Ảnh minh họa |
Khu vực này sẽ phát triển hệ thống các cảng biển quốc gia, các bến cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới, các cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng, cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm bến cảng, luồng vào cảng, giao thông đến cảng và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng.
Trước mắt, cảng Cần Thơ sẽ được mở rộng với năng lực vận chuyển 650.000 tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu 10.000 tấn.
Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ xây dựng giai đoạn 2 cảng Cái Cui (Cần Thơ) với 4 bến tàu tải trọng từ 10.000-20.000 tấn, tiếp nhận 2,3-2,5 triệu tấn hàng hóa/năm; trong đó 800.000 tấn chở bằng container.
Do luồng sông Hậu tại cửa Định An thường xuyên bị bồi lắng nên Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư đào kênh tắt dài 34km (qua tỉnh Trà Vinh) thông với biển Đông, tạo luồng tàu biển.
Khi dự án hoàn thành, không chỉ tạo điều kiện khai thác và phát triển cảng biển trên sông mà còn tổ chức lại quá trình vận tải ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giảm chi phí vận tải, giảm áp lực cho các trục giao thông thủy, bộ nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với đường thủy nội địa, sẽ hoàn thành nâng cấp các tuyến thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác; đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án nâng cấp 2 tuyến đường gồm: hành lang số 1 (dài 253km) từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Kiên Giang xuyên qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; hành lang số 2 (dài 148km) ven biển phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau.
Từ nay đến năm 2016, thực hiện các dự án xây dựng tuyến tránh kênh Chợ Gạo, nâng cấp tuyến vận tải sông Hàm Luông, Bạc Liêu-Cà Mau và Đồng Tháp Mười-Tứ giác Long Xuyên.
Riêng Cần Thơ đang xây dựng tuyến giao thông thủy quốc tế trên sông Hậu và giao thông nội vùng gồm các tuyến kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, sông Ô Môn, Thốt Nốt; nạo vét các kênh rạch bảo đảm cho phương tiện có tải trọng từ 5 tấn lưu thông; xây dựng thêm nhiều bến tàu hàng hóa, hành khách trên nhiều tuyến sông chính.
Cần Thơ còn xây dựng 4 bến thuộc cảng Cái Cui dài 665m, có khả năng tiếp nhận tàu biển, trọng tải 20.000 tấn, công suất hàng thông qua cảng 2,5 triệu tấn/năm. Hiện bến số 1 có cầu tàu dài 165m đã hoàn thành.
Cần Thơ còn nâng cấp cảng Cần Thơ, Trà Nóc, đồng thời xây dựng 2 bến bốc dỡ hàng dài 304m và một bến hàng tổng hợp cùng một bến bốc dỡ hàng tại cảng Trà Nóc để phục vụ tàu 7.500 tấn neo đậu.
Về lâu dài, bến tàu du lịch Cần Thơ (tại bến Ninh Kiều), bến tàu khách sẽ chuyển về bến phà Hậu Giang cũ.
Theo kế hoạch, trước năm 2020, Cần Thơ xây dựng cảng chuyển tải ngoài khơi cửa Định An cho tàu có tải trọng 60.000 tấn neo đậu.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, khu vực này sẽ mở luồng qua cửa Tiểu (sông Tiền) cho tàu biển có tải trọng 7.000-8.000 tấn/chiếc lưu thông.
Khu vực này cũng mở thêm luồng cho sà lan lớn trên 2.000 tấn/chiếc chạy xuyên qua Đồng Tháp Mười nối vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và Campuchia với Thành phố Hồ Chí Minh và cụm cảng nước sâu Cái Mép.
Ngoài ra, nâng cấp hai tuyến đường thủy chính từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Tiên (Kiên Giang) và Cà Mau cho sà lan trên 2.000 tấn/chiếc lưu thông; xây dựng tuyến đường thủy Kênh Mương Khai-Đốc Phủ Hiền (Đồng Tháp) nối sông Tiền và sông Hậu dài khoảng 18-20km, sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể trong việc vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ, Hậu Giang đi tắt qua đây đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Vùng cũng sẽ nâng cấp các tuyến kênh để hàng từ sông Hậu, sông Tiền có thể chở thẳng ra cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) giúp rút ngắn khoảng 100km cho các phương tiện thủy, từ đó tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng về vận tải thủy, với bờ biển dài hơn 700km, hệ thống sông, kênh dài 28.000km; trong đó có 23.000km có khả năng khai thác vận tải, chiếm 70% chiều dài đường sông của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống giao thông thủy tại đây chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, gần 80% lượng hàng xuất nhập khẩu của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ qua nhóm cảng biển Đông Nam Bộ với chi phí trung bình tăng thêm 8-10 USD/tấn, đồng thời tăng áp lực lên giao thông đường bộ. Hàng hóa, nhất là các loại nông, thủy sản, do tăng giá thành và thời gian vận chuyển đã làm cho nông sản giảm một phần giá trị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.