Bộ GTVT làm công tác duy tu, bảo dưỡng là chính. Cái được trong năm qua là đã kiểm soát được tiền bảo trì; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về hoạt động của Quỹ BTĐB… Theo đó, Tổng cục ĐBVN và các địa phương chủ động về nguồn kinh phí phục vụ việc sửa chữa cầu đường. Tuy nhiên, nhân dân đòi hỏi chúng ta rất lớn trong việc thu phí phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả sử dụng nguồn thu này. Trong các cuộc họp, chúng ta đều đưa ra mục tiêu sử dụng nguồn thu này như thế nào để tránh được thất thoát, đảm bảo công bằng giữa các địa phương.

Đối với nhiệm vụ năm 2016, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng và lập kế hoạch bảo trì đường bộ đi vào ổn định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, không có chuyện “xin - cho” mà phải dựa vào thực tế. Trong đó, Tổng cục ĐBVN, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Văn phòng Quỹ phải phối hợp công tác để đáp ứng được yêu cầu duy tu, sửa chữa kịp thời.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị phải giữ đúng tỷ lệ chi thường xuyên hàng năm. Văn phòng Quỹ BTĐB xây dựng biểu báo cáo để thấy được hàng quý đã sửa chữa được bao nhiêu cầu, bao nhiều đường, bao nhiêu quốc lộ, tỉnh lộ… Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông xây dựng quy trình cụ thể về sửa chữa thường xuyên; xây dựng tiêu chuẩn nhà thầu tham gia dự thầu và tiêu chí đấu thấu bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa một số văn bản chỉ đạo như Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT.

Ý kiến của bạn

Bình luận