Trung Quốc đang trải qua những ngày tăng đột biến số ca nhiễm mới kể từ đợt bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán được kiểm soát từ đầu năm 2020. Biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao khiến các chính sách phòng chống dịch bị siết chặt ở khắp nơi, bao gồm cả các trung tâm sản xuất chính ở Thâm Quyến và Đông Quan, nơi cung cấp nhiều sản phẩm công nghệ cao từ USB đến các linh kiện xe hơi cho toàn thế giới.
Hiện tại, các cảng chính ở Trung Quốc vẫn hoạt động nhưng luôn trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Một số hãng tàu container đã cân nhắc chuyển lộ trình để tránh sự chậm trễ. Nhiều chủ tàu và chuyên gia dự đoán, sắp tới, giá cước vận chuyển sẽ tăng lên trong khi thời gian vận chuyển bị kéo dài ra.
Jasmine Wall, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của SEKO Logistics cho biết, lượng hàng container đang giảm ồ ạt tại cảng Diêm Điền (Thâm Quyến) - cảng container lớn thứ 4 thế giới, do công nhân cảng, tài xế xe tải và công nhân nhà máy phải cách ly tại nhà. Điều này có nghĩa việc vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các cảng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Hiện tại có khoảng 34 tàu ngoài khơi Thâm Quyến đang chờ cập cảng, so với mức trung bình 7 chiếc cách đây 1 năm, theo dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv. Tại Thanh Đảo, một thành phố cảng phía đông Trung Quốc, cũng có khoảng 30 tàu đang chờ cập cảng.
Giá thuê chở mỗi container 40 feet hiện nay ở mức gần như cao nhất từ trước đến nay, khoảng 16.000 USD cho lộ trình Trung Quốc - Bờ tây nước Mỹ và gần 13.000 USD từ Trung Quốc đến châu Âu, theo số liệu của Freightos.
Theo giám đốc của Maersk, hãng vận tải container lớn nhất thế giới, những đợt phong tỏa do Covid-19 tương tự vào năm ngoái đã khiến công suất tại cảng Diêm Điền bị giảm xuống chỉ còn 1/3, gây ảnh hưởng đến chuỗi vận chuyển toàn cầu thậm chí là còn nghiêm trọng hơn so với sự cố tàu container Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez trong 6 ngày vào năm ngoái. Dù các cảng biển Trung Quốc hiện đã có khả năng ứng phó với tình trạng thiếu nhân lực và gián đoạn vận tải tốt hơn nhưng vẫn còn đó lo ngại cảng Diêm Điền sẽ phải đóng cửa nếu dịch bệnh và lệnh cách ly lan rộng. Ngay cả khi các cảng biển vẫn hoạt động thì việc thiếu hụt tài xế xe tải và nhân viên vận hành kho bãi cũng sẽ khiến việc sắp xếp, điều hành các container đi và đến cảng bị chậm trễ.
Không chỉ tại Thâm Quyến, các trung tâm xuất khẩu lân cận khác cũng gặp phải tình trạng tắc nghẽn, bao gồm Hong Kong và Thượng Hải. Điều đó có nghĩa là điện thoại, ti vi và đồ chơi sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến các nước khác.
Chưa kể, sự gián đoạn chuỗi cung ứng còn có thể tác động đến tình trạng lạm phát toàn cầu vốn đã gia tăng.
Niel Rasmussen, GIám đốc Phân tích Vận chuyển tại Hiệp hội chủ tàu BIMCO cho biết: "Chính sách phòng chống dịch không khoan nhượng của Trung Quốc có khả năng sẽ dẫn tới nhiều trường hợp phong tỏa hơn nữa trong thời gian tới. Điều này khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lượng hàng tồn kho do các doanh nghiệp nắm giữ sẽ giảm dần, khiến các mặt hàng trở nên hiếm hoi và tất nhiên là sẽ tăng giá."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.