Để nâng cao tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ logistics, doanh nghiệp phải đổi mới cách lãnh đạo hướng về khách hàng cho phù hợp, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cải tiến công nghệ, trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Các yếu tố liên quan đến tính cạnh tranh của dịch vụ logistics trong điều kiện hội nhập, bao gồm phạm vi cung cấp có thể thực hiện nhiều hoạt động logistics thông qua áp dụng đổi mới công nghệ; giao hàng hiệu quả, đúng thời gian nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tính hiệu quả của chi phí khi vận chuyển hàng hóa trên phạm vi rộng cũng như thời gian lưu trữ hàng hóa; khả năng phát triển các dịch vụ mới thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.
Hiện trạng của việc áp dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics
Hiện nay, một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng cung cấp dịch vụ logistics còn hạn chế và giá thành dịch vụ logistics còn cao là do việc áp dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam trong các hoạt động logistics còn chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong công việc hàng ngày.
Theo thông tin của Viện Công nghệ châu Á tại một hội thảo ở TP. Hải Phòng mới đây, hiện nay trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ERP (Hệ thống theo dõi phối hợp nguồn lực của doanh nghiệp), 17% sử dụng EDI (Truyền dữ liệu điện tử), 17% sử dụng TMS (Cài đặt hệ thống quản trị vận tải), 17% sử dụng Barcodes/WMS (Lắp đặt hệ thống mã vạch/phần mềm quản trị kho bãi), 29% cài đặt GPS) (Hệ thống định vị toàn cầu). Trong khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phục vụ cho việc xây dựng Chương trình hành động logistics quốc gia cũng cho kết quả gần tương tự về việc áp dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam.
Sở dĩ có tình trạng này, trước hết là các doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về tác động của công nghệ thông tin trong môi trường cạnh tranh. Đại đa số trong khoảng 1.300 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp bị hạn chế trong quy mô sản xuất, nguồn tài chính không dồi dào trong khi đầu tư công nghệ thông tin đòi hỏi chi phí cao, trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp, nguồn nhân lực sử dụng công nghệ thông tin còn mỏng và thiếu kỹ năng về công nghệ, vốn đầu tư phát triển công nghệ thông tin quá nhỏ trong khi có nhiều loại công nghệ có thể áp dụng vào các hoạt động logistics, cần tìm giải pháp công nghệ phù hợp với trình độ và phạm vi kinh doanh. Khoảng 29 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động và chiếm phần lớn thị trường dịch vụ logistics Việt Nam lại có lợi thế hơn chúng ta về các mặt trên đây.
Một số khuyến nghị áp dụng công nghệ thông tin
Qua các khảo sát và nghiên cứu của các tác giả Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh thì việc doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics được hỏi cho biết sẽ tăng lợi nhuận công ty và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng; khoảng 58% doanh nghiệp cho rằng sẽ giảm chi phí cung cấp dịch vụ; khoảng 70% doanh nghiệp cho biết cải thiện rõ rệt khả năng cạnh tranh và hơn 67% doanh nghiệp cho rằng sẽ hạn chế sai sót của nhân viên trong công việc, tăng độ chính xác và tin cậy, giúp lãnh đạo công ty quản lý tốt hơn.
Để phát huy kết quả đó, đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam cần nhanh chóng xem xét đầu tư phát triển công nghệ trong kinh doanh của mình. Cụ thể:
* Cần nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng của việc áp dụng công nghệ thông tin. Sử dụng công nghệ phù hợp với trình độ và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, trước hết tập trung vào phần mềm cho hoạt động tài chính, quản lý nguồn nhân lực, hỗ trợ quản lý kho hàng và vận chuyển, quan hệ khách hàng, quản trị doanh nghiệp.
Ngoài 5 công nghệ đã nêu trên, hiện nay trên thế giới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu còn áp dụng các công nghệ khác như: Truyền thông dữ liệu di động (Mobile data Communication), Hệ thống kiểm soát thiết bị và container (Container & Equipment Control System), Hệ thống theo dõi lưu kho bãi container (Container Storage Planning System), Phần mềm về hành trình (Routing Software), Hệ thống tìm hàng tự động (Automatic Picking System), Quy trình quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management (CRM))… Đây là những công nghệ mà các doanh nghiệp cần nghiên cứu và áp dụng khi có yêu cầu và điều kiện.
* Mạnh dạn dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ thông tin theo một chương trình dài hạn;
* Thường xuyên tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nhân viên trong việc sử dụng công nghệ thông tin một cách hữu hiệu;
* Nghiên cứu, hợp tác sử dụng công nghệ phù hợp với trình độ công nghệ của khách hàng, nhất là khách hàng chính;
* Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc áp dụng công nghệ cả tầm vĩ mô lẫn vi mô; có sự áp dụng công nghệ và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ, ví dụ trong công tác khai báo hải quan, nộp thuế, thủ tục kiểm tra liên ngành, thủ tục tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới, qua đó giảm thời gian làm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài…
Hy vọng, trong quá trình thực hiện TPP và các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và vươn ra các thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới, tận dụng được lợi thế và cơ hội của các hiệp định này tạo ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.