Công nghệ thông minh, công cụ quản lý hiệu quả giao thông Hà Nội

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/04/2021 10:10

Nhằm nâng cao việc quản lý, điều hành giao thông, TP. Hà Nội đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để thường xuyên cung cấp thông tin chỉ dẫn, thực hiện các phương án phân luồng và điều tiết giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

 

2
Trung tâm Điều hành xe buýt thông minh của Tổng công ty Vận tải Hà Nội

Lấy công nghệ làm công cụ quản lý

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, kể từ năm 2019, Hà Nội đặt ra yêu cầu xây dựng thành phố thông minh, trong đó giao thông thông minh được coi là trọng tâm. Ngành GTVT Thủ đô là đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức giao thông thông minh.

Sau hơn hai năm nghiên cứu và triển khai, đến nay, Sở GTVT TP. Hà Nội đã hợp tác với các công ty công nghệ và Tập đoàn Siemens triển khai công nghệ điều khiển giao thông tiên tiến cho nút giao thông Phạm Hùng - Mễ Trì. Dự kiến, việc triển khai sẽ giúp giảm khoảng 70% lượng điện tiêu thụ, đồng thời điều chỉnh linh hoạt và tối ưu chu kỳ đèn tín hiệu dựa theo tình hình thực tế thông qua cảm biến và camera quan sát. Bên cạnh đó, 12 quận của thành phố có chủ trương lắp đặt thêm 3.000 camera quan sát, vừa giúp đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội, vừa cung cấp thông tin cho bản đồ giao thông.

Ông Vũ Văn Viện cũng cho biết, Sở GTVT TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục ĐBVN và các cơ quan liên quan sớm xây dựng phần mềm quản lý đối với hệ thống GPS trực tuyến của các loại hình xe kinh doanh vận tải, nhằm cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như: dừng, đỗ sai hành trình, đi quá tốc độ, lái quá giờ quy định.“Khi chúng ta triển khai được hệ thống giao thông thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức giao thông, quản lý giao thông tốt hơn, xử lý kịp thời các vi phạm, mang tính răn đe cao hơn, xây dựng được ý thức tự giác chấp hành ATGT của người dân”, ông Viện kỳ vọng.

Trước đó, từ năm 2017, Hà Nội đã thí điểm và mở rộng triển khai ứng dụng tìm kiếm, thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING); Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân; Giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS, ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh, bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online; triển khai dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử trên tuyến BRT; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera, ứng dụng phần mềm quản lý, giám sát công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông bảo đảm hiệu quả.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mở rộng phạm vi khai thác, áp dụng đối với lĩnh vực quản lý của TTGT vận tải; kết nối với phòng quản lý đô thị các quận/huyện, ứng dụng phần mềm cấp giấy phép lái xe.

1
Tại nút giao thông trọng điểm Cửa Nam, nhiều camera đã được lắp thêm so với trước đây để đồng bộ hóa các yêu cầu nhiệm vụ cho việc chỉ huy trung tâm

Camera giám sát: “Liều thuốc” kéo giảm vi phạm giao thông

Theo Công an TP. Hà Nội, thời gian qua, Phòng CSGT là một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong việc xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát giao thông.Hiện nay, Phòng CSGT CATP. Hà Nội đang quản lý, vận hành và khai thác hơn 500 camera giám sát, được lắp đặt tại nhiều vị trí trên địa bàn thành phố, bao gồm ở cổng các bệnh viện, bến xe, trên các tuyến đường phức tạp về trật tự giao thông. Hệ thống camera giám sát nói trên sẽ tự động lưu trữ các hình ảnh, phát hiện và ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông.

Công an TP. Hà Nội đánh giá, sự có mặt của hệ thống camera giám sát góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, đồng thời hỗ trợ lực lượng CSGT trong công tác chỉ huy điều hành giao thông, nắm bắt thông tin giao thông nhanh nhất để giải quyết các vấn đề về ùn ứ, phục vụ đi lại thông suốt...

Đặc biệt, đây cũng là công cụ hỗ trợ cho lực lượng CSGT trong công tác xử lý vi phạm về trật tự, ATGT, công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn, cung cấp tài liệu hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm.

Trong quý I/2021, thông qua hệ thống camera giám sát, Phòng CSGT CATP. Hà Nội đã xử lý được 3.054 trường hợp, phạt tiền hơn 5,7 tỷ đồng, trong đó có 950 trường hợp lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; 245 trường hợp dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định...

Công an TP. Hà Nội cho biết, Phòng CSGT đang nghiên cứu và đề xuất nâng cấp Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội, tăng cường lắp đặt camera xử lý vi phạm giao thông tại các tuyến phố chính, các trục hướng tâm thành phố, trước cổng bệnh viện, bến xe… nhằm giúp lực lượng CSGT nắm bắt tình hình giao thông hiệu quả hơn.

CSGT sẽ được trang bị máy tính bảng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” từ năm 2021 đến năm 2025.

Đề án có tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.150 tỷ đồng, được phân làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông cho Phòng CSGT CATP. Hà Nội có mức kinh phí dự kiến 650 tỷ đồng.

Theo quyết định phê duyệt, dự án sẽ xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh để quản lý tập trung toàn bộ camera giám sát của TP. Hà Nội (huy động tối đa các camera giám sát của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã lắp đặt); điều phối toàn bộ hoạt động giao thông và tự động giám sát an ninh trật tự trên địa bàn.

Dự án còn tích hợp bản đồ số quản lý các camera lắp đặt trên địa bàn thành phố và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện khuôn mặt, nhận diện biển số xe, giám sát các hành vi vi phạm trật tự ATGT và các đối tượng cần kiểm soát.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ lắp đặt trang bị camera chuyên dụng giám sát giao thông thông minh; giám sát xử lý vi phạm (khu vực đường cong, qua cầu, nút giao có đèn tín hiệu giao thông, “điểm đen” TNGT, khu vực công cộng, ra vào cửa ô...); giám sát an ninh trật tự; giám sát các đối tượng cần theo dõi quản lý khi có yêu cầu dựa trên nhận dạng khuôn mặt...

Đặc biệt, lực lượng CSGT TP. Hà Nội sẽ được trang bị máy tính bảng chuyên dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát và điều tra giải quyết TNGT tại hiện trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận