Công nghệ là "Điểm tựa"

15/02/2016 11:07

Năm 2015, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đưa vào khai thác, nhiều dự án được ứng dụng công nghệ hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam như: Cọc vây ống thép ở cầu Nhật Tân, công nghệ dùng phụ gia tăng cường ổn định bê tông nhựa (BTN), BTN có thành phần cao su hóa để tăng cường độ bền cũng như khả năng chống hằn lún... Có thể nói, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ của dự án. Dưới đây, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KHCN để thấy rõ hơn hiệu quả của KHCN trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.

PV: Năm 2015 có nhiều công trình dự án lớn của ngành GTVT được đưa vào sử dụng, việc ứng dụng KHCN đã góp phần không nhỏ vào những thành công đó, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

PGS. TS. Hoàng Hà: Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, năm 2015 là năm gấp rút triển khai khẩn trương để hoàn thành rất nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT, trong đó có 2 đại dự án là Dự án mở rộng QL1 và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã cán đích trước tiến độ. Vụ KHCN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp một cách gắn bó, nhịp nhàng nhất về chất lượng và tiến độ công trình để kịp thời giải quyết rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể, để đảm bảo thi công đẩy nhanh tiến độ trên QL1, Vụ KHCN đã ban hành 4 thông tư về quản lý và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về quản lý chất lượng nhựa đường, quản lý vật liệu đầu vào, ban hành hướng dẫn sử dụng thiết kế, thi công, nghiệm thu các lớp BTN mà thích ứng với điều kiện, lưu lượng xe lớn và tải trọng nặng để phù hợp với điều kiện thực tế của dự án; triển khai hàng loạt công nghệ mới như: Công nghệ dùng phụ gia tăng cường ổn định BTN để nâng cao chất lượng lớp BTN nhằm đáp ứng nhu cầu cho những đoạn tuyến có mật độ xe lưu lượng lớn.

Điều quan trọng là việc ứng dụng KHCN rất kịp thời, cần là có ngay. Ví dụ, khi xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, hàng loạt biện pháp thích ứng linh hoạt được triển khai để đưa ra hướng xử lý cho từng đoạn tuyến, như: Triển khai phối hợp các phụ gia tăng cường dính bám để đáp ứng nhu cầu sử dụng các loại đá mà khả năng dính bám kém ở khu vực miền Trung, như đoạn qua Khánh Hòa thì phải dùng phụ gia để tăng cường dính bám giữa đá với nhựa, đưa giải pháp công nghệ cào bóc tái chế để sửa chữa hư hỏng do hằn lún, từ đó đã khắc phục, đảm bảo yêu cầu của thiết kế.

Công nghệ là Điểm tựa
Công nghệ lao lắp dầm Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện

Bên cạnh đó, Vụ KHCN đã cho nghiên cứu, ứng dụng thành công BTN rỗng để vừa thoát nước tốt, vừa tạo nhám, tạo cường độ theo công nghệ Nhật; nghiên cứu và đưa vào sử dụng loại BTN có thành phần cao su hóa để tăng cường độ bền cũng như khả năng chống hằn lún. Có những chỉ dẫn về mặt quy trình thi công, tăng cường lu lèn, kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, chỉ rõ yêu cầu của các chủ thể như ban QLDA, tư vấn giám sát, nhà thầu, tư vấn thiết kế phải làm gì để đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã ứng dụng, thử nghiệm công nghệ mới gia cố nền đất của đường ô tô trước khi làm lớp mặt bên trên, đây là công nghệ thế giới đang triển khai.

Hiện tại, nhu cầu ứng dụng KHCN trong ngành GTVT là rất lớn, chính vì vậy, cái gì mới, đem lại hiệu quả cao là chúng tôi nghiên cứu triển khai ngay. Một giải pháp công nghệ có hiệu quả, tiết kiệm thì sẽ giảm được rất nhiều kinh phí. Đơn cử như khi triển khai thực hiện Dự án mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Vụ KHCN đã tập trung lực lượng rà soát đánh giá lại, gia cố, thay đổi giải pháp, thiết kế và tìm giải pháp hữu hiệu hơn để giữ lại những cầu còn sử dụng được, nhằm tiết giảm ngân sách.

Có thể khẳng định, năm 2015 là một năm rất sôi động và hiệu quả của KHCN, tạo niềm phấn khởi cho những người làm công tác KHCN. Những ý kiến đóng góp, nhận xét của chúng tôi đều có tác dụng rất tốt để các đơn vị tiếp thu và chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực khác như cơ khí cũng được chú trọng triển khai và hỗ trợ nghiên cứu về thiết kế ô tô buýt năng lượng sạch hybrid bảo vệ môi trường và đang thử nghiệm loại công nghệ đặc biệt tách hydro ra khỏi ô-xy, tận dụng tối đa hiệu quả của nhiên liệu ứng dụng trong các động cơ diesel tàu thủy, ô tô, tàu hỏa.

Với những nỗ lực, đặc biệt là của các cơ quan KHCN, trong năm qua, chúng tôi đã có những đóng góp trực tiếp và đáng kể trong việc quản lý chất lượng công trình, sản phẩm của ngành GTVT.

PV: Để phát huy hơn nữa hiệu quả của KHCN trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xin ông cho biết chiến lược của Ngành về việc ứng dụng KHCN thời gian tới?

PGS. TS. Hoàng Hà: Nói đơn giản là coi KHCN là động lực của sản xuất, phải bám vào mục tiêu và chủ trương của ngành GTVT, từ đó đưa ra các giải pháp công nghệ cho hiệu quả. Mục tiêu xuyên suốt của Ngành là nâng cao hơn nữa chất lượng công trình, sản phẩm ngày càng phải hoàn thiện hơn, tiện ích hơn. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung vào các công nghệ bảo trì, quản lý, khai thác, vận hành, đánh giá kết cấu hạ tầng giao thông. Gần đây, Ngành đã triển khai công nghệ phủ một lớp BTN đặc biệt lên trên bề mặt mặt đường để đảm bảo độ nhám, kín nước và tăng độ bền. Đây là công nghệ rất mới và hiện đại của thế giới.

Với tính ưu việt đó, chúng tôi đã quyết tâm đưa vào và thử nghiệm trên đường Hồ Chí Minh, QL1 để duy trì chất lượng; đồng thời cải tiến công nghệ tạo nhám cho hệ thống đường cao tốc để đảm bảo an toàn cho khai thác. Bên cạnh đó, hệ thống thu phí đã thử nghiệm xong và sẽ triển khai hệ thống thu phí không dừng để đảm bảo tốc độ chạy xe, hiệu quả thu phí; tiếp tục triển khai hệ thống giao thông thông minh để điều hành, quản lý, vận hành tốt hệ thống một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Năm vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thiện và ban hành quy chuẩn về biển báo giao thông đường bộ mới, kể cả cho đường thường và đường cao tốc, không chỉ theo Công ước Viên mà còn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng lên một bước việc sử dụng năng lượng phi hóa thạch để bảo vệ lâu dài môi trường của đất nước trong điều kiện GTVT phát triển; chủ động nắm bắt để vận hành, khai thác tốt một số tuyến đường sắt đô thị sắp đưa vào khai thác; việc sử dụng vật liệu mới, hiệu quả hơn sẽ tiếp tục được nghiên cứu đưa vào triển khai đại trà.

PV: Là cơ quan tham mưu giúp Bộ GTVT trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quản lý các đề tài khoa học, ông có những đánh giá gì?

PGS. TS. Hoàng Hà: Thời gian qua, toàn bộ 155 tiêu chuẩn Ngành cũ đã được chuyển đổi xong và xây dựng thêm 230 tiêu chuẩn Ngành thay thế. Những năm gần đây, Bộ GTVT luôn là một trong những Bộ đi đầu trong việc xây dựng về tiêu chuẩn. Chúng tôi coi tiêu chuẩn là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật. Công tác nghiên cứu khoa học luôn được Vụ KHCN chú trọng. Chúng tôi đã tăng cường quản lý và trong 5 năm gần đây không chấp nhận những đề tài không xuất phát từ thực tế, đề tài phải có chiều sâu, tập trung vào vấn đề xây dựng công trình, cầu cống nhưng có xét thêm yếu tố vùng miền về mặt khí hậu, địa hình, địa chất, vật liệu và trình độ thi công… Về quản lý hiệu suất của các đề tài thì chúng tôi kiên quyết quản lý đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Những năm qua, chất lượng đề tài luôn được duy trì, bên cạnh đó vẫn còn một số đề tài với nhiều lý do mà chủ nhiệm đề tài bị chậm. Để nâng cao chất lượng, tiến độ đề tài, từ năm 2016, nếu đề tài chậm 3 tháng thì nhắc nhở, chậm 6 tháng là ra văn bản thu hồi nhiệm vụ, giao cho người khác với cam kết đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Công nghệ là Điểm tựa 2
Công nghệ lắp ghép các đốt dầm đúc sẵn bằng hệ đà giáo di động tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

PV: Thời gian qua, chúng ta đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới của thế giới, đem lại hiệu quả kinh tế, xin ông cho biết về triển vọng hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ?

PGS. TS. Hoàng Hà: Có thể nói, hợp tác quốc tế hiện nay là rất mở, đa phương, đa dạng hóa. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nước, các tập đoàn lớn để có thể đưa vào áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới với tinh thần cùng hỗ trợ lẫn nhau. Họ có công nghệ, tiêu chuẩn, vật liệu mẫu và chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ thử nghiệm, đánh giá và ban hành các văn bản kỹ thuật có tính pháp quy để họ được hợp pháp ứng dụng công nghệ có hiệu quả. Những năm tới, chúng tôi sẽ tập trung ở mức cao hơn, không chỉ đánh giá ở chất lượng của công nghệ đó mà còn đánh giá thêm về mặt hiệu quả kinh tế như đã làm gần đây. Thời gian qua, chúng tôi đã liên hệ với các hãng cung cấp nhựa đường của Nga để thử nghiệm nhựa đường của họ, tránh sự độc quyền của Singapore và Malaysia. Chúng tôi nhận thức rằng, nếu tận dụng sự thừa kế trong khoa học thì đem lại kết quả cao hơn o

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận